Trong hai ngày 11 và 12-1 tại TP.HCM, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo “Phát triển chương trình đào tạo theo mô hình CDIO bậc ĐH”. CDIO là một chương trình tương đối mới có tính tích cực trong kỹ thuật đã được áp dụng ở một số nước phát triển nhưng chưa được áp dụng ở bậc ĐH tại Việt Nam.
Cải tiến chất lượng kỹ thuật
Theo TS. Hồ Tấn Nhựt, giảng viên Trường ĐH Northridge (Hoa Kỳ): “CDIO là một chương trình quốc tế được hình thành để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và các bên liên quan khác trong việc nâng cao khả năng của sinh viên tiếp thu các kiến thức cơ bản, đồng thời đẩy mạnh đối với việc học các kỹ năng cá nhân và giao tiếp, kỹ năng kiến tạo sản phẩm, quy trình và hệ thống”.
Thông qua một số chương trình tập huấn nâng cao năng lực, hiệu quả tổ chức và quản lý đào tạo theo hệ thống tín chỉ, ĐHQG TP.HCM đã áp dụng chương trình CDIO từ năm 2008. Đến nay, các đề án triển khai thí điểm đã áp dụng CDIO cho một số nhóm ngành đào tạo đang được xây dựng tại các trường ĐH thành viên. PGS.TS Đoàn Thị Minh Trinh, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM phân tích: “Đây là chương trình nhằm đáp ứng yêu cầu đòi hỏi sinh viên kỹ thuật phải có đầy đủ 4 năng lực là hình thành ý tưởng, thiết kế, triển khai và vận hành sản phẩm. Có được 4 năng lực này, chắc chắn sinh viên kỹ thuật sẽ nắm vững được chìa khóa của thành công”. Trong khi đó, TS. Võ Thanh Tùng, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Đồng Tháp chia sẻ: “Từ trước đến nay, Trường ĐH Đồng Tháp đã thực hiện một số mô hình hiện đại để xác định chuẩn đầu ra cho sinh viên, trong đó có những chương trình giống với CDIO. Tuy nhiên, những chương trình này được áp dụng cho tất cả các lĩnh vực đào tạo nên không thể đi sâu vào mức độ chuyên môn của sinh viên khối kỹ thuật như CDIO”. TS Võ Thanh Tùng đã cho biết thêm về những điểm tích cực trong chuẩn đầu ra của CDIO là: “Kiến thức và lập luận kỹ thuật; kỹ năng và tố chất cá nhân, tố chất nghề nghiệp; kỹ năng giao tiếp (kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp…); hình thành ý tưởng, thiết kế, triển khai và vận hành hệ thống trong bối cảnh doanh nghiệp và xã hội”.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng việc áp dụng chương trình CDIO vào giáo dục ĐH, đặc biệt là ngành kỹ thuật sẽ giúp sinh viên nắm vững chuyên sâu nền tảng kỹ thuật, từ đó dễ dàng vận hành sản phẩm, hệ thống mới. Ngoài ra, chương trình này còn góp phần giúp sinh viên trong việc hiểu được tầm quan trọng và tác động chiến lược của nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đối với xã hội.
Nhiều trở ngại khi áp dụng
CDIO là một chương trình có tầm nhìn chiến lược tích cực mà các trường ĐH có thể áp dụng để cải tiến chất lượng. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Văn Lịch (đại diện ĐHQG TP.HCM): “Việc vận dụng một mô hình mới ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần có thời gian, chúng ta không thể đốt cháy gian đoạn mà phải có những bước đi từ từ. Đặc biệt chương trình này được xây dựng ở trường ĐH hàng đầu như Nothrdge (Hoa Kỳ) mà đưa vào áp dụng tại Việt Nam thì bối cảnh áp dụng hoàn toàn khác nhau, đòi hỏi phải có nhiều nhân tố. Chúng ta nên thí điểm ở một số trường ĐH rồi áp dụng dần chứ không thể đưa nguyên chương trình vào giáo dục nước nhà”.
Một trong những vấn đề các đại biểu lo ngại là nguồn kinh phí để đầu tư cho môi trường, cơ sở vật chất học tập khi áp dụng chương trình CDIO khá cao. Mặt khác, lực lượng giảng viên các trường còn mỏng, chưa đủ mạnh so với yêu cầu đào tạo của chương trình cũng là một trở ngại lớn. Vì vậy, theo ông Nguyễn Tiến Dũng, giảng viên Trường Sỹ quan Lục quân 2: “Cần có sự phối hợp đồng bộ từ cấp Bộ đến liên Bộ, từ trường đến các công ty để thực hiện chương trình này. Chúng ta phải có một giải pháp đồng bộ từ các nguồn lực về con người, về cơ sở vật chất, về các quan điểm của ban ngành…”.
Tại hội thảo, hơn 200 đại biểu đại diện cho các trường ĐH, CĐ đã trình bày các vấn đề như: xác định chuẩn đầu ra (12 chuẩn CDIO), áp dụng triển khai cách tiếp cận CDIO… vào chương trình đào tạo ĐH Việt Nam.
Dương Bình
Bình luận (0)