Sau đợt đầu chỉ tuyển được 14 nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành, ĐH Quốc gia TP.HCM tiếp tục thông báo tuyển thêm 64 ứng viên về các trường thành viên công tác theo chương trình VNU350.
PGS.TS Nguyễn Như Tỷ (phó giáo sư trẻ nhất của Việt Nam ngành kinh tế năm 2022) trong giờ dạy sinh viên Trường ĐH Quốc tế. Đây là một trong những trường đang chiêu mộ các nhà khoa học trẻ xuất sắc, đầu ngành
Chương trình VNU350 được ĐH Quốc gia TP.HCM công bố vào tháng 2 năm nay, mục tiêu đến năm 2030 sẽ tuyển dụng được 350 nhà khoa học trẻ xuất sắc và nhà khoa học đầu ngành nhằm hiện thực hóa tầm nhìn phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM thành hệ thống ĐH nghiên cứu trong tốp đầu châu Á – nơi hội tụ nhân tài, lan tỏa tri thức, văn hóa Việt Nam.
Mức thu nhập ứng viên người nước ngoài cao gấp 2-3 lần
Theo đó, trong đợt đầu tiên của năm 2024, ĐH Quốc gia TP.HCM có nhu cầu tuyển dụng 65 chỉ tiêu làm việc tại các đơn vị thành viên và trực thuộc. Thực tế, chỉ có 33 hồ sơ ứng tuyển, trong đó, 1 hồ sơ không hợp lệ, kết quả 14 ứng viên trúng tuyển. Với 14 cá nhân vừa tuyển dụng được, đợt 1 còn tới hơn 50 chỉ tiêu chưa tìm được ứng viên. Đợt này, các trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Công nghệ thông tin, Viện Môi trường và Tài nguyên… có chỉ tiêu nhưng chưa tuyển được ứng viên nào.
Ngay sau khi có kết quả đợt 1, ĐH Quốc gia TP.HCM tức tốc triển khai tuyển dụng đợt 2, số lượng 64 ứng viên. Ở đợt này, các trường ĐH thành viên công bố mức lương, thu nhập đối với những nhà khoa học trẻ, nhà khoa học đầu ngành; trong đó, mức cho các chuyên gia đến từ nước ngoài cao gấp nhiều lần so với trong nước.
Cụ thể, các đơn vị thành viên đều áp dụng cùng mức lương theo quy định của Nhà nước (tiến sĩ có hệ số 3.0) là 5,4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, lương theo vị trí việc làm được các trường trả ở các mức khác nhau, nằm trong khoảng 15-28 triệu đồng/tháng. Ứng viên người nước ngoài thì mức này cao gấp 2 hoặc 3 lần.
Trong đó, lương theo vị trí việc làm tại Trường ĐH Bách khoa là 18 triệu đồng/tháng (ứng viên người nước ngoài được trả cao gấp 3); Trường ĐH Khoa học Tự nhiên là 20 triệu đồng/tháng; Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn là 15 triệu đồng/tháng (ứng viên người nước ngoài được trả cao gấp đôi); Trường ĐH Quốc tế là 23,2 triệu đồng/tháng (ứng viên người nước ngoài có lương và phụ cấp là 30 triệu đồng/tháng); Trường ĐH Công nghệ thông tin là 18 triệu đồng/tháng; Khoa Y là 16 triệu đồng/tháng.
Tại Trường ĐH Kinh tế – Luật, ứng viên người Việt Nam trình độ tiến sĩ có kinh nghiệm trên 3 năm thì thu nhập trung bình là 28 triệu đồng/tháng; phó giáo sư là 45 triệu đồng/tháng; giáo sư là 51 triệu đồng/tháng. Chính sách thu hút ứng viên mới về trường được áp dụng như sau: Giáo sư 350 triệu đồng; phó giáo sư 250 triệu đồng; tiến sĩ 150 triệu đồng…
Trường ĐH An Giang áp dụng mức lương và phụ cấp khiêm tốn nhất. Theo đó, đối với ứng viên người Việt Nam, lương và phụ cấp theo quy định của Nhà nước là 10 triệu đồng/tháng. Còn chính sách thu hút ứng viên mới về trường là 60 triệu đồng/người. Ứng viên người nước ngoài cũng hưởng tất cả các chính sách tương tự ứng viên người Việt Nam, chỉ được hỗ trợ thêm một số điều kiện về di chuyển, lưu trú trong quá trình làm việc.
Nhà khoa học trẻ muốn cống hiến gì?
Hầu hết các cá nhân trúng tuyển đợt đầu tiên vào ĐH Quốc gia TP.HCM đều tốt nghiệp tiến sĩ từ các trường ĐH nước ngoài như Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản, Mỹ, Singapore… và đều có bài báo trong nước lẫn quốc tế. Trong đó, có ứng viên đạt tới 115 bài báo trong nước và quốc tế.
Các tài năng trẻ này đều chung tâm nguyện đóng góp vào sự phát triển của thành phố và đất nước. TS. Trần Thị Thùy Linh (tốt nghiệp ngành hóa dược, Trường ĐH Paris-sud, Pháp) chia sẻ: “Sau khi về Việt Nam, tôi mong muốn tìm môi trường nghiên cứu và giảng dạy để tiếp tục phát triển sự nghiệp. Tôi luôn tâm niệm mình sẽ làm nên một điều gì đó ý nghĩa trong lĩnh vực hóa dược, y sinh. Và chương trình VNU350 là cơ hội để tôi nghiên cứu và cống hiến nhiều hơn song song với giảng dạy.
TS. Vũ Gia Phong (tốt nghiệp chuyên ngành hóa sinh tại ĐH UC Berkeley – Hoa Kỳ) thì đặt mục tiêu phát triển các phương pháp chẩn đoán bệnh và trị liệu phân tử sau khi về đầu quân tại ĐH Quốc gia TP.HCM. TS. Phong là một trong số ít học viên từng nhận được học bổng toàn phần sau ĐH của ĐH UC Berkeley. Năm 2014, anh còn là một trong 4 nghiên cứu sinh xuất sắc được nhận giải thưởng luận án tiến sĩ xuất sắc của Văn phòng Chủ tịch Viện ĐH California.
Theo ĐH Quốc gia TP.HCM, để tham gia ứng tuyển, ứng viên phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn chung như: Có trình độ tiến sĩ; có khả năng giảng dạy, nghiên cứu độc lập; có khát vọng, hoài bão, mong muốn đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp phát triển của đất nước và của ĐH Quốc gia TP.HCM. Bên cạnh đó, đối với nhà khoa học trẻ, cần đáp ứng thêm ít nhất một trong 4 tiêu chí sau: Có bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí, hội nghị uy tín; có bằng phát minh, sáng chế đã được đăng ký thành công; có sản phẩm khoa học công nghệ đã được chuyển giao; có hướng nghiên cứu mới, triển vọng, phù hợp với chiến lược phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM. Đối với nhà khoa học đầu ngành, cần đáp ứng đủ 5 tiêu chí về kinh nghiệm và năng lực gồm: Đứng đầu nhóm nghiên cứu hoặc trưởng phòng thí nghiệm; chủ trì đề tài, dự án khoa học công nghệ; có công trình công bố trên các tạp chí khoa học uy tín hoặc sở hữu bằng độc quyền phát minh, sáng chế; có kinh nghiệm giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh; có mối quan hệ, hợp tác trong nước và quốc tế… |
Trong thời gian làm tiến sĩ, anh được giao nhóm phát triển và thực hiện giao thức an toàn trong nghiên cứu động vật tại phòng thí nghiệm của ĐH UC Berkeley. Anh đã công bố 18 bài báo khoa học, trong đó 16 bài thuộc Q1 và 3 bài được đăng trên tạp chí PNAS.
Anh cho biết, khi Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm được ĐH Quốc gia TP.HCM thành lập, anh đã chủ động liên hệ để tìm hiểu và sau đó ứng tuyển vào vị trí trưởng nhóm nghiên cứu tại trung tâm thông qua chương trình VNU350. Theo anh, hiện nay ở Việt Nam và thế giới, các nhóm nghiên cứu làm chủ được công nghệ kéo phân tử còn chưa nhiều. “Là một trong những nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm thiết kế, ứng dụng các kỹ thuật hiện đại này, tôi mong thông qua Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm của ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ có thể ứng dụng những kiến thức, kinh nghiệm của bản thân trong phát triển các phương pháp chẩn đoán bệnh và trị liệu phân tử chính xác cho Việt Nam” – TS. Phong kỳ vọng.
PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Như (tốt nghiệp Khoa Tài chính, ĐH Tomas Bata, Cộng hòa Czech) cho biết, bản thân ấp ủ những kế hoạch để thực hiện các dự án nghiên cứu quy mô lớn hơn với sự đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng liên quan đến lĩnh vực kinh tế – tài chính. “Cùng với đó, tôi định hướng bản thân phát triển thành nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế – tài chính, đặc biệt nghiên cứu chuyên sâu về tài chính cá nhân và tài chính xanh. Việc tham gia vào chương trình VNU350 với nguồn tài trợ kinh phí và các chính sách hỗ trợ từ ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tôi hiện thực hóa ước mơ và kế hoạch của mình” – TS. Như bày tỏ.
Việt Ngân
Bình luận (0)