Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Trường nghề “bắt tay” với doanh nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh, sinh viên học nghề ra trường có việc làm ngay, đúng chuyên môn và người sử dụng lao động không phải mất chi phí đào tạo lại là nhờ sự phối hợp tốt giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Doanh nghiệp phỏng vấn và tuyển dụng lao động tại Sàn giao dịch việc làm 4 ngành công nghiệp trọng yếu mới đây

Đào tạo theo nhu cầu

Theo bà Phạm Quang Trang Thủy (Hiệu trưởng Trường TC nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương), nhà trường “bắt tay” với doanh nghiệp cũng là một trong những giải pháp thu hút người học. Theo đó, công tác giới thiệu việc làm cho học sinh sau tốt nghiệp là vấn đề quan trọng, đảm bảo 80% học sinh của trường sau 3 tháng tốt nghiệp đều có việc làm đúng chuyên ngành và xem đó là mục tiêu chất lượng của trường.

Thống kê năm 2016, Trường TC nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương đã tiếp nhận nhu cầu tuyển dụng của 396 doanh nghiệp với số lượt đăng tuyển là 532 lượt, đăng ký tuyển dụng 6.253 lao động và thực tập sinh, trong đó có 136 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng 2 đến 3 ngành nghề. Số doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng năm 2016 cao hơn năm 2015 đến 103 doanh nghiệp (396/293 doanh nghiệp) và có hơn 3.644 số lượng lao động tuyển dụng so với năm 2015 (6.256/ 2.612 lao động). Tuy nhiên, số lượt giới thiệu việc làm cho lao động năm 2016 ít hơn 119 lượt so với năm 2015. Điều này cho thấy tình trạng khát lao động đang ngày càng nghiêm trọng, nhất là ở ngành điện lạnh.

Trong khi đó, Trường CĐ Nghề Thủ Đức gắn với doanh nghiệp bằng cách lấy chất lượng đào tạo và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên để thu hút người học. Ông Trần Ngọc Cường (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết tỷ lệ học sinh, sinh viên của trường tốt nghiệp có việc làm trong vòng 3 tháng là khá cao, một phần nhờ trường phối hợp tốt với doanh nghiệp. Theo đó, nhà trường luôn tạo điều kiện cho người học tiếp xúc với doanh nghiệp, gắn kết đào tạo với doanh nghiệp, ký kết thỏa thuận về đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp… “Doanh nghiệp đến tuyển dụng, ký kết hợp đồng lao động trong ngày học sinh, sinh viên nhận bằng tốt nghiệp cũng là một hình thức khuyến khích các em phấn đấu”, ông Cường nói.

Tương tự, Trường TC Kỹ thuật nghiệp vụ Nam Sài Gòn cũng theo phương châm đào tạo gắn với việc làm, đào tạo theo nhu cầu xã hội, đào tạo theo địa chỉ. Thông qua người lao động, chất lượng đào tạo được phản ánh rõ ràng. Qua đó nhà trường có kế hoạch đào tạo tốt hơn, tương thích hơn đáp ứng cho nhu cầu nguồn lao động có tay nghề kỹ thuật TC mà xã hội đang thiếu. Đại diện trường này còn cho biết chi nhánh dịch vụ việc làm của trường hoạt động hiệu quả, quan hệ tốt với các loại hình doanh nghiệp đóng trên địa bàn Q.8 và các KCX-KCN tại Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM. Đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp, nhà trường còn có nhiều câu lạc bộ thực hiện giáo dục kỹ năng sống, tạo sân chơi lành mạnh và hình thành tình cảm yêu nghề đang học, mặt khác giúp các em ứng xử trong các mối quan hệ và thích nghi với công việc khi ra trường.

Đặt hàng để có lao động chất lượng

Về phía doanh nghiệp, bà Lê Thanh Lâm (Phó Tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food) cho biết việc gắn kết với nhà trường, đặt hàng đào tạo là hướng để có nguồn lao động chất lượng, ổn định. Phần lớn lao động ở các bộ phận của công ty đều xuất thân từ Trường Trung học Thủy sản mà công ty đã nhiều năm gắn kết. 

Ông Nguyễn Hữu Phú (chủ doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp tủ bảng điện tại Dĩ An, Bình Dương) khẳng định: Để có được nguồn công nhân kỹ thuật ổn định như lâu nay, chúng tôi phải đến các trường nghề đặt hàng đào tạo. Theo đó, song song với lý thuyết, người học sẽ tham gia thực tập tại doanh nghiệp với thiết bị, máy móc hiện đại. Như vậy người học có điều kiện tiếp cận với thực tế, ra trường đã là một công nhân, kỹ thuật viên lành nghề.

“Doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn đến công tác tuyển sinh của các trường nghề”, ông Nguyễn Quốc Cường (Phó Trưởng ban Đào tạo Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM) cho biết như vậy. Theo đó, nhà trường phải có sự phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để họ cùng tham gia hỗ trợ tuyển sinh, tham gia xây dựng chương trình, đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp, và quan trọng là doanh nghiệp sẵn sàng tiếp nhận học sinh, sinh viên vừa tốt nghiệp vào làm việc.

Ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) cho rằng, nhà trường cần gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong đào tạo, thị trường lao động, xây dựng mối quan hệ để người học sau khi tốt nghiệp có việc làm ngay và người sử dụng lao động không phải mất thời gian, chi phí phải đào tạo lại.

Bài, ảnh: T.Anh

Bình luận (0)