Sự kiện giáo dụcTin tức

Đổi mới và phát triển giáo dục chuyên nghiệp: Bài toán nào trong việc liên kết đào tạo?

Tạp Chí Giáo Dục

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Ngọc Thanh phát biểu tại buổi tọa đàm sáng 31-12-2010

Để nắm bắt nhu cầu doanh nghiệp trong việc sử dụng nhân lực từ các trường nghề, sáng 31-12, Sở GD-ĐT, Báo Giáo Dục TP.HCM đã tổ chức buổi tọa đàm “Đổi mới và Phát triển giáo dục chuyên nghiệp”, ghi nhận ý kiến các doanh nghiệp nhằm định hướng các trường trong việc đào tạo gắn với nhu cầu xã hội.
Chưa có sự kết nối
ThS.Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nêu vấn đề, hiện nay theo ý kiến đánh giá của nhiều doanh nghiệp trình độ công nhân kỹ thuật, kỹ thuật viên đang sử dụng tại các doanh nghiệp thiếu kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành, các kỹ năng mềm và đặc biệt là thiếu ý thức kỷ luật trong công việc. Chương trình đạo tạo tại các trường chuyên nghiệp nặng về lý thuyết, nhiều môn còn chưa hợp lý giữa lý thuyết và thực hành. Trong khi đó trang thiết bị các trường không theo kịp với các doanh nghiệp; thiếu sự kết nối giữa nhà trường và các doanh nghiệp.
Vấn đề này, ông Đỗ Xuân Kế, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ – Tin học Bến Thành thừa nhận: “Nhân lực hiện nay các trường đào tạo về chuyên môn chưa đáp ứng được nhu cầu công ty. Trình độ tiếng Anh phần lớn các em ra làm việc không áp dụng được vào công việc, thiếu tính kỷ luật, đặc biệt là những kỹ năng mềm, không hiểu cơ cấu tổ chức ở công ty mình làm việc để liên hệ công việc, và thiếu hiểu biết về luật lao động. Còn các trường thì máy móc lạc hậu, nếu có thì còn lãng phí nhiều vì giờ thực hành ít”. Ở khía cạnh đào tạo, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Công ty Kỹ thuật Công nghệ Nam Viễn Đông nêu: “Phải nhìn nhận rằng lao động hiện nay chúng ta đào tạo ra là thiếu về trình độ và yếu về kỹ năng. Với số lượng trường và chỉ tiêu đào tạo hiện nay ở các trường thì không lo thiếu nhân lực, tuy nhiên cái thiếu là nhân lực có tay nghề, biết việc… mặt khác chương trình đào tạo vẫn còn bất cập lớn”. Ông Nguyễn Văn Đồng dẫn chứng, ở ngành tài chính kế toán những phần ít cần thiết thì thời lượng học đến 300 tiết, trong khi những tiết học về nghiệp vụ mà học sinh ra trường hay vấp phải chỉ được học 70 tiết. Hậu quả là khi chúng tôi tuyển dụng lao động vào làm việc thì các em không biết soạn thảo một văn bản, hay không biết in ấn tài liệu…
Ông Trần Văn Dũng, đại diện Công ty Bia Vinaken cho biết: “Tôi thật sự lo lắng về kỹ năng thực hành của các em học sinh hiện nay con quá yếu. Phải tăng thời lượng thực hành cho học sinh tham quan thực tế tại các nhà máy, doanh nghiệp. Phải thừa nhận rằng học sinh hiện nay được các trường trang bị nhiều kiến thức nhưng chưa có hệ thống”. Thực tế, khi chúng tôi tuyển dụng lao động vào làm việc, nhìn hồ sơ xin việc thì rất tốt, nhưng khi thử vận hành máy, trang thiết bị thì rất lúng túng”. Còn ông Vũ Quốc Thắng, Giám đốc Công ty CP XNK Côn Sơn kiến nghị: “Nhà trường phải chủ động tìm đến các doanh nghiệp để đặt mối quan hệ, nhằm đưa học sinh đến được với các doanh nghiệp. Chúng tôi có thể sợ lộ “bí kíp”, nhưng với các đơn vị “ruột” thì có thể nhận học sinh thực tập sau đó nhận vào làm việc ngay tại doanh nghiệp. Vì vậy nhà trường phải thường xuyên liên hệ với doanh nghiệp”.
Doanh nghiệp không “quay lưng” với nhà trường
ThS. Tạ Văn Doanh, Tổng Biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM chia sẻ: “Không thể phủ nhận các trường hiện nay đã trang bị nhiều máy móc để nâng cao chất lượng. Song song đó không ngừng đổi mới chương trình để đào tạo sát với nhu cầu doanh nghiệp. Tuy vậy, nhà trường không thể cứ chạy đua với các doanh nghiệp bằng cách mua sắm trang thiết bị, vì nhà trường thiếu tiền. Một cách hiệu quả là doanh nghiệp- trường học cùng sát cánh bên nhau trong việc đào tạo cũng như sử dụng và tái đào tạo nguồn nhân lực”.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm KCN-KCX TP.HCM tán đồng: “Hiện nay có 10 doanh nghiệp trong KCN-KCX cần tuyển học sinh vào thực tập, nếu được sẽ nhận ngay vào làm việc. Chúng tôi cũng đã đưa học sinh nhiều trường như: Trường CĐ KT-KT Phú Lâm, Trường TC KT KT NV Nam Sài Gòn… với số lượng hàng ngàn em vào các doanh nghiệp thực tập. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp không “quay lưng” với các trường đào tạo nghề. Mặt khác nguồn nhân lực nhằm phát triển công ty phần lớn dựa vào các trường nên không thể nói các trường đứng ngoài cuộc. Mà hiện nay chưa phát huy hết sự hợp tác giữa đôi bên hay nói cách khác là doanh nghiệp và nhà trường thiếu cầu nối”. Vấn đề trên được ông Bùi Văn Trực, Giám đốc Công ty CP Phù Sa Đỏ đồng tình: “Thực tế hiện nay các doanh nghiệp rất cần các trường và ngược lại. Đối với công ty tôi, lao động sử dụng đều phải qua đào tạo nên chúng tôi ý thức phải tham gia đánh giá trực tiếp với các trường để có nguồn nhân lực đạt yêu cầu. Chính vì thế các công ty “la” thiếu lao động hay lao động chưa đáp ứng được nhưng riêng công ty tôi với cách làm như trên thì nguồn nhân lực luôn được bảo đảm”.
TS. Lưu Đức Tiến, Phó trưởng phòng GDCN và bồi dưỡng giáo viên Sở GD-ĐT cho biết: “ Về chương trình đào tạo thì Bộ GD-ĐT đã quy định rõ ràng là 50-70 thời lượng thực hành; bên cạnh đó BGH các trường được phép điều chỉnh chương trình đào tạo từ 20-25%. Như vậy nếu doanh nghiệp cần đào tạo nhân lực theo mục tiêu phát triển của doanh nghiệp thì nhà trường hoàn toàn chủ động trong việc điều chỉnh”.
ThS. Phạm Ngọc Thanh nhấn mạnh: “Thời gian tới chúng tôi sẽ đôn đốc các trường cố phải chủ động trong việc đào tạo và tìm kiếm doanh nghiệp để cùng với nhà trường đánh giá chương trình cũng như việc nhận học sinh vào thực tập, làm việc… Từ những đóng góp quý báu của lãnh đạo các doanh nghiệp, Sở GD-ĐT sẽ tổng hợp để định hướng các trường, đồng thời tham mưu UBND và Bộ GD-ĐT cùng với trường, sở giải quyết những khó khăn hiện nay của các trường TCCN”.
Bài, ảnh: Văn Mạnh
Hiện nay, một thực tế là nhà trường đào tạo ra thì chưa đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp; mạnh trường nào trường đó đào tạo, chưa có dự báo, thông tin về thị trường lao động; Các doanh nghiệp chỉ biết than phiền về nguồn nhân lực nhưng không có liên hệ gì với nhà trường trong việc đào tạo.
 

Bình luận (0)