Việc xếp hạnh kiểm cuối năm là một công việc khá mệt mỏi đối với giáo viên. Ngay cả bản thân tôi (phó hiệu trưởng nhà trường), được phân công duyệt cuối cùng hạnh kiểm từng lớp, lắm lúc cứ ngồi thừ người ra vì nhiều trường hợp học sinh chênh vênh giữa hai bờ “tốt” và “khá”!
Nếu cứ cứng nhắc theo quy định thì việc xếp hạnh kiểm rất dễ dàng, cứ theo từng mức (tốt, khá, trung bình…) và mở sổ theo dõi ra, xếp theo từng loại. Nhưng nhà trường thường vận dụng và có những quy định cụ thể về các loại lỗi, trừ bao nhiêu điểm; vi phạm có hệ thống hay không; nguyên nhân vì sao; có phối hợp với gia đình hay không khi các em vi phạm nhiều lần… Trên cơ sở đó, giáo viên chủ nhiệm xếp loại, có sự tham khảo với giáo viên bộ môn đứng lớp, với Đoàn Thanh niên… Xếp loại xong sẽ công bố trước lớp để học sinh có ý kiến phản hồi và giáo viên chủ nhiệm sẽ điều chỉnh (nếu thấy hợp tình hợp lý).
Nhưng trong năm học ấy, có một nam sinh lớp 12 nghỉ học thường xuyên, đi học trễ liên tục, nhiều lần không làm bài tập… Thầy cô dạy lớp này than phiền mà em vẫn không sửa đổi. Cô chủ nhiệm cũng thiếu kiên nhẫn, vì em mà thi đua hàng tuần, hàng tháng của lớp bị ảnh hưởng không nhỏ. Thế là khi xếp hạnh kiểm cuối năm, cô chủ nhiệm đã xếp em này loại “trung bình”. Do chủ quan và tin tưởng sự sâu sát cũng như sự đánh giá của giáo viên chủ nhiệm, tôi duyệt ngay và vào sổ lưu. Nhận được tin này, em cũng chẳng tỏ thái độ gì mà vẫn tiếp tục ôn thi và tốt nghiệp lớp 12. Rồi em cũng nhận bằng tốt nghiệp, nhận học bạ như các bạn khác. Sau đó em dự thi ĐH nhưng không đậu và vào học một trường nghề.
Một thời gian sau, tìm hiểu về em tôi mới biết là ba mẹ của em sống ly thân. Những tháng ngày đi học của em không hề suôn sẻ mà sống trong nỗi buồn vì chuyện gia đình. Ba và mẹ ly thân, nhiều bữa không ai nấu cơm và biết ăn với ai bây giờ. Mẹ thì giấu những khuyết điểm của con vì thương con; còn ba nghe ai đó nói con học chểnh mảng thì đánh đập con… Em sống chơi vơi giữa hai người mà vẫn ráng đi học như vậy quả là một điều đáng ghi nhận.
Tôi ân hận vì không tìm hiểu kỹ càng trước lúc hạ cây viết đỏ phê em hạnh kiểm “trung bình”. Phải như tôi tìm hiểu sớm hơn; phải như tôi độ lượng một chút thì em đâu có mắc cái án hạnh kiểm “trung bình” này.
Vì vậy, kính mong thầy cô hãy biết tha thứ, hãy thận trọng, hãy mở lòng độ lượng khi xếp hạnh kiểm cuối năm cho học sinh, nhất là học sinh cuối cấp, chuẩn bị bước vào đời!
Lê Trường Sa
Bình luận (0)