Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chương trình mới cần giáo viên biết… làm mới

Tạp Chí Giáo Dục

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể) vừa có buổi báo cáo dự thảo chương trình này với giảng viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM và giáo viên một số trường phổ thông ở TP.HCM. Nhiều giáo viên đề cập, bên cạnh xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất thiết phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên để thích ứng.

Giáo viên phổ thông đặt câu hỏi về chương trình mới

Tại đây, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh, việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông không phải do chương trình hiện hành dở, mà xuất phát từ nhu cầu thời đại. Chương trình hiện tại đã được soạn cách đây mười mấy năm, đã hoàn thành nhiệm vụ của nó trong một giai đoạn rồi.

Giáo viên không “nâng cấp” mình sẽ gặp khó

Ông Thuyết đặt vấn đề, trong thời đại mà học sinh chỉ cần gõ Google đã có nhiều thông tin thì vai trò của giáo viên như thế nào, nếu giáo viên chỉ truyền giảng như cũ thì có ổn không? Có thể thấy, vai trò của thầy cô trong thời đại CNTT chính là phát triển, giảng dạy, hướng dẫn học sinh cách tìm kiếm, sàng lọc, xử lý, vận dụng thông tin.

Một giáo viên Trường THCS Linh Đông (Q.Thủ Đức) bày tỏ băn khoăn, ở chương trình giáo dục phổ thông mới, để phát triển năng lực của học sinh thì giáo viên THCS được tạo những thuận lợi gì và đối mặt những khó khăn nào? Ông Thuyết cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông sắp tới có tính mở cao, không chỉ với học sinh mà với cả giáo viên, tức người giáo viên được quyền sáng tạo. Nếu gò bó, giáo viên sẽ rất khó sáng tạo hiệu quả. Giáo viên làm gì khác với cái chung một chút phải đi xin phép quá cồng kềnh sẽ mất thời gian, nhưng đồng thời giáo viên cũng phải tăng tính trách nhiệm.

“Vì chương trình này mang tính kế thừa, nội dung khoa học không khác. Chỉ có điều nội dung này được tổ chức lại phục vụ cho việc phát triển năng lực và đổi mới phương pháp để phát triển năng lực. Thực ra việc này không khó với giáo viên, chỉ khó với những thầy cô thiếu năng động, bám theo kiểu cũ để… an nhàn. Đặc biệt, chương trình này tạo sự dân chủ, học sinh được quyền nói, phản biện, cung cấp thông tin…, giáo viên phải nâng cao trình độ, phải dân chủ nếu không sẽ gặp khó”, ông Thuyết nhận định.

Sẽ chú trọng bồi dưỡng giáo viên

Một số ý kiến xoáy sâu vào khía cạnh chuẩn bị nhân lực cho chương trình mới, đặc biệt với phương pháp giảng dạy tích hợp, lộ trình chuẩn bị giáo viên đến nay? Ông Thuyết nhìn nhận, để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, cần có điều kiện. Bởi chương trình chỉ là một yếu tố thôi, có một chương trình tốt tạo nền tảng tốt. Hai điều kiện quan trọng nhất để thực hiện chương trình mới là người thầy và cơ sở vật chất. “Về cơ sở vật chất, hiện chúng ta đang gặp nhiều khó khăn nhưng không đến nỗi là không thực hiện được. Chỉ khó ở chỗ lớp học quá đông, nhất là ở các đô thị, khiến giáo viên khó đổi mới phương pháp. Tất nhiên, mỗi địa phương có những cái khó riêng. Chẳng hạn, TP.HCM, Hà Nội đông dân nhập cư, không thể từ chối cơ hội học của con em. Tôi nghĩ trong trường hợp này, cấp Chính phủ làm việc với các địa phương để có thể giải quyết. Còn về cơ bản chúng ta thực hiện được chương trình này trong điều kiện hiện nay”, ông Thuyết nói.

Việc bồi dưỡng còn thực hiện qua loa, chiếu lệ

Bà Nguyễn Thị Phương Hoa (giảng viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) cho biết, đối tượng quan trọng góp phần quyết định sự thay đổi để dự thảo lần này đi vào thực tiễn là đội ngũ thầy cô giáo. Nhưng thực tế, tôi nhận thấy chưa có sự đầu tư phù hợp trong bồi dưỡng, bổ túc hoặc đào tạo giáo viên. Ở chương trình giáo dục phổ thông mới, các thầy cô đều nhận thấy đây là hướng đi đúng để phát triển toàn diện thế hệ trẻ; phụ huynh cũng vui mừng vì chương trình hướng tới sự phát triển của từng đối tượng nhiều hơn. Tuy nhiên, một trong những phần cần được đầu tư hết sức bài bản chính là bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên đang thực hiện nhiệm vụ giảng dạy cũng như đổi mới chương trình đào tạo sinh viên các trường ĐH sư phạm. Thực tế, sinh viên trường chúng tôi ra trường đi dạy ở các trường phổ thông đã chia sẻ lại rằng, việc bồi dưỡng được thực hiện qua loa, chiếu lệ. Lãnh đạo cấp trên bồi dưỡng 1 tuần, tới cấp trường bồi dưỡng 3 ngày, tới giáo viên đi dạy thực tế chỉ được bồi dưỡng 1 buổi hoặc 1 ngày. Thực sự họ khó thấu hiểu hết mong muốn, thay đổi của chương trình để tham gia dạy cho hiệu quả.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết đồng tình: “Trong bất kỳ chương trình nào, giáo viên cũng là quan trọng nhất, bồi dưỡng đào tạo giáo viên phải được coi trọng thì chương trình mới thành công. Theo tôi được biết, khi triển khai chương trình hiện hành, Bộ GD-ĐT cũng tổ chức bồi dưỡng giáo viên với chi phí đáng kể, nhưng có thể hiệu quả không cao. Lần này, có sự thay đổi, ban soạn thảo ngoài việc đưa dự thảo chương trình lên mạng lấy ý kiến góp ý rộng rãi của nhân dân còn tổ chức thu nhận ý kiến đóng góp của nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân khác; tổ chức nhiều hội thảo; trực tiếp đến 6 tỉnh/thành tiêu biểu cho 6 vùng của cả nước để lấy ý kiến (mỗi tỉnh tới 3 trường tiểu học, 3 trường THCS, 2 THPT), trong đó đặc biệt chú ý ý kiến cán bộ quản lý cơ sở và giáo viên. Nhờ những ý kiến với kinh nghiệm thực tiễn đáng quý này chúng tôi đã có những điều chỉnh phù hợp”.

Cái khó nhất, quan trọng nhất theo ông Thuyết vẫn là giáo viên. Bởi chương trình nào, sách nào… nếu có thầy giỏi sẽ dạy được hết. Trong suốt gần 10 năm qua, bộ đã đưa khá nhiều nội dung tích hợp vào trong nhà trường, tổ chức các chuyên đề dạy theo kiểu tích hợp để giáo viên các trường phổ thông làm quen. Dù cũng còn một bộ phận thờ ơ chưa quan tâm nhưng khi thực hiện chương trình mới, họ buộc phải thay đổi.

“Công tác bồi dưỡng giáo viên sắp tới sẽ được đẩy mạnh nhưng chắc chắn phải sau khi có chương trình rồi mới tập huấn bằng hình thức qua mạng (có tương tác giữa những người làm sách với giáo viên) chứ không chỉ tổ chức các hội nghị. Các trường sư phạm lần này cũng đã được tổ chức tinh thần vào cuộc sớm hơn, tuy nhiên cũng phải chờ chương trình mới được phê duyệt với hình hài cụ thể lúc ấy các trường sư phạm mới có thể thành lập những ngành/khoa mới. Còn hiện nay, hình hài chương trình chưa rõ, việc thành lập ngay cũng khó”, ông Thuyết chia sẻ.

Bài, ảnh: Mê Tâm

Bình luận (0)