Sự kiện giáo dụcTin tức

Thưởng Tết cho giáo viên: Ước ao… tháng lương 13

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo viên Trường Mầm non 30-4, tự hào vì được hưởng tháng lương thứ 13

Ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó giám đốc Sở GD-ĐT, Chủ tịch Công đoàn ngành GD-ĐT TP.HCM tâm tư: “Nhiều giáo viên, nhất là giáo viên mầm non (GVMN) chỉ ước ao có được tháng lương 13”. Giấc mơ này so với công nhân lao động thì thật đơn giản nhưng với GVMN thì không dễ gì thực hiện được…
Khắc khoải một giấc mơ
Sáu năm trước, Hòa (Q.Tân Bình) vô cùng hạnh phúc khi trở thành giáo viên của một trường mầm non trên địa bàn Q.Tân Phú. Bao nhiêu tâm huyết của tuổi trẻ cô dành hết cho trường, cho lớp. Nhưng nhiệt huyết đó cũng nhanh chóng tan biến khi… lương không đủ sống. “Mặc dù Q.Tân Phú tách ra từ Q.Tân Bình nhưng từ nhà tôi tới trường cũng 15 – 16 km. Hôm nào tôi cũng phải đi làm từ 6 giờ sáng và 6 giờ tối mới về đến nhà. Hồi chưa lấy chồng thì ăn “bám” ba mẹ, nay có chồng rồi thì ở “bám”. Với mức hơn 2 triệu đồng/tháng như hiện nay, tôi không biết đến khi nào mới hết ở “bám” ba mẹ. Nhưng đó là tình trạng chung của nhiều người nên đành chấp nhận. Tôi chỉ buồn, thậm chí là tủi thân, mỗi khi năm hết Tết đến chỉ nhận được 3 – 4 trăm ngàn đồng. Cô hiệu trưởng vẫn thường nói, người ta có tiền Tết mình cũng phải có. Vét sạch két sắt của trường chỉ có bấy nhiêu và chia đều cho mọi người, dẫu sao có còn hơn không. Cô hiệu trưởng đã nói vậy rồi, giáo viên nào dám đòi hỏi gì thêm. Song, không nói ra nhưng ai cũng ước có được tháng lương thứ 13. Một tháng lương khoảng 2 – 3 triệu đồng, không là gì so với vài chục triệu hay hàng trăm triệu mà một số doanh nghiệp thưởng Tết cho mỗi cán bộ, nhân viên nhưng năm nào chúng tôi cũng ước, cũng mơ mà không được”, Hòa tâm sự.
Giấc mơ của Hòa cũng chính là giấc mơ của mẹ cô – từng là giáo viên mầm non. Và cũng là nỗi niềm của hàng chục ngàn giáo viên đang công tác tại các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Cô Thanh Hà – giáo viên Trường Tiểu học Đống Đa, Q.4 kể: “Nhà có hai chị em đều là giáo viên, tôi thì dạy ở trường công, còn cô em gái dạy ở trường quốc tế. Tết, cô em được thưởng cả chục triệu đồng, rồi quà cáp phụ huynh biếu. Trong khi đó, mình chưa đầy 1 triệu đồng. Càng nghĩ càng buồn…”.
Ngay cả đến những trường “giàu có” như Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 mà khi hỏi đến tháng lương thứ 13, Hiệu trưởng nhà trường bà Lê Thị Ngọc Điệp còn lắc đầu: “Trường có khoảng 120 cán bộ, giáo viên, công nhân viên nếu chi lương tháng 13 thì lấy kinh phí ở đâu ra mà chi…”.
Tuy vậy, so với mấy năm trước, Tết năm 2010, hầu bao của cán bộ, giáo viên, công nhân viên Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm có phần rủng rỉnh hơn. “Ước tính mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên biên chế được khoảng gần 3 triệu đồng. Còn những người hợp đồng thì khoảng 1,2 – 1,5 triệu đồng/người”, bà Điệp tiết lộ.
Cả năm tiết kiệm để có tiền thưởng Tết
Qua tìm hiểu của chúng tôi, số trường có thể “thỏa mãn” ước mơ lương tháng 13 cho giáo viên chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Một giáo viên Trường Mầm non 30-4, Q.1 khoe: “So với các trường khác, Trường 30-4 thưởng Tết cũng nhiều lắm”. Khi được hỏi “Nhiều là bao nhiêu?”, cô hồn nhiên trả lời: “Bằng một tháng lương”.
Để có kinh phí thưởng Tết cho giáo viên bằng một tháng lương, bà Phạm Thị Hương – Hiệu trưởng Trường Mầm non 30-4 tiết lộ: “Trường 30-4 hoạt động theo mô hình trường công lập tự chủ tài chính nên nếu biết chi tiêu tiết kiệm thì cuối năm cũng còn dư chút đỉnh. Mặt khác, nhà trường cũng cho thuê mặt bằng. Thay vì chi hàng tháng thì dồn lại đến cuối năm chi. Cộng dồn tất cả các khoản, Tết mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên cũng được 1 tháng lương”. Không chỉ có vậy, Ban đại diện Cha mẹ học sinh Trường 30-4 cũng rất quan tâm đến đời sống giáo viên nên mỗi năm đều hỗ trợ mỗi người 3-4 trăm ngàn đồng ăn Tết.
Tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, thầy Võ Anh Dũng – Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết: “Nhà trường cố gắng để mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên được hưởng tháng lương 13. Như năm ngoái, mức thưởng cao nhất là trên 5 triệu đồng, thấp nhất là gần 3 triệu đồng. Số tiền này được lấy từ hai nguồn, thứ nhất là tiết kiệm ngân sách, thứ hai là quỹ phúc lợi”… Và với mức thưởng như vậy, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong được xếp vào “top” những trường có mức thưởng Tết “cao ngất ngưởng”.
Từ năm học 2006-2007, theo Nghị định 43 của Chính phủ, các trường được quyền tự chủ về tài chính. Theo đó, “Trường nào biết cân đối chi tiêu thì cuối năm sẽ còn dư một khoản. Khoản này hầu hết là được sử dụng để chi tiền thưởng, Tết cho giáo viên”, ông Trần Trung Hiếu – Trưởng phòng Phòng GD-ĐT Q.12 cho biết.
Mặc dù các trường có cân đối thu chi giỏi cỡ nào đi chăng nữa thì khoản dư cuối năm cũng chẳng đáng là bao. Bởi theo bà Điệp, phần lớn ngân sách cấp cho trường đều dành cho chi lương. Chính vì vậy mà… thưởng Tết đối với giáo viên vẫn chỉ là “có cho vui, có cho đỡ tủi”.
Bài, ảnh: Hòa Triều

Bình luận (0)