Theo Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em (CSVC&TBTH, ĐCTE) Trần Duy Tạo, dù gặp khó khăn hơn năm 2008 nhưng công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ bản (XDCB) của các đơn vị trực thuộc Bộ GD-ĐT năm 2009 có nhiều tiến triển.
Năm 2009, có 71 dự án đầu tư XDCB các trường ĐH, CĐ và các đơn vị trực thuộc Bộ GD-ĐT được triển khai thực hiện. Gần 70.725 m2 sàn xây dựng đã được đưa vào sử dụng; tăng thêm phòng học, giảng đường, phòng thí nghiệm, nhằm làm việc các khoa và nhà thi đấu TDTT.
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá, một số đơn vị thiếu quan tâm công tác lập quy hoạch xây dựng gây khó cho việc lựa chọn dự án đầu tư mới và khiến các công trình khi đưa vào sử dụng chưa đạt hiệu quả cao, thiếu bền vững (nhất là với các trường có khuôn viên nhỏ thuộc nội thành TP.HCM, Hà Nội). Thiếu chặt chẽ trong việc lập, thẩm định phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế, dự toán, ký kết hợp đồng… dẫn đến khối lượng thay đổi, bổ sung nhiều trong quá trình thi công. Phần lớn Ban quản lý các trường và các đơn vị có dự án đầu tư chưa đáp ứng đủ năng lực chuyên môn cũng như số lượng thành viên theo quy định. Nhiều chủ đầu tư không đủ năng lực quản lý dự án đã phải thuê tư vấn quản lý, nhưng lại không phân biệt rõ chức năng nhiệm vụ giữa đôi bên dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm, chậm trễ công việc. Đáng báo động là các chủ đầu tư chưa coi trọng việc quyết toán vốn đầu tư, chỉ tập trung vào tiến độ thực hiện dự án và thanh toán vốn theo kế hoạch hằng năm. Các trường ĐH (ĐH Đà Nẵng, Bách khoa Hà Nội, Nông lâm TP.HCM, Sư phạm Hà Nội, CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM…) chậm quyết toán. Bộ và TW đã nhắc nhở nhiều lần bằng văn bản về xử lý quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả. Hết năm 2009, khối đơn vị trực thuộc bộ có đến 529 hạng mục công trình ở tất cả các nguồn vốn đã hoàn thành nhưng các chủ đầu tư vẫn chưa tập hợp đủ hồ sơ trình bộ thẩm tra và phê duyệt quyết toán. Trong đó, có những dự án đã đưa vào sử dụng từ năm 2001-2004 (Trường ĐH Vinh, ĐH Sư phạm Hà Nội 2…) và thậm chí từ năm 1995-2000 (Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM, ĐH Sư phạm TDTT Hà Nội, Học viện Quản lý giáo dục…). Đặc biệt, có đơn vị (ĐH Bách khoa) vốn tồn đọng quá lớn, trên 600 tỷ đồng.
Cục trưởng Trần Duy Tạo đề nghị năm 2010 này cần nâng cao chất lượng công tác quyết toán vốn đầu tư. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả, chất lượng và tiến độ xây dựng công trình. Đơn vị cần lập ban theo dõi việc thực hiện dự án do thủ trưởng đơn vị làm trưởng ban. Ban quản lý dự án phải đảm bảo được trình độ chuyên môn theo quy định, kiên quyết loại bỏ việc kiêm nhiệm của nhiều cán bộ. Ông Tạo cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT từ năm 2010 cần thực hiện nghiêm túc ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về báo cáo công tác quyết toán dự án hoàn thành và các biện pháp xử lý vi phạm chế độ báo cáo quyết toán vốn đầu tư XDCB: không giao dự án đầu tư mới cho chủ đầu tư có 3 dự án trở lên vi phạm quy định về thời gian lập báo cáo quyết toán; cấm nhà thầu tham gia đấu thầu dự án mới khi chưa hoàn thành quyết toán dự án đã thực hiện hoàn thành theo quy định mà lỗi thuộc về các nhà thầu.
M.T
Bình luận (0)