Trong các phương pháp giáo dục, nếu như đã là một nhà sư phạm, một thầy cô giáo, chúng ta sẽ hiểu rằng mỗi phương pháp giáo dục sẽ phù hợp với từng trường hợp hoàn cảnh, mang lại hiệu quả giáo dục khác nhau. Khi vận dụng các phương pháp đó, thầy cô cũng phải kinh qua những bài giảng tâm lý về độ tuổi, nhưng không biết vì sao, cái quan điểm từ xa xưa “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, đã ăn sâu vào tất cả người lớn, rất vô cùng được áp dụng trong từng gia đình, và cả trường học…
Giờ vui chơi ngoài trời của các em học sinh mầm non
“Má ơi đừng đánh con đau…”
Vẫn biết rằng, quan điểm của ông bà ta xưa nay là đã trải qua rất nhiều đời, nhiều thăng trầm, dĩ nhiên là có phần đúng, nhưng áp dụng như thế nào, hoặc hiểu sao cho sâu sắc, cạn tình trong cái yếu tố tâm lý đó, thì phải hiểu cái nghĩa ẩn dụ trong đó, thương cho roi cho vọt, là cho tình yêu thương trong đó, trong một tình huống mà “Má ơi đừng đánh con đau, để con bắt ốc hái rau má nhờ”. Câu ca dao chứa đựng cả tình yêu thương, mà trong đó người mẹ trong trạng thái tâm lý vừa đánh con mà vừa khóc, người con vừa bị phạt vừa khóc, vừa muốn trả ơn cho mẹ. Đó chính là người mẹ dành tất cả tình yêu thương mà dạy dỗ con mình, còn với vai trò thầy cô, chúng ta có tự tin để trẻ cảm nhận rằng chúng ta dạy trẻ con bằng tình yêu thương, trẻ có cảm nhận hết tình yêu thương đó không, nếu học sinh cảm nhận được thì chắc chắn rằng chúng ta có quyền dành tình yêu thương đó mà “giơ cao đánh khẽ”, nhưng hãy nhớ về câu chuyện “Sự tích quả roi”, người thầy trong câu chuyện cổ đó, đã hết lòng dạy dỗ, thương yêu học trò của mình, nhưng người học trò không cảm nhận được, nên mới có hành vi đốt luôn nhà của thầy, nếu như người thầy bằng hình thức nào đó, đặt mình vào vị trí của người trò, thì hậu quả để lại không đến nỗi như vậy. Sự tích quả roi, là một câu chuyện để giáo dục về tình thầy trò, và hôm nay, nếu trong vai trò của người thầy chúng ta cũng phải suy ngẫm sâu xa hơn. Bởi vì, tôn trọng là sự đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự, phẩm giá và lợi ích của người khác, thể hiện lối sống văn hóa của mỗi người. Người học luôn cần được tôn trọng, một đứa trẻ được tôn trọng, thì ra đời sẽ biết tôn trọng, một đứa trẻ nhận được yêu thương thì sẽ trao đi yêu thương, người lớn luôn là tấm gương phản chiếu lên trẻ mà. Phải hiểu rằng, bất cứ một đứa trẻ nào, cá tính ra sao, thể chất, ngoại hình, hay hoàn cảnh xuất thân, đều cần được tôn trọng. Tôn trọng một đứa trẻ cũng là chứng minh được nhân cách, trình độ, phẩm chất, đạo đức của một thầy cô giáo. Chúng ta cần hiểu điều đó, để vận dụng các phương pháp giáo dục sao cho nhuần nhuyễn, như một cây tre, trong cứng có mềm, trong cong có thẳng, để nó không được gãy trước những khó khăn trở ngại.
“Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”
Chúng ta vẫn luôn tâm đắc câu: “Giáo dục là kỷ cương, là tình thương, là trách nhiệm”. Cái kỷ cương ở đây chính là những nội dung, quy định mà trong một tổ chức một tập thể, mà mỗi cá nhân đều tuân thủ. Tuy nhiên, để thực hiện các quy định đó, có nhất thiết chúng ta phải dùng những ngôn ngữ, những mệnh lệnh bắt buộc, mang tính áp đặt lên một đứa trẻ hay không? Mỗi đứa trẻ có một biểu đồ phát triển khác nhau, một hoàn cảnh ra đời của riêng mình, thì hoàn toàn sẽ khác nhau, biện pháp này dùng trên đứa trẻ này thì được, nhưng trên một đứa trẻ khác thì nó phản tác dụng. Chính vì những lý do đó, mà tất cả các trường sư phạm, đào tạo ra thầy cô giáo, những người trực tiếp đứng trên bục giảng phải trải qua học phần tâm lý học, là học phần quan trọng nhất.
Tuy nhiên, thầy cô cũng là con người, nên chăng có một số thầy cô đặt cảm xúc, đặt tư tưởng quan điểm của mình một cách cứng nhắc, mà quên rằng điều đầu tiên phải cần trao cho một đứa trẻ là tình yêu thương, cái tình cảm đó, như là một người cha, người mẹ của chúng. Đừng vì những thành tích cá nhân, những quan điểm chưa phù hợp với xu thế thời đại mà quát mắng, la hét, xúc phạm tinh thần và thể chất của một đứa trẻ. Sự giáo dục mang tính bắt buộc đều mang lại những hậu quả đáng tiếc, sử dụng ngôn ngữ bạo lực, thể chất bạo lực, thì sau này lớn lên trẻ cũng sẽ bắt chước để giải quyết vấn đề giải quyết mâu thuẫn. Tuy nhiên, với một thái độ, ôn hòa, thấu hiểu, cảm thông thì đứa trẻ sẽ lĩnh hội trong tâm thức của mình, và người lớn chính là tấm gương phản chiếu trên đó.
“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”
Chúng ta, vẫn thường thắc mắc, từng lo sợ, tại sao thế hệ trẻ ngày nay, gặp vấn đề bé xíu trong tình bạn, cũng không dễ dàng tha thứ cho nhau, mà nhất định hơn thua, và đấu tố nhau bằng tất cả các hình thức trên các trang mạng xã hội, cũng như ngoài đời thường. Bởi thật sự, ngay từ bậc học đầu tiên, bậc học nhỏ nhất, các cô giáo vẫn đinh ninh cho rằng, bắt buộc, cưỡng chế, rèn luyện nề nếp đều phải mạnh tay, như vụ bạo hành ở Trường Mầm non Bi Bo ở Thủ Đức. Thực sự, nếu không bị phát hiện, chắc cô vẫn cho rằng cô đang đúng, cô vì muốn dạy cho trẻ tự ăn mà làm như vậy, tư tưởng và kiến thức của cô không hề thông, không hề được tiếp nhận điều một đứa trẻ cần có là gì. Vài năm sau, khi đứa trẻ lớn lên, đứa trẻ sẽ chuyển từ tâm thức đó, nếu muốn thực hiện một hành vi cho một đứa trẻ khác ăn. Cho nên, mới thấy rằng hậu quả của một đứa trẻ suốt ngày, bị la mắng, ép buộc nó vô cùng to lớn, bởi chúng cảm nhận rằng chúng không hề được tôn trọng, chúng không xác định được rằng bản thân mình vô cùng quý giá. Tại sao, là cha mẹ, là thầy cô giáo, chúng ta luôn lấy quan điểm của mình để tạo áp đặt cho trẻ, áp đặt lên chính công việc của mình. Bài giảng của chúng ta chưa được trẻ chú ý, cách làm việc của chúng ta chưa được trẻ hưởng ứng, thì chúng ta phải xem lại, cách làm việc của mình đúng chưa, đủ phương pháp, nắm bắt được tâm lý của người học chưa: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, trước khi trách trẻ, chúng ta phải xem lại mình. Sẽ không tránh khỏi có những lúc trẻ tỏ ra xấc xược, hành vi sai lệch quá đáng. Trong những trường hợp như vậy, người lớn cần giữ bình tĩnh, đồng thời tìm hiểu nguyên nhân sâu xa để đưa ra biện pháp răn dạy thích hợp nhất. Nhẹ nhàng nhưng cứng rắn, trong nhu có cương, trong cương có nhu, nhưng vẫn cần nhất cho trẻ hiểu đây chính là vì chính bản thân con, là sự yêu thương của thầy cô, cha mẹ dành cho con.
Có nhiều bậc cha mẹ, suốt ngày không rời được chiếc điện thoại, nhưng la hét con mình phải đọc sách, hoặc cha mẹ chưa bao giờ ngồi tâm sự trò chuyện với con, bảo con hãy ngừng chơi game, hoặc có cha mẹ bận việc đến nỗi chưa ăn với con mình bữa cơm, bảo con mình thôi đừng ăn gà rán, hoặc cha mẹ ra hàng xóm, chưa bao giờ biết chào hỏi ai, bảo con mình vui vẻ thân thiện với mọi người. Rồi đến vai trò thầy cô, thương học trò này, bỏ bê học trò kia, dành sự quan tâm quá mức với học sinh tốt, bỏ bê chán ghét kỳ thị đứa học sinh cá biệt. Có tư tưởng đó, chúng ta đâu thể nào nhận được tiếng chào kính cẩn của đứa học trò, của phụ huynh học sinh. Không phải vấn đề này nói ra, để chúng ta sẽ bỏ mặc học trò, bởi vì các thầy cô sẽ nói, không phạt, không la, không rầy thì làm sao dạy, thôi thì bây giờ xã hội, phụ huynh ý kiến nhiều quá, thì “sống chết mặc bay”, muốn ra sao thì ra, chỉ cần làm hết nhiệm vụ, xong công việc làm công ăn lương, lo đóng học phí, lo cơm áo gạo tiền là xong trách nhiệm, nhưng thầy cô cũng như cha mẹ cần nghĩ lại cần xem lại, con trẻ bây giờ thiếu hụt quá nhiều sự tương tác giáo dục từ gia đình, cha mẹ thì chịu nhiều áp lực về kinh tế, về mưu sinh, thầy cô thì quá nhiều những yêu cầu về trình độ nâng chuẩn, về thành tích, âu cũng là mưu cầu những giá trị riêng tư cho bản thân. Đó chính là nhu cầu chính đáng, nhưng riêng với ngành nghề giáo dục thì khác, chúng ta cần phải vừa lao động, vừa nghiên cứu, vừa thấu cảm tâm lý trẻ em hiện nay, sức ảnh hưởng của hoàn cảnh xã hội hiện nay.
Nhà giáo Hồ Xuân Đà
Bình luận (0)