Tháng sáu, “vệt” nắng kéo dài dọc dãi đất miền Trung. Về với Phú Yên – mảnh đất được ví là miền hoa vàng trên cỏ xanh cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều của thời tiết mùa hè khắc nghiệt. Một ngày dọc dài với miền đất này, trải nghiệm qua từng điểm đến mới hiểu thêm được trầm tích văn hóa của xứ nẫu…
Làng rau Ngọc Lãng bên bờ sông Đà Rằng
Nơi lưu giữ sách quốc ngữ đầu tiên
Đến Phú Yên sẽ là một chuyến đi không trọn vẹn nếu bỏ qua việc thăm thú nhà thờ Mằng Lăng – nơi lưu dấu cuốn sách đầu tiên in bằng chữ quốc ngữ của linh mục Alexandre de Rhodes. Cách TP.Tuy Hòa 35km, nhà thờ Mằng Lăng ở xã An Thạch, huyện Tuy An năm 1892 trong khuôn viên rộng 5.000m2 được xây dựng theo kiến trúc Gothic – nghệ thuật kiến trúc hưng thịnh ở châu Âu trong thế kỷ 19. Nhà thờ được sơn màu xám, các lối vào được thiết kế bằng mái vòm. Từng chi tiết trong giáo đường được các kiến trúc sư xây dựng một cách tỉ mỉ, chi tiết làm tôn lên vẻ đẹp của một công trình kiến trúc lớn. Mặc dù được xây dựng theo lối kiến trúc châu Âu nhưng nhà thờ Mằng Lăng lại mang tên một loài cây của xứ nẫu. Theo người dân bản địa, khi xưa nơi này là một vùng rừng rộng lớn, có nhiều cây Mằng Lăng mọc nên khi nhà thờ được xây lên được đặt theo loài cây quý này.
Đặc biệt, trong khuôn viên của nhà thờ có một không gian trước cổng dành trưng bày hình ảnh về cuốn sách in chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam năm 1651 tại Italia với tựa sách “Phép giảng 8 ngày” do Alexandre de Rhodes biên soạn và được Tòa thánh Vatican cho phép in ấn, phát hành. “Phép giảng 8 ngày” là cuốn sách giáo lý in song ngữ bằng tiếng Latin và chữ quốc ngữ sơ khai. Cuốn sách được in với mục đích ban đầu là truyền giáo nhưng sức sống của chữ quốc ngữ cùng với sự cải tiến qua nhiều thế hệ, chữ quốc ngữ tồn tại đến ngày nay và trở thành chữ quốc ngữ chính thức của dân tộc.
Nhà thờ Mằng Lăng – công trình kiến trúc đậm nét nghệ thuật Gothic
Nơi gìn giữ cuốn sách về chữ quốc ngữ đầu tiên ở nhà thờ Mằng Lăng
Ngược thời gian về thế kỷ 16, linh mục Alexandre de Rhodes là một nhà truyền giáo đồng thời là nhà ngôn ngữ học. Ông có quãng thời gian rất dài sinh sống ở Việt Nam và đã có công lao lớn trong việc hình thành chữ quốc ngữ Việt Nam thông qua hệ thống hóa cách ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latin.
Mang trong mình trầm tích tháng năm với gốc tích về cuốn sách “Phép giảng 8 ngày”, nhà thờ Mằng Lăng trở thành điểm đến thú vị với du khách mỗi lần đến Phú Yên. Trong không gian ấy, nghĩ về khởi nguồn của chữ quốc ngữ, thấy được một hành trình dài của một ngôn ngữ đã trở thành quốc ngữ. Thời gian và biến thiên thời cuộc đôi khi không xóa nhòa đi vẻ đẹp văn hóa mà càng tô đậm và tôn thêm sự hoàn mỹ.
Bình yên chiều về tháp Nhạn
Về với Phú Yên, chúng tôi chọn điểm dừng đầu tiên ở tháp Nhạn. Hoàng hôn ở tháp Nhạn thoảng buồn nhưng thật đẹp. Những lối gạch được xếp tăm tắp, tạo nên nét kiến trúc riêng và độc đáo càng khiến cho vẻ đẹp của ngọn tháp ngàn năm tuổi thêm nổi bật giữa màu xanh của cây cối, núi non. Nghe đâu đó niềm xúc cảm dạt dào, cơ hồ như đang thả hồn trong tiếng nhạc dịu êm được vỗ từ những vần thơ của nhà thơ Phạm Thành Tài: “Anh còn nợ em/ Chim về núi Nhạn/ Trời mờ mưa đêm…”.
Vẻ đẹp của tháp Nhạn – di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt
Dọc dải đất Phú Yên, còn nhiều điểm đến khác, như ghềnh Đá Đĩa, Hòn Én, di tích Đoàn tàu không số, Mũi Điện – nơi đón bình minh đầu tiên của Tổ quốc… Tìm hiểu văn hóa, lịch sử, trải nghiệm những điểm đến của xứ sở núi Nhạn, sông Ba, cảm thấy gần hơn với con người đất Phú Yên hồn hậu và sẽ thấy chuyến đi của mình thêm nhiều ý nghĩa! |
Theo các nhà nghiên cứu, tháp Nhạn là sự chuyển tiếp giữa phong cách kiến trúc Mỹ Sơn và phong cách kiến trúc Bình Định, niên đại vào khoảng cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII. Tháp được xây dựng gồm 3 phần: đế tháp, thân tháp và mái tháp. Nơi đây, thờ thần Poh Inư Naga – vị thiên thần cai quản đất đai, núi rừng, sông biển. Theo quan niệm, vị thần này giáng trần để giúp đỡ, đem lại ấm no, hạnh phúc cho muôn dân. Tháp Nhạn cũng là một trong số ít các ngôi tháp thờ thần Poh Inư Nagar. Hàng năm và tháng ba âm lịch, lễ vía Bà (bà Thiên Y A Na) được người dân tổ chức. Nhiều đồng bào Chăm ở Ninh Thuận cũng tìm về. Họ cầu mong một đời sống hạnh phúc, bình an và no ấm đến mọi nhà. Năm 2018, tháp Nhạn được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt.
Chiều trên núi Nhạn, ngắm dòng sông Đà Nẵng chảy qua bao thác ghềnh, tưới tắm phù sa cho ruộng đồng đây lại êm đềm đổ về phía biển. Bên kia bờ sông là làng rau Ngọc Lãng với những ruộng rau xanh mướt, những nông dân trồng rau nở nụ cười tươi sau một ngày làm việc trên cánh đồng, thu về những gánh rau xanh cho phiên chợ sớm mai. Một không gian thật yên bình ngay giữa lòng TP.Tuy Hòa hấp dẫn và để lại cảm xúc khó tả với ai một lần đến nơi này.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)