Học sinh Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức đang thực tập trên máy CNC |
Ngày 14-1-2010, Trường Trung cấp KT-KT Nguyễn Hữu Cảnh (TC KT-KT) tổ chức buổi hội thảo “Hướng nghệp và phân luồng học sinh phố thông”. Tại buổi hội thảo, các đại biểu khẳng định thực trạng thừa “thầy”, thiếu “thợ” hiện nay rất đáng báo động. Không ít trường có HS bỏ học nhiều lại không vào học nghề, còn HS vào học nghề thì trình độ quá thấp, khó cho công tác đào tạo của nhà trường… Giải pháp là phải tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, tư vấn cho HS, phụ huynh HS nhận thức về vấn đề nghề nghiệp, để hướng HS vào học nghề…
Vai trò các trường TCCN
TS. Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định: “Hiện nay dư luận xã hội vẫn còn chưa hiểu hết về hệ TCCN. Nhiều HS, phụ huynh HS cho rằng đường cùng mới phải vào học TCN, nhưng thực tế hiện nay các trường TCCN đã khang trang, chất lượng đào tạo có nhiều đột phá đáp ứng phần lớn nhu cầu doanh nghiệp. Tuy nhiên, muốn các em HS vào học TCCN phải đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng ở phổ thông. Qua những cuộc hội thảo như thế này, Sở GD-ĐT sẽ ghi nhận để định hướng các trường trên địa bàn thành phố và đề xuất giải pháp lên UBND nhằm nâng cao hiệu quả hướng nghiệp, phân luồng hướng HS vào học TCCN”.
Trong xã hội lâu nay vẫn tồn tại cách nghĩ chỉ vào đại học mới có danh tiếng, dẫn đến nạn “bằng cấp” khi tuyển dụng vào các cơ quan, doanh nghiệp; trong khi nhu cầu nguồn nhân lực không chỉ cần đến “thầy” mà cần cả “thợ”. “Không phân luồng được HS sau mỗi bậc trung học là một sự lãng phí và sẽ gia tăng gánh nặng lao động không qua đào tạo. Mỗi năm cả nước có trên 700.000 HS tốt nghiệp THCS, THPT nhưng chỉ có gần 20.000 HS trong tổng số này vào học TCCN” – thầy Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường TC KT-KT Nguyễn Hữu Cảnhnêuvấn đề. Mặt khác rất nhiều HS hiện nay ngồi “nhầm chỗ”, theo ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT thì trong kỳ thi CĐ-ĐH năm 2009 có tới hơn 300.000 thí sinh dưới điểm 1 và hơn 700.000 thí sinh không đủ điểm trung bình. Nếu hướng lượng HS này vào các trường TCCN sớm sẽ tạo cho các em một nghề nghiệp ổn định, bớt tốn kém cho xã hội.
Tại TP.HCM mỗi năm có gần 7.000 HS rớt tốt nghiệp THPT và hàng chục ngàn HS rớt CĐ-ĐH. Song do các trường từ TCCN lên CĐ không muốn tuyển HS tốt nghiệp THCS vào học hệ TCCN nên việc phân luồng HS sau THCS gặp nhiều khó khăn. Thầy Bùi Minh Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thánh Tôn nêu bất cập: “Theo thống kê thì luồng vào học THPT chiếm xấp xỉ 80% HS tốt nghiệp THCS. Hệ thống trường THPT công lập nhiều địa phương chỉ đáp ứng được 40-60% nhu cầu học tập của HS. Nhiều nơi đặt mục tiêu phổ cập xong THCS, tiến tới phổ cập THPT. Với cách hiểu phổ cập là tất cả HS sau khi tốt nghiệp THCS đều được học lên THPT đã vô tình đi ngược lại chủ trương phân luồng”.
Để phân luồng HS sau THCS, THPT, những năm gần đây Bộ GD-ĐT đã cho phép các trường ĐH, CĐ, TCCN tuyển HS tốt nghiệp THCS và rớt tốt nghiệp THPT vào học TCCN. Tuy nhiên do một số ràng buộc nhất định nên chủ trương này chưa thu hút được HS. Cụ thể những HS tốt nghiệp THCS khi vào học tại các trường TCCN vừa phải học văn hóa, vừa học nghề nhưng khi ra trường xin việc, bằng nghề được công nhận là TCCN nhưng bằng văn hóa chỉ được coi là 9 +2 hoặc 9+3, không được coi là tốt nghiệp THPT nên rất khó xin việc. Mặt khác theo thầy Nguyễn Phước Đỉnh, Trường THPT Ngô Quyền thì: “Các trường TCCN hiện nay còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Giáo viên còn thiếu và chưa trang bị đầy đủ kiến thức về thực hành để dạy cho HS”.
Khó khăn trong việc phân luồng
HS Trường TCKT Công nghệ Hùng Vương trong giờ thực hành nghề điện công nghiệp |
Trong năm 2009, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường TCCN đóng trên địa bàn TP.HCM là hơn 34.000 HS. So với chỉ tiêu thì TP.HCM đạt 94%, tuy vậy phần lớn HS vào học TC là HS từ các tỉnh; HS tại TP.HCM thì vẫn còn “mặn” với CĐ-ĐH.
Ở góc độ khác, thầy Nguyễn Đức Trung cho biết: “Sở dĩ các trường không tuyển HS tốt nghiệp THCS vào hệ TCCN là vì HS ở trình độ này sẽ không theo kịp chương trình TCCN. Theo quy định, ngoài việc học các môn chung, môn cơ sở, chuyên ngành, học sinh tốt nghiệp THCS còn phải học các môn văn hóa và phải thi tốt nghiệp nhiều môn”. Được biết tại Trường TC KT-KT Nguyễn Hữu Cảnh đã xác định gắn đào tạo với việc làm. Trước khi tốt nghiệp, HS đều phải qua hai tháng thực tập tại các công ty. Do học và hành sát với thực tế, thời gian thực tập nhiều nên có tới 95% HS tốt nghiệp có việc làm ngay, có nhiều ngành cung không đủ cầu như: cơ khí, điện, điện tử, điện lạnh… Rõ ràng việc học TCCN có cơ hội nghề nghiệp lớn như vậy nhưng còn hạn chế trong việc phân luồng nên HS, phụ huynh HS chưa biết để hướng vào học nghề.
Kinh nghiệm thực tế từ địa phương, đại diện UBND phường Tân Phong (Q.7) nêu kiến nghị: “Đối với HS lớp 9, các trường hướng dẫn, tư vấn hướng HS lựa chọn con đường học lên (THPT, GDTX, TCCN) hoặc một bộ phận nhỏ đi vào cuộc sống lao động. Đối với học sinh lớp 12, các trường tổ chức hướng dẫn HS tìm hiểu về các trường CĐ-ĐH, TCCN, các ngành nghề đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh, điểm chuẩn trúng tuyển những năm qua; chất lượng đầu vào, đầu ra của các trường. Giúp các em nhận biết được khả năng, sở thích của mình, nhu cầu nghề nghiệp trong xã hội ở địa phương, khu vực và cả nước để HS chọn trường, chọn ngành học tiếp sau THPT”. Ông Trần Quốc Huy, Phó giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội quận 7 cũng đề xuất: “Phải tuyên truyền cho HS và phụ huynh HS để khuyến khích các em vào TCCN. Bằng cách giao chỉ tiêu cho các phường (xã) hay quận (huyện) vận động tuyên truyền động viên các em HS tiếp tục học lên”.
Bài, ảnh: Văn Mạnh
Bình luận (0)