Sự kiện giáo dụcTin tức

Sau Tết: Thầy tăng tốc, trò đủng đỉnh

Tạp Chí Giáo Dục

Sau Tết, Trường THCS Quang Trung, Q. Gò Vấp đã phải nhanh chóng đi vào nề nếp

Năm nay Tết đến muộn nên sau Tết chương trình học khá nặng. Theo đó, hầu hết các trường đều phải tăng tốc để kịp tiến độ. Tuy vậy, ở một số trường vẫn còn tình trạng học sinh uể oải…
Vẫn còn học sinh vui Tết
Tại Trường THCS Ngô Sĩ Liên, Q. Tân Bình, hơn 8 giờ sáng 25-2 (tức 12 tháng Giêng), vừa bước vào cổng trường, một giáo viên chủ nhiệm lớp 8 nhìn thấy học sinh của mình hỏi ngay: “Q.H. nghỉ Tết dài ghê, hôm nay mới đi học sao?”. Cậu học trò vội thanh minh: “Tối qua, gia đình em mới vào đến Sài Gòn”. Tiếp xúc với em học sinh này, chúng tôi được biết em cùng bố mẹ về quê ở Ninh Bình ăn Tết. Theo kế hoạch là mùng 8 Tết sẽ vào đến Sài Gòn để mùng 9 (tức 22-2) em kịp tới trường nhưng do trễ tàu nên mãi đến 24-2 mới vào đến nơi. Những trường hợp như học sinh Q.H. không phải là quá hiếm, dù rằng năm nay thời gian nghỉ Tết tương đối dài (học sinh được nghỉ 14 – 15 ngày). Khảo sát một số quận có đông học sinh nhập cư, chúng tôi nhận thấy tỷ lệ học sinh chưa trở lại trường sau Tết tuy chỉ bằng ½ so với những năm trước nhưng hầu như trường nào cũng có học sinh nghỉ.
Gò Vấp là địa bàn có đông dân nhập cư, do vậy số học sinh quê ở miền Bắc, miền Trung đang học tại các trường phổ thông cũng khá đông. Tết, nhiều em theo gia đình về quê, trong đó có một số ít vì nhiều lý do khách quan và chủ quan đã không vào kịp ngày đi học. Cô Đỗ Thanh Thúy – Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung, Q. Gò Vấp cho biết: “Sau Tết, 2 – 3 ngày đầu cả trường cũng có 6 – 7 học sinh nghỉ học/ngày. Nguyên nhân là do các em về quê ăn Tết chưa vào kịp. Ngoài ra, sau Tết, số học sinh đi học trễ 15 – 20 phút tăng so với ngày thường”.
Tương tự, Q. Thủ Đức cũng là nơi có đông dân nhập cư. Theo thầy Nguyễn Trọng Cường – Trưởng phòng GD-ĐT quận thì: “Ngày 22-2 (tức 9 Tết) là ngày học sinh đi học trở lại sau 2 tuần nghỉ Tết, phòng GD-ĐT đã xuống các trường kiểm tra. Qua đó cho thấy học sinh tới trường chưa được đầy đủ như ngày thường”.
Thầy Trần Trung Hiếu – Trưởng phòng GD-ĐT Q.12 cũng cho biết: “Trước Tết, phòng GD-ĐT đã chỉ đạo các trường nhắc nhở học sinh đi học đầy đủ sau thời gian nghỉ Tết. Tuy vậy, trong 2 ngày 22 và 23-2 (tức 9 và 10 Tết), số liệu từ các trường báo về cho thấy hầu như trường nào cũng vắng vài ba học sinh”…
Không chỉ có vậy, nhiều học sinh đi học nhưng lại chưa chú tâm vào việc học. Cá biệt có học sinh mang bánh kẹo, nước ngọt vào lớp học thay cho sách, tập. Trong giờ học, các em không chú ý nghe thầy, cô giảng bài mà còn mải mê với những phong bao lì xì, những bức ảnh đi du lịch trong Tết…
Nghỉ một ngày, mất bốn bài
Mặc dù trước Tết, cô giáo chủ nhiệm của Anh Thư và Anh Tú – học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Kỳ Đồng, Q.3 thông báo là ngày 22–2 (tức mùng 9 Tết) sẽ học trở lại nhưng phải đến ngày 24–2 các em mới tới trường. Chị Minh Thu – phụ huynh của các em cho biết: “Gần 10 năm nay mới về quê ngoại ở Hà Nội ăn Tết nên muốn ở chơi lâu. Do vậy, tối 23-2 (mùng 10 Tết) chúng tôi mới đưa hai cháu vào. Chậm học một, hai ngày cũng không đáng là bao”…
Với nhiều phụ huynh, việc cho con nghỉ học một, hai ngày không thấm tháp gì so với cả năm học. Song với nhà trường, học sinh nghỉ học ngày nào là mất bài ngày đó. Và nghỉ càng dài thì việc theo kịp chương trình càng khó. Nhất là đối với những học sinh có học lực từ trung bình trở xuống. Việc không theo kịp chương trình dẫn đến các em chán học, theo đó sức học càng ngày càng giảm sút. Và tệ hại hơn cả là các em bỏ học. Có lẽ ít phụ huynh ngờ rằng chỉ nghỉ học một, hai ngày sau Tết lại dẫn tới hậu quả nghiêm trọng như vậy, song trên thực tế đã xảy ra tình trạng này…
Năm nay Tết đến muộn, qua Tết là chuẩn bị bước sang tháng 3. Đây là tháng trọng tâm chất lượng của học kỳ II. Ở bậc tiểu học, “tháng 3 có kiểm tra giữa kỳ học kỳ II”, cô Lê Thị Ngọc Điệp – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 cho biết. Theo đó, ngay từ ngày đầu đi học trở lại sau Tết, các trường đã phải đi vào nề nếp để không ảnh hưởng đến nội dung chương trình…
Ở bậc THCS, THPT, áp lực chương trình sau Tết còn nặng nề hơn nhiều, nhất là học sinh các lớp cuối cấp. Cô Đỗ Thanh Thúy – Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung khẳng định: “Nghỉ một buổi học là mất bốn bài, vì mỗi buổi có 4 tiết. Khi nghỉ học, ngoài việc chép lại bài, học sinh còn phải tự học để có thể theo kịp chương trình, theo kịp các bạn trong lớp. Điều quan trọng là tháng 3 chính là tháng trọng tâm chất lượng của học kỳ II. Vì tháng 4 là tháng ôn tập, chuẩn bị cho thi học kỳ II vào tháng 5. Đối với học sinh khối 9 thì thời gian này càng phải chú tâm vào việc học hơn. Trước áp lực của thời gian, sau Tết nhà trường đã phải nhanh chóng ổn định và đi vào nề nếp…”.
Không chỉ các trường mà ngay cả phòng GD-ĐT và Sở GD-ĐT cũng phải tăng tốc nhằm đảm bảo kế hoạch năm học. Cụ thể, sáng 22-2, Sở GD-ĐT TP và nhiều phòng GD-ĐT quận, huyện đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra tình hình hoạt động của các trường sau Tết. Qua đó, nhắc nhở các trường phải nhanh chóng đi vào nề nếp dạy và học…
Bài, ảnh: HÒA TRIỀU

Bình luận (0)