Từ ngày 8 đến 12-11, đợt 2 kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục. Đợt này sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội.
Đợt 1 kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV diễn ra trực tuyến. Ảnh: Quochoi.vn
Các nội dung trọng tâm của đợt họp lần 2 là Quốc hội sẽ thảo luận về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022; tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – ngân sách Nhà nước 3 năm 2022-2024; Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; thông qua một số dự án luật, nghị quyết theo chương trình kỳ họp.
Chất vấn bốn lĩnh vực
Trong đó hoạt động chất vấn – trả lời chất vấn (diễn ra trong 2,5 ngày (ngày 10, 11 và sáng 12-11) liên quan đến 4 lĩnh vực: Y tế, LĐ-TB&XH, kế hoạch và đầu tư, GD-ĐT.
Theo ông Bùi Văn Cường – Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nội dung chất vấn kỳ này vẫn theo hình thức hỏi nhanh – đáp gọn. Người chất vấn nêu câu hỏi trong 1 phút, người trả lời có 3 phút cho mỗi câu hỏi. Dù chỉ có 4 bộ trưởng được lựa chọn đăng đàn, nhưng nếu đại biểu có chất vấn liên quan đến trách nhiệm của bộ trưởng khác thì những bộ trưởng này vẫn có trách nhiệm trả lời.
Trong lĩnh vực y tế, đại biểu sẽ chất vấn công tác phòng, chống Covid-19 thời gian qua và chiến lược vắc-xin tới đây; bảo đảm nguồn cung và quản lý giá xét nghiệm, trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm; giải pháp giảm thiểu sự chênh lệch chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các tuyến, các vùng miền và nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt ở các vùng khó khăn.
Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các bộ: Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước cùng tham gia trả lời.
Đối với lĩnh vực LĐ-TB&XH, nội dung chất vấn tập trung vào việc thực hiện các gói hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19; thực trạng và nguyên nhân người lao động rời TP.HCM và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong nhiều đợt; giải pháp tháo gỡ những khó khăn của thị trường lao động; vấn đề huy động, quản lý công tác thiện nguyện thời gian qua…
Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cùng tham gia trả lời những vấn đề liên quan.
Lĩnh vực kế hoạch và đầu tư dự kiến chất vấn các nội dung về giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong tình hình mới; các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh; phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2021…
Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; Bộ trưởng các bộ: Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, NN-PTNT, Y tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cùng tham gia trả lời.
Nội dung chất vấn lĩnh vực GD-ĐT gồm việc bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản GD-ĐT trong điều kiện dịch Covid-19; công tác dạy và học trực tuyến bảo đảm hiệu quả, công bằng trong tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền; giảm tải chương trình học cho học sinh…
Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Thông tin và Truyền thông cùng tham gia trả lời.
Sau khi 4 bộ trưởng đăng đàn trong phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội và trả lời các vấn đề đại biểu quan tâm.
Đợt 1 của kỳ họp đã thành công tốt đẹp
Trước đó, đợt 1 của kỳ họp diễn ra từ ngày 20 đến 30-10 (cả thứ bảy và chủ nhật) bằng hình thức họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ông Bùi Văn Cường cho biết, đợt 1 của kỳ họp đã thành công tốt đẹp, bảo đảm chất lượng và tiến độ đúng theo yêu cầu đặt ra. Về nội dung của đợt họp thứ nhất, kỷ cương lập pháp đã được tăng cường hơn. Các cơ quan chuẩn bị soạn thảo đã cơ bản đảm bảo được tiến độ thời gian và chất lượng các dự thảo luật, đề án trình Quốc hội. Các cơ quan thẩm tra cũng có thời gian thẩm tra kỹ lưỡng các báo cáo, báo cáo thẩm tra ngắn gọn, súc tích, trên cơ sở đó dành thời gian cho đại biểu Quốc hội thảo luận.
Chương trình của kỳ họp sắp xếp khoa học, tận dụng tối đa thời gian để đại biểu Quốc hội có thể đóng góp ý kiến các dự án luật. Các ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội rất súc tích, sâu sắc, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, nhiều ý kiến đa chiều.
Theo đó, trong chương trình nghị sự đợt 1, Quốc hội đã nghe và thảo luận về: Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 (trong đó có công tác phòng, chống dịch Covid-19). Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – ngân sách Nhà nước 3 năm 2022-2024. Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).
Bên cạnh đó, Quốc hội xem xét báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; Báo cáo về việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020; các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về: công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2021.
Về công tác lập pháp, Quốc hội xem xét thảo luận, cho ý kiến về: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; dự án Luật Cảnh sát cơ động; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên – Huế…
Nhóm PV
Bình luận (0)