Sự kiện giáo dụcTin tức

Trung tâm Báo chí TP.HCM: “Mái nhà chung” của những người làm báo

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 17-5, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thành lập Trung tâm Báo chí TP.HCM.


Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức (bìa trái) tham dự hội nghị và tặng hoa chúc mừng Trung tâm Báo chí TP.HCM

Trung tâm Báo chí TP.HCM đi vào hoạt động ngày 5-5-2019, là mô hình đầu tiên của cả nước thực hiện chức năng đầu mối thông tin. Trung tâm được xem là “mái nhà chung” của các phóng viên báo đài trên địa bàn TP, cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác, công khai, minh bạch về các hoạt động của TP trên các lĩnh vực đến các cơ quan báo chí.

Tại hội nghị, bà Nguyễn Đình Như Hương – Giám đốc Trung tâm Báo chí TP.HCM đã báo cáo kết quả hoạt động 5 năm của Trung tâm. Trung tâm trở thành đầu mối tiếp nhận và cung cấp thông tin cho báo chí; tổ chức họp báo, các sự kiện quan trọng có tầm vóc quốc gia và quốc tế; nâng cao nhận thức, tăng cường công tác phát ngôn cho báo chí; hình thành cơ sở dữ liệu tác nghiệp của phóng viên; truyền thông chủ động.

Từ tháng 5-2019 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận 2.396 lượt câu hỏi của báo chí về các lĩnh vực kinh tế – xã hội của TP. Trung tâm đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, UBND TP.HCM và các sở ban ngành, địa phương tổ chức họp báo định kỳ hằng tháng, hằng quý.


Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng phát biểu tại hội nghị

Trong đại dịch Covid-19, Trung tâm đã góp phần không nhỏ vào quá trình điều hành thông tin phòng chống dịch. Nổi bật là chương trình livetream "Dân hỏi – Thành phố trả lời" đã nhận được sự quan tâm của người dân.

Trong 5 năm hoạt động, có 12.000 lượt phóng viên tác nghiệp tại Trung tâm, hơn 2.400 lượt câu hỏi gửi trước họp báo. Trung bình mỗi năm có 2.400 lượt phóng viên tác nghiệp và đưa tin, 700 lượt lãnh đạo sở ngành, quận huyện và TP đã đến cung cấp thông tin trực tiếp. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng là nơi tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn kỹ năng truyền thông cho người phát ngôn của các cơ quan chức năng.

Trung tâm Báo chí TP.HCM cũng là một trong những đơn vị sớm ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao năng lực điều hành, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương thức cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí.

Có thể thấy, mô hình Trung tâm Báo chí TP.HCM ra đời giải quyết căn bản về truyền thông đa chiều, chủ động đặt ra trong tình hình hiện nay nhằm đáp ứng quyền được thông tin, tiếp cận nguồn tin của báo chí; tích cực sử dụng thông tin báo chí như một nguồn lực, phương tiện và phương thức kết nối các nguồn lực xã hội và tham gia phản biện chính sách.


Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng tặng Giấy khen cho tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động của Trung tâm

Thông qua kênh báo chí, vai trò giám sát của người dân đối với các hoạt động của chính quyền được phát huy, các sáng kiến, góp ý, phản ánh tâm tư và nguyện vọng của nhân dân được kịp thời chuyển đến các cấp chính quyền. Đồng thời, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các hoạt động của chính quyền cũng được kịp thời chuyển đến người dân thông qua các phương tiện truyền thông, báo chí.

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng biểu dương những nỗ lực của đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động của trung tâm.

Định hướng hoạt động trong thời gian tới, ông Thắng kỳ vọng Trung tâm Báo chí TP.HCM không chỉ hoạt động báo mà còn là hoạt động truyền thông; thể hiện vai trò cầu nối về mặt truyền thông chủ động, kịp thời, hiệu quả. Ông đề nghị Trung tâm sáng tạo trong lựa chọn nội dung đề xuất lãnh đạo TP.HCM truyền thông chủ động.

Theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, trên cơ sở các dữ liệu của hoạt động báo chí, các buổi họp báo, giao ban báo chí, trả lời của các sở, ngành, địa phương và các vấn đề mà phóng viên, người dân đặt ra, Trung tâm nên phân tích dữ liệu đó, định hướng hoạt động và tham mưu lại cho lãnh đạo TP để truyền thông.

N.Trinh

Bình luận (0)