Dịp 20-11-2006, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân có phát biểu với các nhà giáo rằng: Chính phủ và Bộ GD-ĐT sẽ có đề án, lộ trình cải cách tiền lương để đến năm 2010 giáo viên sống được bằng chính đồng lương của mình! Lúc ấy, nghe cam kết của người đứng đầu ngành, các thầy cô giáo mừng thầm. Mừng vì trong tương lai gần, đời sống của hơn một triệu kĩ sư tâm hồn sẽ được cải thiện bằng chính thu nhập chính đáng của mình. Mừng vì nếu cam kết trở thành hiện thực sẽ tạo động lực không chỉ cho các thầy cô giáo đang đứng trên bục giảng an tâm dồn hết tâm huyết cho sự nghiệp trồng người mà ngay cả việc khuyến khích người giỏi chọn các trường sư phạm để thi, chọn phấn trắng bảng đen làm bạn sẽ nhiều hơn. Được như vậy chắc chắn chất lượng giáo dục sẽ nâng lên rõ rệt!
Tuy nhiên, nhiều thầy cô giáo có kinh nghiệm lại tỏ ra nghi ngại về tính khả thi của cam kết, khi mà cơ sở thực thi chưa mấy rõ ràng. Một giáo sư trên 70 tuổi với gần 50 năm gắn bó với giảng đường đại học cho rằng cam kết ấy không thể trở thành hiện thực. Có người lại bảo Bộ trưởng đã hứa thì chắc là sẽ có giải pháp để lời hứa không suông, để nỗi lo cơm áo gạo tiền của giáo viên bớt nặng.
Từ đó đến nay đã hơn 3 năm. Chỉ còn một ngày nữa là năm 2009 qua đi, đồng nghĩa với năm 2010 đã về. Điều đó cũng đồng nghĩa với thời gian cho cam kết của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân bước vào thời gian thực thi. Vậy mà, đời sống của giáo viên vẫn còn lắm khó khăn chật vật. Hơn triệu thầy cô giáo tâm huyết với nghề nghiệp vẫn canh cánh với nỗi lo cơm áo gạo tiền, vẫn chật vật với cuộc sống của những người có thu nhập thuộc vào diện khiêm tốn nhất của cán bộ công chức nhà nước. Trong dòng chảy khủng khiếp của bão giá, của khủng hoảng và suy thoái kinh tế thời gian qua, có lẽ giáo viên là một trong những đối tượng phải dè xẻn, tiết kiệm nhất, vì không tiết kiệm cũng không được. Và như vậy, vốn dĩ khó khăn lại càng thêm chật vật. Vậy mà, nỗi lo của đội ngũ giáo viên không chỉ ở chỗ thu nhập thấp mà ở cả chuyện bị “nợ” tiền lương, bị “treo” phụ trội, bị “cắt” phụ cấp,… mà dẫn chứng thực tế tại các địa phương nhiều vô kể. Vậy thử hỏi giáo viên sống bằng gì? Và như vậy, thầy cô giáo có đủ sức để vượt qua khó khăn của cuộc sống, có an tâm làm việc khi mà điều kiện tối thiểu nuôi sống bản thân và gia đình chưa đảm bảo, chứ đừng nói chi dồn hết tâm huyết cho sự nghiệp trăm năm cao cả! Lương ít ỏi, thu nhập kém cỏi, lễ tết chẳng có nguồn nào động viên. Đọc báo, xem đài thấy các ngành khác lương và thưởng tết nhất, lễ lộc mà tủi thân. Có doanh nghiệp thưởng cho người lao động hàng trăm triệu ăn tết, có nơi ít cũng một tháng lương… Vậy mà, đối với cái nghề “cao quý nhất trong những nghề cao quý” (như đánh giá của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng) lại chẳng có một đồng xu?!? Có địa phương ráng lắm cũng được đôi ba trăm ngàn “thưởng tết”. Có địa phương thưởng tết một ký thịt heo, hoặc nửa ký hạt dưa, có nơi chỉ có 25.000 đồng… Đã như thế mà có địa phương đến tháng hai âm lịch mà vẫn chưa nhận được tiền tết!
Cuối năm 2009 xin bộc bạch đôi điều trăn trở của không chỉ riêng tôi mà của nhiều thầy cô giáo đang ngày đêm miệt mài với trang giáo án, với phấn trắng bảng đen để góp phần chăm lo cho sự nghiệp trồng người thiêng liêng cao cả. Chúng tôi hiểu rằng, trong điều kiện khó khăn chung của đất nước thì đời sống và thu nhập của giáo viên không thể có mức cao ngất ngưởng. Tuy nhiên, cũng cần có chính sách hợp lí, có sự nhìn nhận và động viên tương xứng trong điều kiện có thể để đội ngũ nhà giáo an tâm công tác. Chúng tôi hiểu rằng, dù đời sống còn lắm khó khăn nhưng với tâm huyết và tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu, cả triệu thầy cô giáo vẫn đang cặm cụi, âm thầm vượt qua khó khăn, vật lộn với cuộc sống nghèo khó để góp sức xây đời, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Nhân đây, xin nhắc lại cam kết đã nêu ở trên của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT như một nguồn động viên dù biết rằng năm 2010 không dễ thực hiện! Vậy xin hỏi, khi nào giáo viên an tâm sống được bằng chính đồng lương của mình? Câu hỏi ấy xin chuyển đến những người có trách nhiệm trong việc tham mưu, đề xuất, hoạch định chính sách, cải cách tiền lương và các chế độ chính sách có liên quan.
Nhà giáo Thanh Liêm
Bình luận (0)