Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Có phải tội từ hội phụ huynh?

Tạp Chí Giáo Dục


Ảnh minh họa

Năm học mới đã bắt đầu. Nạn lạm thu ở các trường học vẫn là vấn đề “nóng” thu hút được sự quan tâm của dư luận. Cùng với đó, ban đại diện hội phụ huynh học sinh được đưa vào “tầm ngắm”, soi xét, mổ xẻ, phê phán. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, ban đại diện phụ huynh chính là “tòng phạm”, tiếp tay cho nạn loạn thu và cần phải xóa bỏ hoàn toàn để trả lại bầu không khí trong lành cho môi trường giáo dục. Tuy nhiên, từ thực tế, cần phải có cái nhìn khách quan, toàn diện để đánh giá đúng bản chất của vấn đề. Không phải vì nạn lạm thu trong trường học trở nên nhức nhối mà đổ hết tội cho hội phụ huynh.

Thông tư số 55/2011/TT-BGDDT ban hành ngày 12-11-2011 đã nêu rõ nhiệm vụ của ban đại diện hội cha mẹ học sinh lớp, bao gồm: Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và các giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh; phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp chuẩn bị nội dung của các cuộc họp cha mẹ học sinh trong năm học; tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác. Như vậy, khi thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình, ban đại diện hội phụ huynh sẽ là sợi dây gắn kết và là cầu nối giữa các phụ huynh học sinh khác trong lớp với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và nhà trường. Không có ban đại diện, các phụ huynh khác trong lớp sẽ “mạnh ai nấy lo”, không có sự phối hợp thống nhất trong quá trình giáo dục.

Không thể phủ nhận một thực tế, trong nhiều vụ việc thu tiền xã hội hóa núp bóng “tự nguyện” với số tiền lớn, vượt quá sức “chịu đựng” của nhiều phụ huynh đã bị phát hiện thời gian qua, một số ban đại diện hội phụ huynh học sinh đã khiến cho nạn lạm thu hoành hành. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: có phải ban đại diện hội phụ huynh học sinh tự ý nghĩ ra các khoản thu “trên trời dưới đất”? Và, số tiền sau khi thu được sẽ “chạy” vào “địa chỉ” nào? Chắc chắn, việc thu khoản gì, vào mục đích nào đều có sự chỉ đạo, bật đèn xanh của ban giám hiệu nhà trường. Số tiền sau khi thu được cũng không vào hầu bao của cá nhân nào trong ban đại diện hội phụ huynh mà sẽ “cập bến” két sắt của nhà trường. Như vậy, cần nhận định rõ, chính ban giám hiệu các đơn vị trường học mới là “thủ phạm” chính gây ra nạn lạm thu chứ không phải là ban đại diện hội phụ huynh học sinh. Nếu tư tưởng tìm mọi cách “tận thu”, “thu lấy được” còn là suy nghĩ thường trực của nhiều vị hiệu trưởng thì liệu ai dám chắc, khi ban đại diện hội phụ huynh bị dẹp bỏ, tình trạng lạm thu sẽ không còn? Nhận thức rõ như vậy để thấy rằng, cần thiết phải xem xét lại hoạt động của ban đại diện hội phụ huynh học sinh để đảm bảo hiệu quả, phát huy đúng vai trò chức trách của mình. Nếu cần thiết, cần có quy định “cứng” quy định, ban đại diện hội phụ huynh không được tổ chức phát động hay đứng ra thu hộ bất cứ khoản xã hội hóa nào. Phụ huynh nào có điều kiện, muốn hỗ trợ nhà trường, có thể tự nguyện đăng ký và nộp tiền trực tiếp tại bộ phận tài vụ nhà trường. Ban đại diện hội phụ huynh không đứng ra “thu hộ” bất cứ khoản tiền nào.

Còn để giải quyết tận gốc câu chuyện lạm thu, khi phát hiện đơn vị trường học nào vi phạm, nhất định phải làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường, và xử lý thật nghiêm. Thậm chí, có thể cách chức ngay. Họ là người phải chịu trách nhiệm chính chứ không phải khi “có chuyện”, lại đá “quả bóng trách nhiệm” sang ban đại diện hội phụ huynh học sinh. Trên thực tế, có không ít vụ lạm thu gây bức xúc sau khi bị phát hiện, hiệu trưởng nhà trường do được “che chở” bởi những mối quan hệ này nọ, chỉ bị xử lý theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”. Thậm chí, có vị còn bị “kỷ luật” bằng hình thức rút kinh nghiệm rồi điều chuyển lên phòng, lên sở. Chính việc xử lý người đứng đầu các cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng lạm thu chưa nghiêm minh, chưa đủ sức răn đe là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến “căn bệnh” lạm thu ở các trường học trở nên “nhờn thuốc” thời gian qua.

Bùi Minh Tun
(Giáo viên Trưng THPT Kim Liên – Nam Đàn – Ngh An)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)