Mạo danh ngân hàng mời đăng ký tiêm vắc-xin Covid-19 rồi yêu cầu người dùng cung cấp thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng…
Theo đó, đối tượng lừa đảo sẽ gọi điện thoại hoặc gửi thư điện tử cho khách hàng với mục đích đăng ký vắc-xin Covid-19 và yêu cầu cung cấp thông tin thẻ tín dụng, tài khoản, mã OTP hoặc yêu cầu khách hàng chuyển trước một khoản tiền để được đăng ký.
Kẻ gian cũng có thể gửi một đường link cho khách hàng để đăng ký tiêm vắc-xin Covid-19 nhưng thực chất là link chứa phần mềm độc hại tấn công máy tính của khách hàng và ăn cắp dữ liệu cá nhân…
Theo HSBC Việt Nam, dựa vào tâm lý chung về việc hạn chế đi lại do giãn cách xã hội trong thời kỳ Covid-19, đối tượng lừa đảo có thể giả vờ là nhân viên ngân hàng hoặc tổ chức uy tín để tiếp cận khách hàng và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân. Do đó, khách hàng tuyệt đối không chia sẻ bất kỳ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản, thẻ ATM, thẻ tín dụng, tên đăng nhập và mật khẩu của thiết bị bảo mật và ngân hàng trực tuyến, mã OTP…
Các ngân hàng liên tục gửi tin nhắn SMS cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo tới khách hàng. Ảnh: Lam Giang
"Việc tiêm chủng vắc-xin Covid-19 đã được chính phủ lên kế hoạch và sắp xếp, khách hàng hãy tìm hiểu thông tin từ các phương tiện truyền thông chính thống" – HSBC Việt Nam cảnh báo.
"Tài khoản của bạn đã đăng ký chương trình quảng cáo trên Tiktok, mỗi tháng thu phí 1.250.000 đồng. Vui lòng vào https://eximbank.vip để kiểm tra hoặc huỷ" – một tin nhắn mạo danh Eximbank được gửi tới khách hàng nhằm mục đích đánh cắp thông tin. Nếu khách hàng truy cập vào trang web giả mạo để kiểm tra dịch vụ mới, các quảng cáo, khuyến mại sẽ bị đánh cắp tài khoản.
Ngoài ra, đối tượng lừa đảo có thể chuyển một khoản tiền nhỏ vào tài khoản của khách hàng và mạo danh Eximbank hoặc tổ chức chuyển tiền quốc tế hay gửi tin nhắn giả mạo hiển thị tên thương hiệu ngân hàng thông báo có giao dịch chuyển tiền đến bị treo, sau đó yêu cầu khách hàng truy cập vào đường dẫn trong tin nhắn để tra soát giao dịch, xác thực thông tin, mở khóa lệnh chuyển tiền…
Đây là những thủ đoạn lừa đảo dù đã từng được cảnh báo vẫn có khách hàng "sập bẫy" và mất tiền. Các ngân hàng một lần nữa khẳng định không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như tin nhắn SMS, email, mạng xã hội và khách hàng cần tuyệt đối bảo mật thông tin cá nhân, mã OTP… để tránh mất tiền oan.
Theo Thái Phương/NLĐO
Bình luận (0)