Sự kiện giáo dụcTin tức

Trẻ khuyết tật nhẹ: Bỏ học nhiều vì can thiệp trễ

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo dục trẻ khuyết tật cần được quan tâm đặc biệt (Ảnh minh họa). Ảnh: H.Triều

Hiện nay, chúng ta thường biết đến những trẻ khuyết tật nặng có thể nhận biết nhanh chóng qua ngoại hình nhưng lại ít biết đến những trẻ khuyết tật nhẹ (KTN). Vì thiếu sự quan tâm nên đây là một trong những nguyên nhân tại sao những trẻ chậm phát triển về năng lực ngôn ngữ, trí thông minh lại bỏ học từ rất sớm, thường là khoảng thời gian học cấp 2.
Cần can thiệp sớm
Ông Robert A. Gable, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Trẻ em thuộc Đại học OLD Dominion (Hoa Kỳ) cho biết: “Trẻ KTN như chỉ số thông minh thấp, nói ngọng, mang bệnh tự kỷ… ở Hoa Kỳ có rất nhiều công cụ để chẩn đoán, vì vậy được phát hiện từ rất sớm và được chăm sóc, dạy bảo với nhiều phương pháp khác nhau để hòa nhập với cộng đồng, tiếp tục học tập ở những bậc cao hơn”. Còn đối với thực trạng này ở nước ta, việc phát hiện và đưa ra những phương pháp dạy cho trẻ KTN chủ yếu dựa trên trực giác của những người tiếp xúc.
Cô Phạm Thị Thúy Trần, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Củ Chi cho biết: “Hiện nay, trường tôi đảm nhiệm chưa có một công cụ khoa học kỹ thuật nào để chẩn đoán trẻ khuyết tật. Tôi nghĩ ở các trường khác cũng rất hiếm. Qua một quá trình dạy học cho các em, chúng tôi mới có thể biết được em nào có khuyết tật về mặt ngôn ngữ, em nào bị khuyết tật về chỉ số IQ…”.
Chúng ta không thể phủ nhận rằng, có rất nhiều cách phát hiện ra trẻ KTN, chẳng hạn như đầu năm học, trường nào cũng tổ chức thi khảo sát chất lượng cho học sinh, tuy nhiên điều này cũng chỉ mới là một hình thức, còn để nhận biết rõ trẻ KTN, theo ông Robert A. Gable: “Cần kết hợp nhiều biện pháp hơn nữa để phát hiện trẻ KTN kịp thời. Nếu không được phát hiện sớm và có những biện pháp can thiệp kịp thời, trẻ sẽ chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống”.
Đây cũng đang là điều trăn trở của nhiều giáo viên (GV) khi tham gia vào quá trình dạy học cho học sinh. Cô Nguyễn Thị Mỹ Tâm, cán bộ quản lý Trường THCS Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi cho biết: “Bước sang cấp 2, các em không được học cùng chung một cô giáo nữa mà phân chia ra thành nhiều môn với nhiều GV khác nhau. Mặc dù ở trường có dạy phụ đạo thêm một số bộ môn chính nhưng không phải tất cả các GV đều hiểu và có mức độ quan tâm đối với học sinh KTN như nhau. Vì vậy, nếu trẻ mang KTN không được phát hiện sớm để hướng dẫn và có những biện pháp giúp trẻ học tốt hơn thì trẻ sẽ rất khó để tiếp tục học thêm các chương trình cao hơn”.
Giúp trẻ vào môi trường hòa nhập
Mặc dù không có những phương tiện tiên tiến như các nước phát triển nhưng bằng tâm huyết của người dạy trẻ, GV của chúng ta cũng đã có nhiều cách thức để nhận biết trẻ KTN và khắc phục được những nhược điểm để trẻ có đủ tự tin, bản lĩnh, sự hiểu biết như những đứa trẻ bình thường khác.
Cô Trần Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Bông Sen 8, huyện Củ Chi tâm sự: “Đối với những trẻ KTN như nói ngọng, khiếm thính… khi mới vào nhà trẻ chúng ta vẫn thấy trẻ rất bình thường, chỉ qua một thời gian tiếp xúc, GV mới có thể nhận ra. Trong quá trình dạy cho trẻ, chúng tôi vẫn cho trẻ hòa nhập chung đối với những trẻ khác nhưng trong quá trình dạy trẻ làm bài tập, GV sẽ chú ý kiểm tra nhiều hơn trong thời lượng dạy cũng như khi trẻ vui chơi”.
Cái khó của GV là làm sao những trẻ bình thường phát huy được tính tích cực trong bài giảng nhưng một số học sinh KTN cũng có khả năng tiếp nhận được lượng thông tin mà GV đưa ra. Những trẻ KTN thường chậm phát triển về mặt trí tuệ, lại ít tập trung khi học. Vì vậy, đối với những trẻ này, theo cô Phạm Thị Thùy Trân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Củ Chi cho biết: “Cần có kế hoạch giáo dục cá nhân, tức là thay vì GV soạn giáo án bình thường thì chúng ta nên đặt ra những mục tiêu riêng dành cho các đối tượng. Trong lúc giảng dạy, GV không nên có thái độ chê trách đối với những học sinh chậm hiểu bài mà nên chú ý đến các em đó nhiều hơn. Mỗi tháng, cần có một bảng khảo sát riêng đánh giá những em KTN đạt được những gì và sau đó bổ sung lại hoặc bổ sung thêm kiến thức để các em theo kịp các học sinh bình thường khác”.
Bên cạnh công tác giảng dạy ở lớp, rất nhiều GV cho rằng, để phát huy hiệu quả việc học tập của những trẻ KTN cần có sự kết hợp giữa GV và phụ huynh học sinh. Thầy Khôi, cán bộ quản lý Trường Tiểu học Cần Thạnh, huyện Cần Giờ chia sẻ: “Mối liên hệ giữa phụ huynh và GV là rất cần thiết cho mọi học sinh, tuy nhiên đối với trẻ KTN, GV nên thường xuyên gửi các thông tin giảng dạy của mình đến phụ huynh của trẻ để trong các sinh hoạt của trẻ ở nhà, phụ huynh dễ đưa ra các ví dụ dẫn chứng giúp trẻ nhớ lâu hơn bài tập của mình”. Thầy Khôi cũng cho rằng, việc có những công cụ khoa học để phân hóa trẻ KTN với những đứa trẻ bình thường khác là rất cần thiết nhưng không chỉ bằng các công cụ mà bằng trực giác, bằng tấm lòng nhiệt huyết của mình, chúng ta chắc chắn sẽ phát hiện sớm và có những phương pháp dạy phù hợp để trẻ có thể phát triển trí tuệ như những đứa trẻ bình thường khác.
DƯƠNG BÌNH

Bình luận (0)