“Lãnh đạo TP luôn tự hào với đội ngũ nhà giáo vững chuyên môn, hết lòng vì học sinh thân yêu và luôn tích cực, đi đầu trong mọi công cuộc đổi mới”.
Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức phát biểu tại buổi lễ
Ngày 16-11, UBND TP.HCM tổ chức lễ kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam và tuyên dương khen thưởng các gương điển hình ngành GD-ĐT TP.HCM năm 2020. Đến dự có các đồng chí: Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ; Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Hữu Hiệp; Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức; Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban thi đua Khen thưởng TP Ngô Thị Hoàng Các; Giám đốc Sở GD-ĐT TP Lê Hồng Sơn và đại biểu các sở, ngành khác cùng các thầy giáo, cô giáo đại diện cho hơn 90.000 nhà giáo đang công tác trong ngành giáo dục TP.
Các tập thể và cá nhân nhận thưởng Huân chương Lao động
Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Lê Hồng Sơn đã ôn lại truyền thống ngành giáo dục và cho biết đây là dịp để ngành hãy cùng nhớ đến để học tập và kế thừa khí tiết, đạo đức của các thế hệ thầy giáo, cô giáo đi trước.
Ông chia sẻ, cả nước đang trải qua những ngày tháng khó khăn, nhiều thử thách. Khó khăn từ đại dịch khiến cả xã hội phải điều chỉnh và ngành giáo dục, với sự tích cực, năng động của quý thầy cô, đã sớm thích nghi qua hình thức dạy học trực tuyến, đưa năm học 2019 – 2020 về đích an toàn, nghiêm túc, đạt hiệu quả cao và tạo tiền đề để tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành giáo dục vào những năm học tiếp theo.
Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đặt ra nhiệm vụ đối với ngành giáo dục TP phải “đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế ở các lĩnh vực ưu tiên, phát huy vai trò trung tâm GD-ĐT của cả nước”. Trong thời gian tới, chính các thầy giáo, cô giáo là những người trực tiếp cụ thể hóa các nhiệm vụ, yêu cầu trên thành thực tiễn, giúp đào tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao, những công dân trẻ sống tốt, sống có ích, góp phần xây dựng, phát triển TP và đất nước.
Các tập thể được nhận Cờ Thi đua Chính phủ
“Chúng ta tự hào với nghề, với sự tiên phong của ngành GD-ĐT TP với các chương trình, đề án đột phá nhằm đổi mới căn bản, toàn diện, nâng tầm chất lượng nguồn nhân lực, hướng đến trình độ quốc tế. Nhưng để thực sự trở thành động lực then chốt cho sự phát triển kinh tế – xã hội của TP, là trung tâm GD-ĐT của cả nước và vươn tầm quốc tế; học sinh TP cần được tạo điều kiện để phát triển năng lực, phẩm chất cá nhân, tính sáng tạo, kĩ năng tự học và năng động, dễ dàng thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình hội nhập quốc tế. Công dân TP mang tên Bác phải chủ động vận dụng kiến thức vào cuộc sống, tích cực nghiên cứu khoa học, sống có trách nhiệm, mạnh dạn đấu tranh với tiêu cực, bảo vệ lẽ phải và góp phần xây dựng xã hội hạnh phúc”, Giám đốc Sở GD-ĐT nhấn mạnh.
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT, lãnh đạo ngành GD-ĐT TP nhận thức rõ, chính đội ngũ cán bộ quản lí và các thầy cô giáo là những nhân tố trực tiếp triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, thực hiện các giải pháp đổi mới của ngành để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế cho TP. Thời gian tới TP sẽ tăng cường bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn ngành. Từ nay đến năm 2025, TP phải hoàn thành bồi dưỡng cho hơn 90.000 cán bộ, giáo viên.
Ông tin tưởng, với truyền thống năng động, sáng tạo, tích cực đổi mới, đội ngũ nhà giáo TP cũng luôn chủ động tự học, tự bồi dưỡng nhằm nâng cao tay nghề, tất cả vì sự phát triển chung của ngành, của TP, vì tâm huyết với nghề, trách nhiệm với các thế hệ học trò. Đó là cơ sở quan trọng giúp giáo dục TP vững vàng là ngọn cờ đầu của cả nước, đáp ứng niềm tin yêu, kỳ vọng của các thế hệ lãnh đạo và Nhân dân TP.
Mặt khác, mặc dù đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức của một đô thị trung tâm, nhưng GD-ĐT TP.HCM vẫn không ngừng phát triển. TP luôn giữ vững kết quả phổ cập giáo dục, phát triển hệ thống giáo dục đa dạng, xây dựng xã hội học tập. Hàng năm, TP xây thêm 1.500 phòng học, ưu tiên trang bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy – học hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của con em TP. TP cũng tạo điều kiện triển khai nhiều chế độ, chính sách đặc thù thu hút đội ngũ giỏi cho ngành giáo dục; triển khai hiệu quả nhiều đề án, chương trình có tính đột phá, làm tiền đề nhân rộng cho cả nước.
“Công cuộc đổi mới nào cũng có nhiều khó khăn, tôi kêu gọi đội ngũ cán bộ, giáo viên, người lao động toàn ngành, tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, kiên định với đường lối đổi mới, luôn giữ cho mình tâm sáng – trí bền, xứng đáng là những nhà giáo chân chính của TP mang tên Bác”, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn nói.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn xem “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Lãnh đạo TP cũng luôn tự hào với đội ngũ nhà giáo vững chuyên môn, hết lòng vì học sinh thân yêu và luôn tích cực, đi đầu trong mọi công cuộc đổi mới.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển của TP trong giai đoạn mới, Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng cần nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, thích ứng nhanh với những thay đổi của xã hội, nhất là trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Để thực hiện được nhiệm vụ này, TP đặt trọn niềm tin vào đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống tốt. Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận trong giai đoạn tới, những khó khăn, thách thức mà GD-ĐT TP đối mặt còn rất lớn. Khó khăn đó đến từ áp lực của một đô thị trung tâm, nơi thu hút rất đông nguồn nhân lực của cả nước; cùng với đó là bài toán an sinh, trong đó có việc đáp ứng chỗ học tốt cho con em lực lượng lao động đến từ mọi miền đất nước.
Áp lực còn đến từ vai trò động lực then chốt của chất lượng nguồn nhân lực đối với sự phát triển của TP và cả nước; là thách thức đến từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ quá trình hội nhập quốc tế sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến mọi lĩnh vực trong cuộc sống, mà giáo dục là ngành phải đi trước, đón đầu và chịu nhiều ảnh hưởng. Khó khăn còn đến từ việc ngành giáo dục phải tiếp tục “đột phá trong đổi mới” là quá trình đổi mới chương trình và sách giáo khoa, triển khai Luật Giáo dục 2019…
Các tập thể, cá nhân nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
Để vượt qua các khó khăn, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị ngành giáo dục TP đặc biệt chú ý nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, phát triển năng lực, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; thu hút nhiều hơn nữa những người giỏi, tâm huyết đến với nghề sư phạm và giúp thầy cô giáo yên tâm công tác.
Đội ngũ nhà giáo cần được nâng cao nhận thức, trang bị những kiến thức sát thực tiễn, rèn luyện kỹ năng, phương pháp dạy học hiện đại, hướng đến việc giáo dục học sinh năng lực tự học, hội nhập và tiếp cận nền giáo dục tiên tiến của khu vực và thế giới. “Đây là yếu tố căn bản, quyết định thành công của quá trình đổi mới ngành giáo dục, đổi mới chương trình và sách giáo khoa; nên phải ưu tiên đầu tư, ưu tiên triển khai một cách đồng bộ, đầy đủ gắn với những nhu cầu đặc thù của TP”, ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.
Dịp này, 73 tập thể, 131 nhà giáo được vinh danh, khen thưởng tại buổi lễ. Trong đó, có 4 tập thể sư phạm của các trường được tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Nhì, Hạng Ba; 1 cá nhân (thầy Bùi Trí Hiệp, công tác tại Trường THPT Mạc Đĩnh Chi) được tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba; 2 tập thể được nhận Cờ Thi đua Chính phủ; 5 tập thể được nhận Cờ Thi đua của Bộ GD-ĐT; 4 tập thể và 26 thầy cô được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 58 tập thể và 66 thầy cô được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)