Đầu tư nâng cấp CSVC của các cơ sở giáo dục, phát triển hoàn thiện các khu chức năng và đồng bộ mạng lưới hạ tầng nhằm đáp ứng yêu cầu trong thời đại mới; phát triển khu vực thành trung tâm CNTT… là những nội dung nổi bật được chú trọng trong quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phê duyệt tại quyết định số 376/QĐ-TTg.
Đào tạo nhân lực lĩnh vực CNTT, bán dẫn… cho giảng viên là bước khởi đầu trong hành trình xây dựng khu vực thành trung tâm công nghệ thông tin (Ảnh: Thành phố Đà Nẵng tổ chức đào tạo nhân lực bán dẫn cho giảng viên các trường ĐH)
Phạm vi ranh giới quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là vùng đất và vùng biển ven bờ bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của TP.Đà Nẵng và 13 tỉnh kéo dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận.
Mục tiêu cụ thể về GD-ĐT là đầu tư nâng cấp CSVC của các cơ sở giáo dục, phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia là khoảng 65 – 75%, tiểu học đạt 75 – 85%, trung học cơ sở đạt 70 – 80%, trung học phổ thông đạt 60 – 70%. Nâng cao chất lượng giáo đục, đào tạo đại học và dạy nghề một số ngành học, bậc học cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Hình thành các khu chức năng
Quy hoạch hướng đến hình thành phát triển các khu chức năng chính. Trong đó, về khu công nghệ thông tin tập trung sẽ định hướng xây dựng Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Khánh Hòa trở thành trung tâm lớn của vùng về phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và là đầu mối liên kết của vùng với các vùng kinh tế khác của cả nước; hình thành mạng lưới trung tâm hỗ trợ thiết kế vi mạch tại các tỉnh, thành phố, các trường đại học trọng điểm; Khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển các khu công nghệ thông tin tập trung tại các tỉnh, thành phố khác trong vùng khi có đủ điều kiện theo quy định; ưu tiên xây dựng các khu công nghệ thông tin tập trung tại Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bình Định; phấn đấu xây dựng công viên phần mềm Đà Nẵng trở thành khu công nghệ thông tin tập trung trọng điểm quốc gia.
Về khu nghiên cứu, đào tạo: Nghiên cứu phát triển các khu nghiên cứu, đào tạo góp phần đưa khoa học công nghệ trở thành động lực phát triển kinh tế – xã hội của vùng. Trong đó, xây dựng một số trung tâm nghiên cứu, đào tạo như trung tâm quốc gia về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận; phát triển Trung tâm quốc gia về Công nghệ sinh học miền Trung tại đại học Huế; nghiên cứu thành lập Trung tâm quốc gia về công nghệ đại dương tại Khánh Hòa; xây dựng các trung tâm nghiên cứu – đào tạo chuyên ngành khác phù hợp với điều kiện của các địa phương.
Đầu tư xây dựng CSVC và nâng cao chất lượng hoạt động một số trường đại học lớn ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Vinh, Nha Trang trở thành những trung tâm nghiên cứu – đào tạo uy tín trong khu vực và thế giới; trong đó Đại học Đà Nẵng và Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia, với định hướng nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, tiên phong, trọng điểm của vùng và của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Ưu tiên bố trí không gian cho các cơ sở giáo dục đại học theo hướng một khu đô thị tích hợp nhiều chức năng, trong đó có chức năng đào tạo, nghiên cứu và phát triển đô thị.
Đồng bộ mạng lưới hạ tầng
Về mạng lưới cơ sở GD-DT sẽ phát triển đồng bộ mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển bền vững của vùng và một số tỉnh lân cận vùng Tây Nguyên. Ưu tiên phát triển một số nhóm ngành đào tạo trọng điểm của vùng như: Công nghệ sinh học, y sinh, vật liệu và môi trường nhằm phục vụ phát triển các ngành công nghệ y học, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, công nghệ môi trường, kinh tế biển và các ngành kinh tế khác; khoa học máy tính, khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI), điện, điện tử và viễn thông, để phục vụ phát triển công nghiệp phân mềm, công nghiệp công nghệ số, vi mạch bán dẫn; kỹ thuật cơ khí, cơ điện tử, điều khiến và tự động hóa, phục vụ phát triển công nghiệp ô tô, cơ khí chế tạo, công nghiệp năng lượng, đô thị và giao thông thôngminh, nông nghiệp và các ngành kinh tế khác; Hình thành các trung tâm đào tạo, nghiên cứu thuộc lĩnh vực ưu tiên về côngnghệ 4.0 trong một số cơ sở giáo dục đại học của vùng.
Phát triển trường Đại học Vinh theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có một số ngành đạt trình độ khu vực và thế giới, là trụ cột của các cơ sở giáo dục đại học tiểu vùng Bắc Trung bộ, Trường Đại học Nha Trang thành trung tâm đào tạo tiểu vùng Nam Trung Bộ, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về một số ngành khoa học – công nghệ biển và thủy sản. Thúc đẩy chuyển đổi số trong GD-ĐT, trước hết là tại các trường đại học lớn trong vùng như Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, các trường đại học tại Vinh, Nha Trang làm cơ sở cho việc phát triển giáo dục đại học số.
Đẩy mạnh phát triển hệ thống cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập, ưu tiên cho các khu vực ngoài đô thị, nhằm giảm tải cho quá trình đô thị hóa và áp lực hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, tạo các cơ hội phát triển cho các vùng ngoại ô; Sắp xếp, tổ chức lại các trường cao đẳng sư phạm theo hướng sáp nhập thành phân hiệu của các cơ sở giáo dục đại học, hoặc hợp nhất với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cùng địa bàn. Phát triển 4 cơ sở giáo dục đại học thuộc vùng giữ vai trò hạt nhân và nòng cốt của mạng lưới cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học giáo dục và đào tạo chất lượng cao, bao gồm Trường Đại học Sư phạm Huế thuộc Đại học Huế, Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng thuộc Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Quy Nhơn.
Ưu tiên đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở giáo đục chuyên biệt để thực hiện mục tiêu 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 1 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập hoặc 1 cơ sở giáo dục chuyên biệt do tỉnh, thành phố quản lý. Nghiên cứu đầu tư xây dựng 1 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cấp vùng; phát triển, củng cố các trường phổ thông dân tộc nội trú.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)