Mùa nào thức nấy và có lẽ chỉ mùa mưa mới khiến cho những nguyên liệu như cá sông, rau rừng, nấm… trở thành đặc sản trong bữa cơm của gia đình Việt.
Ngon như nấm mọc sau mưa
Không quý giá như nấm linh chi có thành phần chữa bệnh, cũng không phải nấm rơm, nấm mỡ có thể trồng trong nhà, mỗi năm vào thời điểm sau vài trận mưa, người ta lại hồi hộp chờ đợi những cây nấm mối mũm mĩm để mua về làm bữa ăn cải thiện cho gia đình.
Chị Minh Thư (Q.2, TP.HCM) chia sẻ: “Hồi còn ở quê vào mùa này chị em tôi thường ra vườn hái nấm. Từ ngày lên Sài Gòn, lâu lâu mới được mẹ ở quê gửi cho ít nấm để ăn đỡ thèm. Nấm mối làm được nhiều món, nấu cháo, chiên bánh xèo, hay đơn giản là xào với chút gia vị, thêm tí tiêu hành là đủ ngon rồi. Hôm nào siêng hơn thì có thể cuộn giấy bạc nướng lên ăn cũng tuyệt vời”.
Nhiều người ví nấm mối như lộc của trời cũng đúng vì không theo ý muốn của chủ vườn, ở đâu đất tốt, đất sạch thì nấm tự mọc lên. Nấm mối được chia làm 2 loại là nấm mối miền Đông và nấm ở miền Tây. Nấm miền Đông thường được thu mua từ khu vực Đồng Nai, Bình Phước… giá bán từ 450.000 – 600.000 đồng/kg.
Tiếng là nấm miền Tây nhưng chủ yếu là đưa lên từ Bến Tre, những cây nấm có thân nhỏ hơn nhưng có vị ngọt hơn nên giá cũng cao hơn gấp đôi nấm miền Đông mà nhiều khi không có hàng. Để kéo dài mùa nấm mối, người tiêu dùng mua vài ký, sơ chế sạch sẽ rồi chia thành nhiều phần nhỏ cho vào ngăn đông của tủ lạnh dùng dần.
Một loại nấm cũng chỉ vào những cơn mưa tháng 5, tháng 6 mới có là nấm tràm. Nổi tiếng nhất là nấm tràm Huế và nấm tràm Phú Quốc. Nấm có thân tròn, màu hơi tim tím là món ăn lạ miệng mà nhiều người Sài Gòn ưa thích. Vào mùa nấm rộ, nhiều người mua nấm về sơ chế, phơi khô để dùng dần.
Nấm thường mọc cạnh suối hoặc vùng đất tơi xốp cạnh những cây tràm. Có thể do nấm mọc cạnh loại cây này mà có tinh dầu nên hơn nhân nhẫn đắng nhưng không vì thế mà người ta “chê”. Nhiều người vẫn có cách chế biến món nấm đặc sản này thành món ăn. Nấm tươi rửa sạch, ngâm với tí muối cho bớt tinh dầu rồi luộc sơ trên bếp để bớt vị đắng. Nấm thường được xào cho thấm gia vị sau đó mới thêm vào các nguyên liệu để thành món ăn. Người ta thường nấu nấm tràm với rau lang thành canh nấm hoặc nấu cháo, xào với tôm thịt… cho đỡ ngán.
|
Người khôn ăn rau dại
Vào mùa mưa, những loại rau dại cũng theo con nước mà tươi xanh mơn mởn. Tại khu vực chợ Hồ Thị Kỷ, chợ Bến Thành, chợ Tân Định… bắt đầu xuất hiện những quầy rau dại mà chỉ mùa này mới có.
Rau cỏ năng xanh um mảnh dẻ chấm với mắm kho, ăn hoài không chán. Rau đắng đất mùa này cũng được cơn mưa pha loãng bớt vị đắng mà tươi non, giòn hơn, ngọt hậu dễ ăn hơn nhiều.
Rau đọt choại có quanh năm nhưng thời điểm này được nhiều người đánh giá là lúc rau ngon và giòn hơn cả. Cũng không hiếm mấy nhưng không có nhiều, những bó cải trời nho nhỏ đem về xào tỏi hay nấu canh rau tập tàng khiến thực đơn của gia đình thêm phong phú và hấp dẫn. Rau dại bán theo từng mớ, mỗi bó từ 15.000 – 50.000 đồng/mớ tùy theo độ lớn nhỏ.
Vừa là bài thuốc, vừa là món ăn, rau khổ qua rừng vào thời điểm này được chuyển về nhiều hơn so với mùa khô. So với thời điểm trước, rau khổ qua rừng mùa này non hơn, lá nhạt và mảnh, không có lá già. Không chỉ có lá, ngọn, thỉnh thoảng lẫn trong mớ rau có thêm quả khổ qua nhỏ, luộc chấm mắm, nấu canh tôm nõn hay nấu canh lá thác lác đều ngon.
Chị Ngọc Linh (Q.3, TP.HCM) chia sẻ: “Mùa này tôi thích ăn rau rừng Đắk Lắk. Những loại cây mọc theo luống ở trong vườn lá thẫm xanh, thân tím. Rau thường được đem xào tỏi, hoặc luộc chấm mắm cua, mắm cáy khi ăn vị hơi chua chua the the, mùa mưa ăn rau rừng luộc chấm mắm kèm cơm trắng ngon không gì bằng”. Rau rừng giá bán 150.000 đồng/kg.
Nguyên Trang (TNO)
Bình luận (0)