Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Bom nước” đe dọa miền Trung

Tạp Chí Giáo Dục

Trong lúc dịch Covid-19 chưa được chặn đứng, tại miền Trung, mùa mưa bão lại đến rất gần. Một lúc phải gánh vác nhiều trọng trách nặng nề để duy trì nền kinh tế, ổn định đời sống xã hội, các tỉnh miền Trung đang phải đối diện với muôn vàn khó khăn, thách thức. Trong đó, đáng lo ngại nhất là hàng trăm hồ đập bị xuống cấp nặng nhưng chưa có kinh phí nâng cấp, sửa chữa. 
Hệ thống xả lũ hồ thủy lợi Đập Làn, Hương Khê, Hà Tĩnh xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: NGỌC OAI
Hệ thống xả lũ hồ thủy lợi Đập Làn, Hương Khê, Hà Tĩnh xuống cấp nghiêm trọng.

Hồ đập xuống cấp
Từ phản ánh của người dân, PV Báo SGGP đến ghi nhận thực tế tại hồ Hóc Thánh (xã Bình Tường, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Hiện bờ hồ và mái tràn xả lũ của hồ đập này bị xói lở, nhiều mảng bê tông bị bong, vỡ nát, xuống cấp. Tuyến kênh dẫn lũ cũng đang bị sạt lở rất nghiêm trọng. Khối lượng đất đá trên núi sạt lở tràn ra nửa lòng hồ. “Mùa mưa lũ sắp tới, hồ Hóc Thánh xuống cấp nặng, trong khu vực có hàng trăm hộ dân sinh sống nên nguy hiểm luôn chực chờ”, ông Nguyễn Văn Hùng (54 tuổi, người dân thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường) lo lắng.
Giống như hồ Hóc Thánh, ở Bình Định còn có các hồ Hóc Cầu, Suối Cầu, Suối Mây (huyện Vân Canh), Hóc Xoài, Cây Me, Hố Trạnh, Thuận An (huyện Phù Mỹ), Đá Bàn (Phù Cát), Cây Điều, Vạn Hội, Ân Đôn (Hoài Ân)… cũng đang bị xuống cấp nặng. Hư hỏng nặng nhất là hồ Giàn Tranh (xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ). Hiện hồ đập này đã bị thấm ở thân đập, mặt cắt ngang đập quá nhỏ (1,2m), xuất hiện nhiều vết nứt, thấm dọc ngang thân đập, mái thượng lưu bị sạt lở, thân cống xả lũ bị hư hỏng… 
Tại huyện miền núi Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh), địa phương đang có 32/157 hồ đập xây dựng từ 50 đến 60 năm trước, đang xuống cấp ở mức độ “báo động đỏ”. Rảo qua các đập Cơn Hương (ở xã Hà Linh), Ông Vờm (xã Lộc Yên), Khe Trẹ (xã Phú Gia), Khe Cáo (xã Phúc Đồng), Khe Mui (xã Hương Lâm)… đều bị xuống cấp nghiêm trọng. Một số hồ đập xuất hiện tổ mối, thấm nước qua thân đập, vai đập. Mái hạ lưu bị xói lở, thân đập yếu, mặt cắt đập nhỏ, thấp, tràn không đảm bảo tiêu thoát lũ. “Địa phương đang vận dụng tối đa mọi nguồn lực để khắc phục, sửa chữa tạm thời các hồ đập. Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm, UBND tỉnh Hà Tĩnh và Trung ương xem xét bố trí vốn chứ huyện không thể kham nổi”, ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hương Khê, kiến nghị.
Bom nước đe dọa miền Trung ảnh 1
Nhiều hồ đập ở Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) đang xuống cấp, mất an toàn.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, 12 công trình hồ đập ở huyện miền núi Hương Sơn cũng trong tình trạng tương tự. Ghi nhận tại các hồ Ồ Ồ, Khe Điếc, Bãi Sậy, Tràng Riềng, Cửa Bàn xảy ra hiện tượng nước thấm qua thân đập, vai đập. Hệ thống tràn xả lũ kết cấu chủ yếu bằng đất, kích thước nhỏ không đảm bảo tiêu thoát vào mùa mưa lũ… Từ đầu năm 2020, huyện Hương Sơn đã đề xuất UBND tỉnh đầu tư nâng cấp, sửa chữa 9 công trình hồ chứa cấp bách với tổng kinh phí 18,5 tỷ đồng. 

Nhiều bất cập
Do nhiều yếu tố lịch sử nên việc quản lý hồ đập thủy lợi ở các địa phương khu vực miền Trung có nhiều nghịch lý, bất cập. Tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên có 404 hồ chứa thủy lợi, với dung tích chứa nước gần 1,6 tỷ m3. Đa số các hồ vừa và nhỏ làm bằng đập đất với những phương thức xây dựng thủ công, không theo kỹ thuật. Trong thời gian khai thác, do không được duy tu bảo dưỡng thường xuyên nên các hồ đồng loạt xuống cấp, rất khó để tranh thủ, bố trí nguồn vốn nâng cấp, sửa chữa. Riêng tỉnh Bình Định có 165 hồ đập nhưng số nhiều là loại nhỏ và vừa, làm bằng đập đất được người dân và các hợp tác xã xây dựng từ những năm 1975 đến 1995. Trong 65 hồ loại lớn thì có 15 hồ do Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Định quản lý, 50 hồ còn lại do các huyện quản lý. Theo đúng Luật Thủy lợi thì 50 hồ này phải do Công ty khai thác công trình thủy lợi quản lý. Ngoài ra còn 100 hồ chứa làm bằng đập đất loại vừa, nhỏ và siêu nhỏ cũng do các huyện, xã quản lý. 
Bom nước đe dọa miền Trung ảnh 2
Thân đập hồ thủy lợi Hóc Thánh, Bình Định bị xói lở nặng nề.
Theo ông Hồ Đắc Chương, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Định, các hồ đập bị hư hỏng, xuống cấp đều do huyện và xã quản lý, tuy nhiên năng lực, chuyên môn để quản lý các hồ đập của các cấp này còn hạn chế, thậm chí có nơi không có chuyên môn. Do đó, dù đưa vào sử dụng hàng chục năm, hồ đập bị xuống cấp nhưng các địa phương chỉ khai thác chứ không duy tu, bảo dưỡng. “Hồ đập chẳng khác nào cái xe công cộng, ai cũng có thể lấy để đi cho đến khi hư hỏng thì bỏ đó, rất bất cập…”, ông Hồ Đắc Chương ví von chua chát và đề xuất, các địa phương cần giao trách nhiệm quản lý, kèm trách nhiệm duy tu, sửa chữa cụ thể cho các huyện, xã, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Đối với các hồ đập loại lớn, cần phải thực hiện theo đúng Luật Thủy lợi, giao về cho đơn vị đủ thẩm quyền, chuyên môn quản lý. Về lâu dài, nếu như nông sản người dân làm ra chất lượng tốt, có đầu ra ổn định và đem lại hiệu quả cao thì nên đưa vào xã hội hóa trong việc khai thác vận hành hồ thủy lợi. “Thực ra, nhìn thì thấy hồ đập đều vững chãi, an toàn nhưng nếu cứ chủ quan và không có kiến thức thì khi mưa lũ về là rất mong manh. Mỗi vết nứt là một thảm họa”, ông Hồ Đắc Chương cảnh báo.
NGỌC OAI (theo SGGP)

 

Bình luận (0)