Trong thời hiện đại, mụn trứng cá không phải là vấn đề hiếm đối với làn da của mỗi người, thậm chí đó còn là sự rắc rối gây ra sự khó chịu và mất đi sự tự tin ở nhiều người mỗi lần nghĩ đến khuôn mặt đầy mụn đen của mình. Thực tế, có tới 8/10 người từng có trải nghiệm tồi tệ với mụn trứng cá.
Sau đây là những nguyên nhân chính có nguy cơ gây ra bệnh mụn trứng cá mà nhiều người đang làm hàng ngày, không chỉ khiến cho việc sinh ra nhiều mụn, mà còn rất khó để điều trị mụn triệt để.
Những yếu tố liên quan đến triệu chứng phát sinh mụn
1. Ăn quá nhiều thức ăn chứa đường và dầu mỡ
Ba mươi năm trước, trong căn bếp của mỗi gia đình thường không có nhiều dầu mỡ, ra ngoài cũng không dễ dàng mua được thực phẩm nhiều dầu mỡ để ăn. Nhưng ngày nay, không chỉ ở trong bếp, mà ngoài đường phố cũng xuất hiện đầy những món chiên rán và đa dạng các món ăn nhẹ, món ăn đường phố chứa dầu mỡ.
Bên cạnh đó, chế độ ăn uống nhiều đường, nhiều muối mà nhiều người vẫn vô tư ăn hàng ngày đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiết bã nhờn, từ đó càng tiết ra nhiều dầu, dẫn đến các nang lông bị tắc, rất dễ bị nổi mụn.
Một làn da nổi mụn ít nhiều đều liên quan đến chế độ ăn nhiều dầu mỡ, đó là gợi ý đầu tiên mà bạn nên cẩn thận.
Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý, mụn nhiều thường là do bị "nóng trong", nên nếu bạn ăn uống không điều độ và thường ăn các thức ăn cay nóng thì cũng sẽ bị nóng và nổi mụn.
2. Thức khuya quá nhiều
Trước đây, do đặc thù công việc mà mọi người thường đi ngủ sớm hơn so với ngày nay vì họ lao động chân tay nhiều hơn và họ gần như ngủ thiếp đi một cách ngon lành mỗi khi đêm đến.
Trong khi đó, hầu hết những người hiện đại đều "giỏi" thức khuya: theo đuổi một trò chơi nào đó, vào mạng xã hội, xem phim, gấp rút hoàn thành các công việc, v.v. Những điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiết ra các yếu tố miễn dịch và các yếu tố sửa chữa của cơ thể.
Những người thường xuyên thức khuya thường dễ bị mụn trứng cá và có những khó chịu khác về mặt sức khỏe, lâu dần sẽ làm cho cơ thể nảy sinh nhiều vấn đề.
3. Chăm sóc da không đúng cách
Hiện nay có quá nhiều cách chăm sóc da và mỗi người lại đang lựa chọn cho mình một cách chăm sóc khác nhau. Mặc dù mỹ phẩm vô cùng đa dạng với đầy đủ các chủng loại nhưng nhiều người không hẳn đã biết chăm sóc da đúng cách.
Không ít người lựa chọn sai chủng loại mỹ phẩm khiến cho da bị nổi mụn và tái phát nhiều lần. Cũng có người chăm sóc da không đúng cách, tùy tiện hoặc cẩu thả cũng có thể khiến cho bạn có làn da không được như ý.
Đặc biệt, một số sản phẩm mỹ phẩm có vấn đề với vi khuẩn và một số thành phần vượt quá tiêu chuẩn, đã bị phơi nhiễm nhiều lần cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra mụn trứng cá, các bệnh về da.
Tùy tiện hoặc cẩu thả khi chăm sóc da cũng có thể khiến cho bạn có làn da không được như ý.
4. Thiếu vận động, tập thể dục
Tập thể dục có thể làm tăng tốc độ trao đổi chất của cơ thể. Nhưng đáng tiếc là trong xã hội hiện nay, hầu hết mọi người bận rộn với công việc vào ban ngày, họ chỉ muốn nghỉ ngơi và thư giãn sau khi làm việc, vì vậy họ thiếu đi những hoạt động thể dục thể thao trong ngày, giảm hoặc không thực hiện đủ số lượng bài tập mà cơ thể xứng đáng được thực hiện.
Việc không vận động đủ sẽ khiến cho cơ thể chuyển hóa chậm hơn, điều này có nghĩa là chức năng giải độc của da cũng bị suy yếu, và mụn trứng cá, mụn đầu đen và nhiều vấn đề về da sẽ tự nhiên đến "gõ cửa" hỏi thăm bạn.
5. Ô nhiễm môi trường
Bụi hạt trong không khí không chỉ gây hại cho phổi của con người mà còn gây ra những tổn hại nhất định cho làn da. Những hạt bụi này dễ dàng xâm nhập vào lỗ chân lông và nếu chúng không được làm sạch sâu, chúng có thể dễ dàng ăn sâu vào gốc lỗ chân lông và gây ra mụn đầu đen trong thời gian dài.
Bức xạ trong các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại và các dụng cụ khác cũng khiến con người sản xuất ra nhiều dầu hơn, có thể dẫn đến mụn trứng cá.
Trong số các yếu tố gây ra mụn trứng cá, có một số yếu tố bên ngoài khó kiểm soát, nhưng có một số yếu tố bên trong có thể tự điều chỉnh. Do đó, nếu muốn có làn da sạch sẽ, không còn mụn, bạn cần phải thay đổi từ ngay lối sống của chính mình trong sinh hoạt hàng ngày.
5 việc bạn nên làm thường xuyên để chăm sóc da, loại bỏ mụn trứng cá
1. Đảm bảo làm sạch da hàng ngày, uống nhiều nước
Rửa mặt thật sạch sẽ vào buổi tối có thể loại bỏ vi khuẩn và khói bụi bám trên da của bạn, rửa mặt vào buổi sáng có thể làm sạch dầu dư thừa trên mặt.
Có nhiều cách để làm sạch da mặt, bạn có thể chọn lựa cách phù hợp nhất với làn da của mình, làm sạch các lỗ chân lông mà không phá vỡ cân bằng tỉ lệ nước-dầu trên da.
Bạn nên tìm hiểu cách sử dụng dầu tẩy trang vào mỗi buổi tối, cho dù là nam giới hay phụ nữ và không trang điểm, nhưng dầu tẩy trang sẽ giúp lấy đi các bụi bẩn và dầu thừa trên da và có tác dụng massage cho da mặt để lưu thông máu. Bạn cũng cần dưỡng ẩm cho da và uống đủ nước, vì khi da thiếu nước sẽ càng tăng tiết dầu nhờn gây bít tắc lỗ chân lông.
2. Ăn ít thực phẩm "đậm vị"
Như đã đề cập ở trên, những thực phẩm nhiều dầu, nhiều đường và cay thường có tác dụng hoặc ảnh hưởng xấu nhất định đối với da, vì vậy chế độ ăn nhẹ hơn có thể làm giảm sự xuất hiện của mụn trứng cá. Nếu có ăn đồ ăn nóng, sau đó bạn nên tìm cách bổ sung các thực phẩm mát, uống trà thải độc, giải nhiệt cơ thể, tránh bị "nóng trong" gây mụn.
3. Tập thể dục tối thiểu 3-4 lần một tuần
Tập thể dục đơn giản có thể giúp cơ thể tăng tốc độ trao đổi chất và giúp da mở lỗ chân lông để "thở" tốt hơn, mồ hôi toát ra cũng giúp thải độc cơ thể. Khi làn da của chúng ta được thở tự do thì tự nhiên sẽ có ít mụn hơn, sạch sẽ và láng mịn hơn.
4. Đừng thức khuya
Đi ngủ sớm có thể giúp các cơ quan nội tạng và da được "giải độc" và điều hòa nội tiết một cách tối ưu. Ngủ đủ giấc và ngủ sớm dậy sớm là thói quen giúp bạn thấy rằng làn da của bạn sẽ ngày càng trở nên tươi sáng hơn, sạch mụn hơn.
5. Đeo khẩu trang khi đi đường, thường xuyên rửa tay, tránh sờ tay lên mặt
Với không khí ô nhiễm hiện nay, bạn cần luôn đeo khẩu trang khi đi đường, đến nơi cần rửa tay thật sạch và nếu có thể thì lau rửa mặt. Tránh sờ tay lên mặt và không nặn mụn sẽ có thể gây nhiễm trùng da, lan mụn ra chỗ khác và để lại sẹo.
NT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)