(GD TP.HCM): – Bộ GD-ĐT vừa ban hành hướng dẫn một số nội dung đánh giá, xếp loại giáo viên trung học theo chuẩn nghề nghiệp. Theo đó, trong tiêu chí ứng xử với học sinh, giáo viên được chấm điểm cao nhất (4 điểm) khi luôn chăm lo đến sự phát triển toàn diện của học sinh.
Cũng theo tiêu chí này, nếu giáo viên thân thiện với học sinh, quan tâm giúp đỡ học sinh, không thành kiến, thiên vị, không có hành vi xúc phạm nhân phẩm, xâm phạm thân thể học sinh thì đạt mức 1 điểm.
Điểm cao nhất cho tiêu chí đạo đức nghề nghiệp giáo viên là say mê, toàn tâm toàn ý với nghề, thường xuyên đúc rút kinh nghiệm và vận dụng một cách sáng tạo trong hoạt động giáo dục; gương mẫu và vận động mọi người nghiêm chỉnh chấp hành các điều lệ, quy chế, quy định của bộ, ngành; tích cực tham gia và vận động mọi người tham gia đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực.
Về tiêu chí ứng xử với đồng nghiệp, để đạt mức điểm cao nhất, giáo viên phải chủ động hợp tác, cộng tác với đồng nghiệp thực hiện các nhiệm vụ dạy học và giáo dục học sinh; tiếp thu và áp dụng kinh nghiệm của đồng nghiệp để nâng cao chất lượng dạy học, giáo dục; biết chấp nhận sự khác biệt của đồng nghiệp góp phần xây dựng tập thể sư phạm tốt.
Về tiêu chí sử dụng các phương tiện dạy học, giáo viên cũng được chấm điểm cao nhất khi sử dụng một cách sáng tạo các phương tiện dạy học truyền thống kết hợp với sử dụng máy tính, mạng internet và các phương tiện hiện đại khác; biết cải tiến phương tiện dạy học và sáng tạo những phương tiện dạy học mới…
Việc thực hiện đánh giá, xếp loại giáo viên trung học được thực hiện hàng năm vào cuối năm học và được thực hiện theo 3 bước: Giáo viên tự đánh giá, xếp loại; Tổ chuyên môn đánh giá, xếp loại; Hiệu trưởng đánh giá, xếp loại.
N.H
Bình luận (0)