Khác với giai đoạn trước, những năm gần đây học sinh có xu hướng chọn tổ hợp khoa học xã hội ngày càng tăng. Đây có phải là một xu hướng tốt?
Thí sinh trúng tuyển đại học năm 2020 làm thủ tục nhập học. ĐÀO NGỌC THẠCH
Trong 6 năm từ 2015 – 2020, tổng số điểm 10 của tất cả các môn là 12.237, trong đó các môn khoa học tự nhiên (KHTN) có 2.801 điểm (chiếm 22,9%) và các môn khoa học xã hội (KHXH) là 7.106 (chiếm 58,1%). Điều này dẫn đến học sinh (HS) lựa chọn tổ hợp KHXH tăng lên qua từng năm: năm 2017 là 43%, 2018 là 48%, 2019 là 53% và 2020 là 55,38%. Trong khi đó, HS chọn tổ hợp KHTN ngày càng giảm, từ 38,01% năm 2017 giảm còn 32,9% năm 2020.
Ảnh hưởng đến nguồn nhân lực của đất nước
HS lựa chọn KHXH để được điểm cao và khó bị điểm liệt. Một số nhà giáo dục cho rằng đây là xu hướng tốt, HS bớt “xa lánh” môn sử, địa; tuy nhiên điều này dẫn đến hệ lụy trong việc đào tạo nguồn nhân lực. Nền kinh tế ngày càng đòi hỏi nhiều lao động liên quan đến khoa học – công nghệ, nhất là các ngành nghề liên quan đến STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán). Nếu HS chọn KHTN ngày càng giảm, không chỉ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực của đất nước, địa phương mà còn ảnh hưởng đến đời sống và thu nhập của họ sau này.
Xu hướng thế giới cho thấy các ngành nghề STEM ngày càng dễ có việc làm, có thu nhập cao, trong khi các ngành xã hội số việc làm hạn chế. Nếu không có giải pháp cân bằng độ khó đề thi giữa các môn KHXH và KHTN, dẫn tới nguy cơ HS thiên về chọn tổ hợp KHXH để an toàn tốt nghiệp, mà không phải chọn tổ hợp thi theo xu hướng nghề nghiệp và đam mê môn học thực sự.
Mặt khác, các tỉnh, thành phố có kinh tế – xã hội phát triển, tỷ lệ HS chọn KHTN cao hơn các tỉnh có kinh tế – xã hội còn khó khăn, điều này làm cho khoảng cách về chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực giữa các tỉnh, thành phố ngày càng lớn. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần công bố so sánh tỷ lệ chọn tổ hợp KHTN, KHXH của các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, để các địa phương có sự cải thiện hợp lý.
Tỷ lệ tốt nghiệp THPT ngày càng tăng
Tỷ lệ tốt nghiệp THPT tăng dần qua các năm (năm 2015: 91,58%; 2016: 92,93%; 2017: 97,42%; 2018: 97,57%; 2019: 94,06% và 2020 là 98,34%). Tỷ lệ tốt nghiệp ngày càng cao do nhiều yếu tố, như chất lượng dạy và học ở các trường, mức độ yêu cầu của đề thi, đồng thời một phần HS tốt nghiệp nhờ vào điểm trung bình cả năm tham gia vào điểm xét tốt nghiệp (chiếm 30%). Điều này được thấy rõ qua đối sánh độ chênh lệch giữa điểm học bạ và điểm thi. Nhiều tỉnh có độ chênh lệch này trên 1,5 điểm, trong đó một số trường vùng khó khăn, có điểm chênh lệch trên 2,5 điểm. Có thể khẳng định rằng nếu tất cả các trường đánh giá HS sát với chất lượng thật, chắc chắn tỷ lệ tốt nghiệp cả nước đạt thấp hơn 98,34%. Theo các chuyên gia giáo dục, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp nhờ điểm học bạ gần 10% (gần 100.000 HS).
Bên cạnh đó, chỉ tiêu vào các trường ĐH tăng trên 10% hằng năm, một số trường ĐH tăng chỉ tiêu xét tuyển theo học bạ, thậm chí có trường thông báo giấy trúng tuyển đến HS khi… chưa thi tốt nghiệp. Điều này dẫn đến việc vào ĐH quá dễ dàng, bất chấp chất lượng HS như thế nào, nguy cơ người dân từ 15 tuổi có trình độ ĐH trở lên tăng, trong khi tỷ lệ người dân có trình độ dưới ĐH (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng) ngày càng giảm. Tỷ lệ người có bằng ĐH, thạc sĩ thất nghiệp cũng tăng lên là do chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp, xã hội và nhu cầu xã hội về lao động có tay nghề kỹ thuật.
Theo thống kê về lao động và việc làm của ngành lao động – thương binh và xã hội, năm 2017 tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động trình độ ĐH trở lên là 0,46% trên tổng lực lượng lao động, cao gấp 3,2 – 3,9 lần tỷ lệ thất nghiệp ở 3 nhóm lao động có trình độ thấp hơn.
Nên thay đổi quy định điểm liệt
Ở nước ta, nhiều năm tỷ lệ tốt nghiệp THPT lên đến 98 – 99%, có nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do điểm liệt quá thấp (1 điểm) không phù hợp với kỳ thi với mục tiêu là tốt nghiệp THPT.
Theo kết quả kỳ thi THPT 2020, điểm trung bình các môn từ cao đến thấp như sau: môn giáo dục công dân (điểm trung bình là 8,14; số HS có điểm nhỏ hơn hoặc bằng 1 là 41, độ lệch so với điểm liệt 7,14); môn địa lý (6,78; 41; 5,78); môn vật lý (6,72; 39; 5,72); hóa học (6,71; 38; 5,71); toán (6,68; 195; 5,68); văn (6,72; 119; 5,62); sinh học (5,59; 43; 4,59); lịch sử (5,19; 111; 4,19); tiếng Anh (4,58; 543; 3,58).
Vì vậy, cần thay đổi quy định điểm liệt, các môn là 2 điểm, riêng môn tiếng Anh là 1 điểm để phù hợp với những vùng khó khăn, HS miền núi điều kiện học tiếng Anh còn khó khăn.
Theo luật Giáo dục 2019, những HS học xong chương trình THPT nhưng không dự thi hoặc dự thi nhưng không đủ điều kiện tốt nghiệp được nhà trường cấp giấy hoàn thành chương trình THPT. Giấy chứng nhận này có giá trị trong việc học nghề và dự thi tốt nghiệp lần sau. Đồng thời, theo mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông, cấp THPT là cấp định hướng nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn sau THPT có chất lượng. Vì vậy, tỷ lệ tốt nghiệp khoảng 80 – 90% là hợp lý, để kỳ thi THPT thật sự có chất lượng, đảm bảo phân hóa và cũng là một công cụ để phân luồng HS sau THPT.
|
Theo Hồ Sỹ Anh/TNO
Bình luận (0)