Sự kiện giáo dụcTin tức

SV nghiên cứu khoa học: Chỉ theo… phong trào

Tạp Chí Giáo Dục

Đại biểu trao đổi giải pháp phát huy nguồn lực NCKH trẻ tại diễn đàn. Ảnh: Mê Tâm

SV than phiền vì đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) của họ sau khi nghiệm thu, chấm điểm chỉ… để đó. Doanh nghiệp lại không tiếp nhận được đề tài của SV vì những công trình NCKH đó khó ứng dụng thực tế… Hiện trạng này đã được các đại biểu bàn luận tại diễn đàn Khoa học trẻ chủ đề “Phát huy nguồn lực nghiên cứu khoa học trẻ thành phố” thuộc khuôn khổ Festival “Tuổi trẻ sáng tạo TP.HCM lần I năm 2010” do Thành đoàn TP.HCM tổ chức ngày 2 và 3-1-2010.
Chưa “hút” SV…
Không ít SV có khả năng và thực hiện nghiên cứu khoa học tốt nhưng cũng còn bộ phận SV rất thờ ơ. Quách Minh Châu (Trường ĐH Mở TP.HCM) chia sẻ: “Tại trường em, nhiều SV khi nghe nhắc đến NCKH chỉ biết… cười hoặc nhún vai. Thậm chí có bạn đăng ký đề tài rồi lên mạng “copy” thông tin nộp mà thiếu hẳn sự động não suy nghĩ nghiên cứu”. SV ít quan tâm đến NCKH cũng một phần bắt nguồn từ việc thiếu thông tin. Lê Nhật Tùng (Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) ý kiến, SV chủ yếu tiếp cận thông tin về NCKH qua những thông báo chung chung. Nếu thường xuyên tổ chức những diễn đàn như diễn đàn “Khoa học trẻ” hoặc mở rộng mô hình câu lạc bộ NCKH tại các trường thì SV sẽ có thêm cơ hội tiếp cận thông tin. Theo Tùng, phần nhiều đề tài SV nghiên cứu, nghiệm thu xong chỉ… để đó mà ít được triển khai ứng dụng. Tùng đề nghị các trường ĐH cần có “chế độ” ưu tiên điểm số hoặc xét đặc cách tốt nghiệp, kể cả ưu tiên cộng điểm tốt nghiệp và làm luận văn cho những SV tham gia tốt công tác NCKH. Song, có quan điểm ngược lại cho rằng mục tiêu quan trọng nhất mà SV nên hướng tới khi tham gia nghiên cứu chính là tính ứng dụng của công trình và những kiến thức, kỹ năng học được qua suốt quá trình làm việc chứ không đơn thuần điểm số. Đại diện khối học sinh trung học phổ thông, em Phạm Hy Hiếu (Trường PT Năng khiếu – ĐHQG TP.HCM) đặt vấn đề, đối với bậc THPT, nên chú trọng khuyến khích và rèn luyện phẩm chất NCKH cho học sinh thay vì nhắm đến mục tiêu hoàn thành một công trình NCKH hoàn chỉnh hoặc có tính ứng dụng. Mục tiêu như vậy sẽ vừa tầm với học sinh THPT hơn.
Hầu hết những “nhà khoa học trẻ” khi thực hiện NCKH còn “vướng” phải vấn đề kinh phí. SV Quách Minh Châu (Trường ĐH Mở TP.HCM) nêu cụ thể, để hoàn thành để tài nghiên cứu “Một số biện pháp để phát triển bền vững du lịch sinh thái miệt vườn của miền Tây Nam bộ” tham dự giải thưởng “SV nghiên cứu khoa học – Eureka” năm nay, em đã tự chi toàn bộ mức kinh phí 1,5 triệu đồng. Trong đó, riêng việc in ấn thôi đã mất gần 500 ngàn đồng. 1 triệu đồng còn lại Châu đã hết sức “vun vén” để chi tiêu cho chuyến đi thực tế hơn 10 tỉnh miền Tây Nam bộ kéo dài 2 tuần.
Tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp – nhà trường…
Th.S Dương Quốc Thái (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bao bì nhựa Sài Gòn Saplastic) nhận xét, SV hiện nay chọn đề tài NCKH chủ yếu theo phong trào (chưa ý thức ý nghĩa đề tài) hoặc họ được chính nhà trường chọn cho chứ không xuất phát từ nhu cầu doanh nghiệp hay xã hội. Do đó, đề tài thiếu tính ứng dụng, chỉ để… chấm điểm. Ông Thái đề nghị việc tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp với nhà trường, các tổ chức SV; mở diễn đàn để SV trao đổi, thể hiện ý tưởng sáng tạo thông qua các website, forum….
Bàn về giải pháp thúc đẩy việc ứng dụng đề tài của đội ngũ NCKH trẻ vào thực tế, PGS.TS. Phan Minh Tân (Giám đốc Sở Khoa học công nghệ TP.HCM) khuyến khích SV chủ động tiếp cận doanh nghiệp khi thực hiện đề tài. Việc đăng ký đề tài cũng cần cho biết địa chỉ ứng dụng cụ thể để tiến hành mời đơn vị này cùng tham gia quá trình nghiệm thu đánh giá đề tài. Ông Tân còn cho biết, cơ chế chính sách bồi dưỡng cán bộ khoa học kỹ thuật đang soạn thảo có đề xuất xem xét việc hỗ trợ kinh phí cho những nghiên cứu viên có báo cáo được chấp nhận tại hội nghị quốc tế, có bài nghiên cứu được đăng báo quốc tế…
Phạm Mạnh Tân (Chuyên trách Đoàn trường ĐH Ngân hàng) đề nghị việc xây dựng bảo tàng chứa những công trình NCKH của chính đội ngũ nghiên cứu trẻ để SV và ngay cả học sinh các cấp có điều kiện tiếp cận, tham khảo…
MÊ TÂM

Bình luận (0)