Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

TP.HCM: Khó vận động lao động nông thôn học nghề

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trao đổi với Giáo dục TP.HCM, ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết hiện nay sở này đang gấp rút thực hiện kế hoạch Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (giai đoạn 2016-2020).

TP.HCM đang tập trung đào tạo nghề phi nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, công nghệ cao. Trong ảnh: Trưng bày sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao tại TP.HCM

Theo ông Lâm, giai đoạn 2016-2020, TP.HCM phải đào tạo 55.000 lao động nông thôn, đặt hàng đào tạo trình độ TC-CĐ cho 3.500 lao động nông thôn gồm: khoảng 52.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề (16.000 người học nghề nông nghiệp; 36.700 người học nghề phi nông nghiệp), trong đó đặt hàng dạy nghề khoảng 5.500 lao động nông thôn. Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề đạt 80% trở lên.

Đối tượng được hỗ trợ học nghề là lao động nông thôn thuộc các huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn và Nhà Bè. Các quận và phường còn lao động nông nghiệp gồm phường 7 và 16 (quận 8), quận 9, quận 12, quận Bình Tân, phường 28 (quận Bình Thạnh), quận Gò Vấp và quận Thủ Đức. Ưu tiên người lao động thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật và người thuộc gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp… Mức hỗ trợ tối đa cho lao động học nghề là 6 triệu đồng và thấp nhất là 2 triệu đồng; ngoài ra lao động học nghề còn được hỗ trợ tiền ăn, đi lại nếu ở xa.

Tuy nhiên, theo đại diện Phòng LĐ-TB&XH huyện Nhà Bè, lao động nông thôn trình độ còn hạn chế nên khó tiếp cận với một số ngành nghề mới phi nông nghiệp đáp ứng nhu cầu việc làm tại địa phương. Trong khi đó, không ít lao động ngại phải đi học mà thích đi làm công nhân, làm thuê tại các nhà máy, công trường.

“Một nguyên nhân nữa khiến người lao động không muốn học nghề là vì khó tìm được việc làm. Chỉ có một số ít nhà xưởng, cơ sở sản xuất cần lao động trình độ sơ cấp, còn hầu hết tuyển lao động kỹ thuật trình độ TC trở lên”, ông Nguyễn Hữu Khoa (chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh bao bì cơ khí Hoàng Phương, phường Tân Phong, quận 7) khẳng định. Cũng theo ông Khoa, với một khóa học nghề sơ cấp, ngắn hạn thì không dễ để đào tạo một lao động theo yêu cầu của nhà tuyển dụng. Đó là chưa kể trang thiết bị, máy móc phục vụ thực hành lạc hậu, khi đi làm người lao động quá lạ lẫm, doanh nghiệp phải mất thời gian cũng như tài chính để đào tạo lại.

Ông Phạm Văn Công (Phó phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết UBND TP cũng đã có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, kiến thức kinh doanh và khởi nghiệp, tư vấn đào tạo nghề, tư vấn việc làm cho 1.500 giáo viên, người dạy nghề, cán bộ quản lý đào tạo nghề quận, huyện… Theo kế hoạch, đến năm 2020, tỷ lệ lao động nông thôn làm việc trong các thành phần kinh tế đã qua đào tạo nghề nghiệp đạt 85%. 

Một số địa phương cũng kêu khó trong việc vận động lao động nông thôn đi học nghề. Vận động đi học được rồi, hoàn thành khóa học lại gặp khó bởi việc làm khan hiếm. Hơn nữa, một số doanh nghiệp không mặn mà với lực lượng lao động được hỗ trợ học nghề tại địa phương. Bà Nguyễn Thị Liêm (Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Bình Chánh) thừa nhận rất hiếm lao động trẻ ở địa phương tham gia học nghề, mặc dù có chính sách miễn phí cũng như giới thiệu việc làm. Với các nghề nông nghiệp như trồng cây cảnh, nuôi cá kiểng chẳng có mấy lao động trẻ thích thú, theo đó họ chỉ thích làm công nhân tại các khu chế xuất – khu công nghiệp.

Tại Hội nghị giao ban 24 quận, huyện tổ chức cuối tháng 5 vừa qua, ông Lê Minh Tấn (Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết trong 5 tháng đầu năm 2017 lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động nông thôn chỉ đạt 3.008 người, trong khi đó kế hoạch đưa ra phải đạt 12.000 người/năm. Từ thực tế đó, ông Tấn đề nghị các địa phương chủ động hỗ trợ đào tạo nghề đúng đối tượng. Tiếp tục nghiên cứu các mô hình đào tạo nghề nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững, công nghệ cao, sản xuất cây trồng, vật nuôi gắn với phát triển du lịch. Đồng thời phối hợp với các cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp để phát triển mô hình đào tạo nghề phi nông nghiệp gắn với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, dịch vụ; gắn đào tạo nghề với hỗ trợ sản xuất và tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Hiện tại, sở này đang phối hợp với các địa phương kiểm tra trang thiết bị đào tạo, ngành nghề đào tạo tại các trung tâm, cơ sở dạy nghề ở địa phương, từ đó có hướng giải quyết đầu tư, hỗ trợ mua sắm trang thiết bị phục vụ đào tạo, thay đổi các ngành nghề không còn phù hợp.

Bài, ảnh: T.Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)