Chuyển đổi số y tế không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ y tế mà còn góp phần phát triển bền vững ngành y tế trong thời kỳ cách mạng công nghệ số. Tuy nhiên, chuyển đổi số y tế ở nước ta đang đối mặt với nhiều thách thức về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, lỗ hổng pháp lý…
Chuyển đổi số y tế đã trở thành một xu hướng tất yếu
Người bệnh hưởng lợi từ chuyển đổi số y tế
Ông Nguyễn Tấn Thành – Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM, CLB Nhà khoa học trẻ TP – cho rằng, trong lĩnh vực y tế, chuyển đổi số đã để lại những dấu ấn rõ ràng. Ví dụ, mạng lưới Telehealth (dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa) đã kết nối được 1.000 cơ sở khám chữa bệnh từ xa, giảm khoảng cách y tế giữa các vùng miền và giữa các tuyến. Điều này đã giúp giảm tỉ lệ chuyển tuyến xuống dưới 10% so với trước đó là 30%, tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm và giảm bớt áp lực cho bệnh viện tuyến trên.
Đáng chú ý, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để áp dụng các giải pháp y tế kỹ thuật số. Hơn 60% dân số dưới 54 tuổi đang nhanh chóng chấp nhận công nghệ thông tin mới. Trung bình, người dân Việt Nam dành 7 giờ/ngày cho các hoạt động trực tuyến, trong đó 3 giờ trên thiết bị di động. Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), đồng thời hỗ trợ sự phát triển của các dịch vụ ICT. Kết quả, đến năm 2017, việc truy cập internet đã phổ biến rộng khắp cả nước – với tỷ lệ sử dụng là 67%, tốc độ tăng trưởng hàng năm là 28%. Mạng 4G đã phủ sóng trên 95% hộ gia đình.
Bà Trần Thị Minh Trang – Trường ĐH Luật TP.HCM – chia sẻ, Chatbot y tế thường được tích hợp vào các hệ thống quản lý thông tin bệnh viện và phòng khám giúp cải thiện quy trình tiếp nhận, chăm sóc bệnh nhân. Các Chatbot y tế có khả năng cung cấp dịch vụ tư vấn y tế 24/7. Một ưu điểm khác của việc sử dụng Chatbot y tế là khả năng tăng cường kiến thức và nâng cao nhận thức về sức khỏe cho cá nhân, cộng đồng. Chatbot y tế có thể cung cấp thông tin chi tiết về các triệu chứng, bệnh lý, phương pháp điều trị và các biện pháp phòng ngừa. Điều này giúp người dùng tự tin hơn trong việc quản lý sức khỏe và có thể tự điều chỉnh hành vi để duy trì sức khỏe tốt hơn.
Đánh giá trí tuệ nhân tạo (AI) đang tiến gần đến việc cách mạng hóa điều trị ung thư, PGS.TS.BS Phan Đặng Anh Thư – Trường ĐH Y Dược TP.HCM – cho rằng, nhờ AI, các bác sĩ có thể xác định phương pháp điều trị tối ưu nhất cho từng bệnh nhân dựa trên đặc điểm di truyền và phân tử của khối u, đem lại hy vọng mới trong cuộc chiến chống lại ung thư. Hơn 300 công cụ AI đã được FDA chấp thuận cho ứng dụng trong chẩn đoán hình ảnh, phần lớn nhằm hỗ trợ bác sĩ trong quá trình xác định và điều trị bệnh. Các nhà nghiên cứu đang nỗ lực tích hợp AI với các thiết bị đeo và ứng dụng di động để theo dõi chỉ số sức khỏe, phát hiện sớm dấu hiệu bệnh. Như vậy, AI đang từng bước thay đổi cách thức chúng ta chẩn đoán và điều trị ung thư. Bằng cách nắm bắt và thúc đẩy sự tiến bộ này, chúng ta không chỉ cải thiện chất lượng điều trị mà còn mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao cho mọi bệnh nhân…
Đầu tư cho y tế cơ sở
Việt Nam đang nỗ lực cải thiện và phát triển hệ thống y tế. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi này, nước ta phải đối mặt với nhiều thách thức. Quá trình số hóa tại các bệnh viện vẫn còn rời rạc, nhỏ lẻ và chủ yếu được thực hiện ở các bệnh viện cấp quốc gia, bệnh viện tư nhân ở đô thị lớn. Còn các cơ sở y tế tuyến dưới do khả năng tài chính và kỹ thuật hạn chế nên việc ứng dụng y tế số (e-health) khá ít.
Theo bà Trần Thị Mỹ Nhung – Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM, mặc dù Chính phủ và Bộ Y tế đã đặt ra các chiến lược về việc ứng dụng AI vào công tác khám chữa bệnh nhằm phục vụ người dân tốt hơn nhưng hiện nay khung pháp lý điều chỉnh về ứng dụng AI vào hoạt động khám chữa bệnh vẫn còn bỏ ngỏ, nhiều vấn đề chưa được điều chỉnh. Điều này không chỉ gây khó khăn cho việc ứng dụng trên thực tế mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
“Pháp luật chưa xem xét vấn đề bồi thường thiệt hại do ứng dụng AI như một loại trách nhiệm đặc biệt và chỉ tập trung vào việc phát triển các công nghệ liên quan đến AI. Như vậy, cần sửa đổi, bổ sung các quy định áp dụng riêng cho trường hợp AI gây thiệt hại, vốn nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự về bồi thường thiệt hại do hành vi con người, do tài sản gây ra”, bà Nhung nói.
ThS. Trần Linh Huân – CLB Nhà khoa học trẻ TP.HCM – cho rằng, ứng dụng AI vào hoạt động khám chữa bệnh cần phải cân nhắc các vấn đề an toàn của bệnh nhân trong trường hợp AI mắc lỗi (ai chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm như thế nào), bảo mật thông tin dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư của bệnh nhân, đạo đức của người thực hành khi ứng dụng AI…
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng chỉ ra những thách thức cần được giải quyết để đảm bảo hiệu quả và sự bền vững của quá trình chuyển đổi số y tế như đầu tư nâng cấp và phát triển hạ tầng công nghệ thông tin trong các cơ sở y tế, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyên môn về công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế. Tạo ra các chương trình đào tạo và huấn luyện nhằm nâng cao năng lực cho các chuyên viên công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi để bác sĩ, y tá, nhân viên y tế có thể thích nghi và sử dụng hiệu quả các công nghệ số trong công việc hàng ngày; Nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi số y tế; Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế số…
Minh Phương
Bình luận (0)