Nhiều chợ truyền thống tại TPHCM đã mở cửa trở lại với số lượng sạp hạn chế, các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cũng được thắt chặt hơn… Tuy nhiên, nguồn cung hàng cho các chợ hiện vẫn “đứt gãy” do các chợ đầu mối vẫn đóng cửa.
Chợ An Đông 1 (Q.5, TPHCM) đã mở cửa và hiện chỉ bố trí khoảng 20 tiểu thương bán rau củ, thịt, thủy hải sản… Ông Đinh Hồ Duy Ngọc – Trưởng ban Quản lý chợ – cho biết hầu hết tiểu thương đang nhập rau củ trực tiếp từ các nhà vườn, không thông qua chợ đầu mối. Lượng khách đến chợ mấy ngày đầu chưa nhiều nên tiểu thương tính toán cân đối, chỉ nhập lượng hàng vừa đủ bán trong ngày. Khách đến chợ mua hàng và người bán đều phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế; đo thân nhiệt và ghi phiếu đi chợ… Ở các thời điểm khách đến đông, lực lượng bảo vệ sẽ chia lượt vào chợ với khoảng mười người/đợt. Khách sẽ ghi phiếu cụ thể đến quầy nào mua hàng, vào giờ nào… giúp ban quản lý chợ kiểm soát, thực hiện truy vết khi cần thiết.
Hiện rất nhiều phương án được Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp triển khai nhằm đảm bảo nguồn cung hàng thiết yếu cho TPHCM được thông suốt
Đại diện chợ Bình Thới (Q.11) cũng cho biết chợ đã mở cửa trở lại. Toàn chợ có gần 300 tiểu thương bán thực phẩm nhưng ban quản lý chợ sắp xếp mỗi ngày chỉ khoảng 85 tiểu thương bán hàng và luân phiên nhau. Chợ cũng áp dụng cách phát phiếu cho người đi chợ cách ngày và hạn chế số lượng khách mỗi đợt vào chợ không quá 100 người. Lượng rau củ, thịt, hải sản về chợ dồi dào, giá ổn định.
Tại các siêu thị, cửa hàng… nguồn hàng cũng không còn thiếu hụt nên cũng hạn chế được cảnh người dân chen chân chờ đến lượt mua. Bà Huỳnh Thị Kim Thanh – Giám đốc siêu thị AEON Tân Phú – cho biết những ngày gần đây, lượng khách đến mua sắm tại siêu thị cũng đã giảm hơn so với ngày trước đó. Các mặt hàng thực phẩm tươi sống tại siêu thị khá dồi dào.
Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị TPHCM xác định rõ nhu cầu tiêu thụ của địa phương, nghiên cứu mở lại một phần hệ thống phân phối các mặt hàng thiết yếu. Hiện nay, các địa phương cung ứng nông sản, thực phẩm cần xác định rõ việc thu hoạch nông sản, cung ứng gặp vướng mắc, khó khăn gì để phản hồi lại với Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TPHCM và các tỉnh phía Nam nhằm đưa ra phương án giải quyết thích hợp. Về vấn đề vận chuyển, cần có chính sách thật thông thoáng để chuỗi cung ứng không bị đứt gãy. Do tình hình phức tạp nên Nhà nước sẽ tham gia vào quá trình vận hành của thị trường, còn nếu tình hình khó khăn hơn nữa, Nhà nước sẽ đảm nhận hết vai trò phân phối, cung ứng cho người dân.
Theo Nguyễn Cẩm/PNO
Bình luận (0)