Ghi nhận tại nhiều trường THPT trên địa bàn TP.HCM, năm nay tỷ lệ học sinh lớp 12 có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đủ điều kiện được miễn bài thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT tăng cao…
Năm nay, tỷ lệ học sinh lớp 12 tại nhiều trường THPT được miễn thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT tăng
Có trường hơn 50% học sinh lớp 12 được miễn thi
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, học sinh có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ trong danh mục chứng chỉ ngoại ngữ sau sẽ được sử dụng để miễn thi bài thi ngoại ngữ (môn tiếng Anh) trong xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2024. Các chứng chỉ trên gồm: TOEIC (4 kỹ năng) nghe – 275, đọc – 275, nói – 120, viết – 120; B1 Preliminary; B1 Business Preliminary; B1 Linguaskill; Aptis ESOL B1; Pearson English International Certificate (PEIC) Level 2; chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam: bậc 3.
Theo ghi nhận, năm nay nhiều trường THPT tại TP.HCM có sự gia tăng về tỷ lệ học sinh được miễn bài thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đơn cử, tại Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú), năm nay toàn trường có 95/885 học sinh lớp 12 được miễn bài thi tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Con số này của năm 2023 là 81/880 học sinh; năm 2022 là 43/880 học sinh. Thầy Nguyễn Quang Đạt (Hiệu trưởng nhà trường) vui mừng cho biết, tỷ lệ học sinh lớp 12 của trường có các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT đủ điều kiện được miễn bài thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đang ngày càng tăng. Điều này xuất phát từ nhiều lý do, cho thấy kết quả dạy và học ngoại ngữ của trường ngày càng khởi sắc. “Hiện nay, ngoài việc dạy tiếng Anh theo chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT, trường còn tổ chức dạy học tiếng Anh với người nước ngoài cho học sinh theo nhu cầu tự nguyện của các em. Cùng với đó, việc đổi mới dạy học tiếng Anh trong trường học cũng bước vào guồng, đồng bộ với chương trình mới, vì vậy tạo thuận lợi để học sinh được nâng cao thêm năng lực ngoại ngữ trên ghế nhà trường”, thầy Đạt phấn khởi nói.
Tương tự, ghi nhận tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) cho thấy năm học 2023-2024, toàn trường có 322/632 học sinh lớp 12 đạt chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, đủ điều kiện miễn bài thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, chiếm tỷ lệ 51%. Thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng nhà trường) đánh giá, so với năm 2023 có khoảng 250 học sinh được miễn bài thi ngoại ngữ thì tỷ lệ của năm nay tăng cao.
Nhìn nhận về kết quả này, thầy Phú đánh giá, mục tiêu giáo dục của nhà trường hướng đến giá trị “công dân toàn cầu” nên luôn động viên học sinh nỗ lực ôn luyện tiếng Anh cho tốt, vì đó là ngôn ngữ toàn cầu. Phụ huynh cũng ý thức ngày nay các em phải biết tiếng Anh để dễ tìm việc nên đã đầu tư cho con từ nhỏ. Nhu cầu du học hiện rất cao nên các em ý thức việc học tiếng Anh để tìm học bổng và giảm chi phí du học. Cùng với đó, rất nhiều trường ĐH xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS cũng tạo động lực để các em ôn luyện tiếng Anh tốt.
Nhiều trường ĐH sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trong xét tuyển
“Hiện nay, nhà trường tổ chức 2 tiết/tuần dạy tiếng Anh bản ngữ cho học sinh lớp 12, giúp các em rèn luyện thêm kỹ năng nghe và nói. Giáo viên tiếng Anh của trường tích cực đổi mới phương pháp, đã hỗ trợ học sinh trong việc nâng cao năng lực ngoại ngữ”, thầy Phú đánh giá.
Nhiều trường ĐH sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trong xét tuyển
Thầy Nguyễn Mạnh Hùng (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie, Q.3) cho hay, năm nay trường có 338/944 học sinh lớp 12 đạt chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đủ điều kiện miễn bài thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, chiếm tỷ lệ 35,8%. So với năm 2023 có 322/1.144 học sinh đạt (tỷ lệ 28,1%) thì tỷ lệ năm nay là tăng vượt.
Vì sao tỷ lệ ngày càng tăng?
Tại TP.HCM, với mục tiêu đào tạo công dân toàn cầu, nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố và cả nước, nhiều năm nay tiếng Anh luôn được ngành giáo dục, các nhà trường, phụ huynh và học sinh quan tâm đầu tư.
Nhiều năm qua, TP.HCM đẩy mạnh việc dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông, từ bậc tiểu học thông qua các đề án dạy và học ngoại ngữ, tin học theo chuẩn quốc tế. Ngành giáo dục thành phố thực hiện có hiệu quả Đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TP.HCM. Các chương trình, đề án đột phá của ngành huy động được nguồn lực xã hội và đạt hiệu quả cao như: Chương trình kích cầu đầu tư cơ sở vật chất xây dựng trường học; chương trình “Dạy và học toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam”; thực hiện chương trình chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”; chương trình tiếng Anh tăng cường, dạy học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài; các hoạt động câu lạc bộ; các cuộc thi khoa học kỹ thuật, học thuật đánh giá theo chuẩn quốc tế được chú trọng…
Theo báo cáo khảo sát trực tuyến năng lực ngoại ngữ của học sinh lớp 9 tại TP.HCM năm học 2022-2023 do Sở GD-ĐT TP.HCM thực hiện với 98,4% học sinh lớp 9 toàn thành phố tham gia khảo sát. Nội dung đề khảo sát theo chuẩn Cambridge. Kết quả cho thấy: Phần lớn học sinh lớp 9 đạt trình độ A1 ở 2 kỹ năng đọc và nghe; 4% học sinh đạt cấp độ B1 (PET) ở kỹ năng đọc và sử dụng tiếng Anh; 5% học sinh đạt cấp độ B1 ở kỹ năng nghe. Trong đó, Q.1 là địa phương có tỷ lệ học sinh đạt cấp độ Pre A1 thấp nhất và tỷ lệ học sinh đạt cấp độ B2 cao nhất. Còn huyện Cần Giờ thì tỷ lệ này ngược lại.
Ông Nguyến Bảo Quốc (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) đánh giá, tỷ lệ này so với năm 2021 có cao hơn. Điều này cho thấy chất lượng dạy và học tiếng Anh ở các trường THCS đang ngày càng có những chuyển biến rõ rệt, học sinh tiệm cận được với các bài thi theo chuẩn quốc tế. Trong chiến lược phát triển giáo dục TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học có trình độ ngoại ngữ A1 hoặc tương đương; 100% học sinh hoàn thành chương trình trung học đạt cấp độ ngoại ngữ từ A2 và tương đương trở lên; 50% học sinh tiểu học đạt chứng chỉ tin học, ngoại ngữ quốc tế (trường tiên tiến hội nhập quốc tế tỷ lệ 80%).
Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận (0)