Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Nói không với đặc sản côn trùng

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều loại côn trùng, động vật chứa các chất bổ dưỡng trở thành món hàng đặc sản làm cho thực khách ưa thích. Tuy nhiên, do đây cũng là loại thực phẩm có khả năng gây độc cao nên đã có trường hợp tử vong và ngộ độc khi dùng các món ăn khoái khẩu này.

Một bệnh nhân bị ngộ độc ấu trùng được điều trị tại BV Quân y 175

Độc tố từ nấm ký sinh

Điển hình là vụ 5 người trong một gia đình ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn món nhộng ve sầu vào cuối tháng 5 vừa qua. Tất cả đã được BS Khoa Hồi sức cấp cứu chống độc của BV Bà Rịa cấp cứu kịp thời bằng cách súc ruột, hỗ trợ thở máy và thở ôxy trước khi dùng thuốc an thần để chống co giật. Theo lời kể của bệnh nhân tên N. mới 15 tuổi cho biết, sau khi ăn món nhộng ve xào thì mọi người mệt mỏi, nôn ói, lơ mơ, chân tay co giật.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên và duy nhất người dân ăn nhộng ve sầu bị ngộ độc phải vào BV cấp cứu để thoát chết. BS Nguyễn Thị Tuyết Chinh – Khoa Hồi sức cấp cứu chống độc BV Bà Rịa thống kê, riêng năm 2013 đã có hơn 20 bệnh nhân ở các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu bị ngộ độc sau khi ăn nhộng ve sầu. Những năm sau này số lượng bệnh nhân bị ngộ độc giảm bớt nhưng không có nghĩa là không còn. “Bản thân nhộng ve sầu không có độc nhưng có một loại nấm ký sinh gyrommitrin trên con nhộng nên khi ăn trúng nhộng có nấm ký sinh này sẽ bị ngộ độc” – BS Tuyết Chinh giải thích.

Nhộng ve sầu chứa nhiều nấm ký sinh

Theo các chuyên gia, do sống trong đất nên ấu trùng ve sầu bị rất nhiều nấm ký sinh, người ăn phải có thể bị ngộ độc nặng. Khi sống ký sinh trên nhộng, bào tử nấm phát triển giết chết ấu trùng khiến cho nhộng ve trở thành một ổ độc tố. Môi trường đất ẩm ướt luôn là cơ hội thuận lợi cho ký sinh trùng bám vào nhộng làm cho nhộng chết và sinh ra nhiều độc tố từ đó. Bên cạnh đó, một số người có cơ địa không thích hợp dễ mẫn cảm thì nhộng cũng có thể gây dị ứng trên da.

BS Bùi Đức Thành – nguyên Trưởng phòng Hồi sức cấp cứu chống độc BV Quân y 175 cho biết, nấm ký sinh trong nhộng ve sầu có độc tố mạnh và nguy hiểm hơn là không bị phân hủy ở nhiệt độ cao trong quá trình nấu nướng và chế biến. Vì thế sau khoảng 3 tiếng đồng hồ hoặc nhanh hơn là từ 30 phút đến 1 giờ đồng hồ là các triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Mức độ nhẹ là nổi mẩn ngứa, mề đay, ói mửa và đau bụng. Nếu ngộ độc nặng do ăn nhiều thì nạn nhân co giật, khó thở, ói ra máu, ngộ độc thần kinh hôn mê và sau đó dẫn đến tử vong.

Các nhận biết ấu trùng ve sầu nhiễm nấm ký sinh cũng không khó. Theo kinh nghiệm các ấu trùng nhiễm nấm thường có hình dạng bất thường vì trên đầu xuất hiện vài cọng nhỏ trông giống cây nấm còn phần cuối lại phình ra chứ không cân đối như ấu trùng bình thường. Nếu muốn ăn thì nên loại trừ hết con chết đã bị nhiễm nấm. Một số loại nhộng bày bán ngoài chợ nhìn bắt mắt và tươi lâu có thể do người bán ngâm trong dung dịch natri sunfit. Vì thế tốt nhất là dùng nhộng còn tươi, hình dáng cân đối các đốt còn dính liền nhau. Lại càng không nên ăn ấu trùng chế biến sẵn vì không an toàn vệ sinh thực phẩm. Cần nấu chín, tuyệt đối không được ăn sống. Không nên ăn nhiều một lúc mà ăn từ từ để xem phản ứng cơ thể như thế nào. Các trường hợp cấp cứu trước đây là do ăn quá nhiều và ăn liên tục trong một lần nên gây ngộ độc cao. Nếu đang ăn mà thấy dấu hiệu bất thường thì ngưng lại nhất là chóng mặt buồn nôn thì đến cơ sở y tế gần nhất để chữa trị kịp thời. Hạn chế lạm dụng ấu trùng làm thức ăn nếu ăn thì chế biến chung với các loại rau củ để đảm bảo dinh dưỡng và an toàn cho cơ thể.

Không chỉ được nấu chín như xào, rang có người lại còn ăn nhộng sống chấm nước mắm giống như ăn đuông dừa là cơ hội vô cùng thuận lợi cho ký sinh trùng đi vào cơ thể người để phát bệnh. Tuy giả thuyết dù có thế nào đúng hay sai nhưng vì nhiều người đã bị ngộ độc khi ăn nhộng ve sầu vì thế tốt nhất nên “nói không” với nhộng ve sầu để tránh hậu họa về sau. Khi phát hiện người bị ngộ độc do ăn nhộng ve sầu, mọi người phải biết cách sơ cứu thông thường. “Sau khi nhanh chóng gọi cấp cứu chúng ta có thể tiến hành sơ cứu như tìm cách nôn mửa hết thức ăn trong ruột ra, cho uống nước oelo hay nước có pha đường và muối nhằm hạn chế tác hại của độc tố” – BS Thành khuyên.

Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)