Sự kiện giáo dụcTin tức

3 công khai: Nhiều trường còn làm theo kiểu… hình thức

Tạp Chí Giáo Dục

SV Trường CĐ Kinh tế TP.HCM trong lễ nhận bằng tốt nghiệp. Ảnh: HÒA TRIỀU

 

Bắt đầu từ ngày 15-1, Bộ GD-ĐT kiểm tra “3 công khai” trên trang web của các trường ĐH để quyết định có giao chỉ tiêu tuyển sinh năm 2010 cho đơn vị hay không. Tuy nhiên được biết đến giờ phút này, Bộ vẫn chưa “chốt” được con số cuối cùng.
Chuẩn đầu ra: khó
Theo ông Nguyễn Văn Ngữ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD-ĐT ngày 15-1-2010, các trường chưa thực hiện được quy chế “3 công khai” và báo cáo về Bộ GD-ĐT thì chắc chắn Bộ sẽ không giao chỉ tiêu tuyển sinh cho năm 2010. Nhưng đến ngày 16-1, khi được hỏi đã có bao nhiêu trường thực hiện theo quy định của Bộ, ông Ngữ cho hay vẫn đang tập hợp số liệu. Tuy nhiên, Quyết định cứng rắn này của Bộ GD-ĐT đã tỏ ra có tác dụng khi còn cách thời hạn 3-4 ngày đã có gần 300 trường gửi báo cáo trong tổng số 376 trường, chiếm tỉ lệ gần 80%. Qua đó, các chỉ số cơ bản về điều kiện bảo đảm chất lượng đã được công khai. Về tỉ lệ SV/giảng viên, gần 14% các trường, phần lớn thuộc khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, đang phải chịu sự quá tải với 40-60 SV/giảng viên. Ngoài ra, các chỉ tiêu về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm… như báo cáo của các trường cũng cho thấy một thực tế: SV không có nhiều lựa chọn khi căn cứ vào các thông tin trên để chọn trường, chọn ngành… bởi tình trạng chung khá giống nhau.
Điều đáng chú ý là trong số các trường đã gửi báo cáo, chỉ có chưa đầy 50% hoàn thành chuẩn đầu ra. Ông Nguyễn Văn Ngữ cho biết, Bộ GD-ĐT mới có hướng dẫn về việc này nên nhiều trường chưa hoàn thiện bộ chuẩn. Ông Lê Hữu Lập, Phó giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông cho rằng: “Việc công bố chuẩn đầu ra là một việc khó đối với các trường. Học viện Bưu chính viễn thông đã làm từ năm trước nên năm nay khi có yêu cầu mới có thể công khai được còn nếu bây giờ mới bắt đầu làm thì rất khó có thông tin khách quan. Đặc biệt, về tỷ lệ việc làm của SV, thì hầu hết các trường còn rất lúng túng vì chưa có điều tra cơ bản”. Ông Trần Đắc Sử, Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội cho biết: “Khó nhất khi thực hiện việc công khai là tỷ lệ SV có việc làm. Khi Bộ yêu cầu thì việc này mới được thực hiện nên trường phải đợi đến thời hạn chót là 15-12-2010 mới có thể đưa thông tin lên trang web của nhà trường”.. Còn Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên) Trần Ngọc Ngoạn, cho biết: Để xây dựng chuẩn đầu ra cho SV mất rất nhiều thời gian vì nhà trường phải tiến hành điều tra, khảo sát thông tin từ nhiều cơ quan, doanh nghiệp, các đơn vị có nhu cầu nhân lực kỹ sư nông nghiệp. Từ đó, nhà trường mới có thể tiến hành xây dựng một bộ chuẩn đầu ra cho từng ngành. Đại diện một số trường thì cho rằng chuẩn đầu ra về kiến thức chuyên ngành không phải việc khó, khó nhất là chuẩn ngoại ngữ. Có trường chỉ yêu cầu đơn giản là SV ra trường phải giao tiếp được bằng ngoại ngữ, có trường công bố chuẩn ngoại ngữ là SV tốt nghiệp đạt trình độ tiếng Anh tối thiểu 450 điểm hay 550 điểm TOEIC… Trong khi đó, chuẩn đầu ra, tỉ lệ SV sau tốt nghiệp có việc làm mới là những thông tin mà người học quan tâm nhất trong “3 công khai”. Từ ngày 23-11-2009, Học viện Tài chính đã có báo cáo cụ thể với Bộ GD-ĐT về việc thực hiện quy chế công khai. Từ chuẩn đầu ra cho tất cả các ngành đào tạo, kết quả kiểm định chất lượng giáo dục do học viện tự đánh giá cho đến phương thức phân chia học bổng, học phí, các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, tỉ lệ SV/giảng viên… đều được nhà trường “kê khai” rất chi tiết. Mức thu nhập bình quân của giảng viên, của cán bộ quản lý và phục vụ cũng được công khai. Trong đó, học viện cũng thừa nhận chưa tiến hành khảo sát được tình hình việc làm của SV sau khi tốt nghiệp.
Nhiều trường còn làm kiểu… hình thức
Chánh thanh tra của Bộ cho biết việc rà soát và lựa chọn một số trường để trực tiếp kiểm tra cho thấy mức độ, phương thức thực hiện công khai của các trường rất chênh lệch. Có những trường làm sơ sài, báo cáo chỉ vài ba trang và thiếu các thông tin liên quan đến những nội dung chính cần công khai là chất lượng đào tạo và tài chính. Trước đó, vào tháng 10-2009, Bộ GD-ĐT đã tiến hành kiểm tra 11 trường ĐH. Kết quả cho thấy việc triển khai quy chế “3 công khai” còn mang tính hình thức. Hầu hết các trường đều không tính toán được mức thu – chi học phí cụ thể.
Thực tế ấy cho thấy, các trường đã cố gắng hoàn thành yêu cầu “3 công khai” trước giờ G để được… giao chỉ tiêu tuyển sinh. Trong các thông tin Bộ GD-ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo công khai với xã hội, có nhiều điểm quá chi tiết, vừa gây khó khăn cho các đơn vị, vừa không có giá trị đối với người học, thậm chí “phản cảm”. Ví dụ cụ thể là những số liệu từ công khai tài chính của các trường về lương của các nhà giáo… Bên cạnh đó, việc công khai đội ngũ giảng viên mới là những con số sơ sài, cho nên không thể chính xác bởi không hiếm giảng viên có tên ở nhiều trường ĐH. Không những thế, nhiều trường hợp còn ở tình trạng “đánh trống ghi tên”.
3 “công khai” là một chủ trương đúng của ngành giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH. Tuy nhiên, cũng giống như rất nhiều chủ trương khác, dư luận đang mong chờ ngành giáo dục triển khai một cách triệt để, nghiêm khắc và quyết liệt. Đồng thời, dư luận cũng hy vọng sẽ không có trường hợp nào được “châm chước” hay “ngoại lệ” như những chủ trương khác.
Nghiêm Huê
Bộ GD-ĐT đã quy định về việc thực hiện quy chế công khai đối với cơ sở giáo dục ĐH, theo đó, các trường phải thực hiện “3 công khai”. Với 3 tiêu chí này, các trường phải công bố chuẩn đầu ra, tỉ lệ SV tốt nghiệp có việc làm; kết quả kiểm định chất lượng giáo dục, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên; tỉ lệ SV/giảng viên theo ngành; số lượng và diện tích giảng đường, phòng học, xưởng thực tập. Về công khai tài chính, nhà trường cần nêu rõ mức học phí, lệ phí và các khoản thu khác từ người học, những nguồn thu của nhà trường, chính sách miễn giảm học phí, học bổng và trợ cấp; thu nhập bình quân/tháng của giảng viên, cán bộ quản lý và nhân viên… Những thông tin này phải được đưa lên trang thông tin điện tử của trường, khoa, thư viện để mọi người dễ dàng tiếp cận.
 

Bình luận (0)