Từ thực tiễn quản lý và sử dụng đất trong thời gian qua trên địa bàn TP.HCM cho thấy việc xây dựng thể chế tháo gỡ vướng mắc, khó khăn rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Luật Đất đai 2024 đã được thông qua và có hiệu lực vào ngày 1-1-2025. Điều này góp phần cho TP.HCM nâng cao công tác quản lý, khai thác hiệu quả nguồn đất công hạn hẹp.
Với nguồn đất công hạn hẹp, TP.HCM cần giải pháp sử dụng đất hiệu quả
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, TP có 3 loại đất: nông nghiệp, phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng. Trong đó, đất nông nghiệp có 111.729,6ha (chiếm 53,32% diện tích đất tự nhiên), đất phi nông nghiệp – 96.779,1ha, tăng 58ha so với kết quả thống kê đất đai năm 2021 (chiếm 46,19% diện tích đất tự nhiên) và đất chưa sử dụng – 1.030,7ha (chiếm 0,49% diện tích đất tự nhiên).
Kết quả thống kê đất đai 3 năm 2021, 2022, 2023 cho thấy, biến động đất đai ở TP diễn ra theo xu hướng giảm diện tích đất nông nghiệp, tăng diện tích đất phi nông nghiệp. Đất nông nghiệp có chuyển dịch sang phi nông nghiệp và đất loại khác; tốc độ đô thị hóa ở các vùng nông thôn diễn ra nhanh, tăng quy mô, diện tích so với các vùng nội thành.
Đất ít nhưng sử dụng chưa hiệu quả
Tại Hội thảo khoa học “Quản lý đất đai trên địa bàn TP.HCM: Thực trạng và giải pháp” nhằm góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16-6-2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Luật Đất đai 2024, do Thành ủy TP.HCM phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức; ông Phùng Quốc Hiển – nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội – cho rằng, TP.HCM đang đứng trước thách thức lớn trong quản lý, sử dụng đất. TP đang mất cân đối nguồn đất như thiếu đất giao thông, nhà ở, y tế, giáo dục, đặc biệt là công nghiệp hiện đại. Thiếu đất dành cho công nghiệp ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư, nhất là các dự án FDI. Chưa kể, giá đất ở TP.HCM tăng quá cao so với các tỉnh lân cận, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, việc xác nhận quyền sở hữu đất đai cho người dân, doanh nghiệp là quan trọng. Khi xác định đầy đủ, minh bạch quyền sở hữu thì kinh doanh sẽ thông thoáng, tuy nhiên việc xác định giá đất lại rất chậm. Ngoài ra, TP vẫn còn nhiều dự án triển khai chưa đúng tiến độ, việc thu hồi rất khó khăn do liên quan đến tài chính…
Theo ông Hiển, TP cần sử dụng công cụ kiểm kê, phân loại sử dụng đất, từ đó rà soát lại quy hoạch đô thị; chú ý việc sử dụng đất phù hợp với sự phát triển, tầm nhìn của TP. Tập trung giải quyết dứt điểm tính pháp lý cho người dân, doanh nghiệp về quyền sử dụng đất, đảm bảo lợi ích hài hòa đôi bên. Kiên quyết xử lý đất đai sử dụng chưa hiệu quả.
Bà Phạm Phương Thảo – nguyên Chủ tịch HĐND TP – cho rằng, thời gian qua việc phát huy nguồn lực đất đai cho sự phát triển của đất nước là rất lớn. Tuy nhiên, công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, thiếu sót vì quy định của hàng trăm văn bản liên quan và cả sự chồng chéo của pháp luật. Mặt khác, việc quy hoạch thiếu đồng bộ, minh bạch; giá đất không theo kịp giá thị trường; giao dịch ảo là phổ biến gây ảnh hưởng đến nguồn thu. Tại TP.HCM, nhiều dự án lớn chậm triển khai, bị treo; dự án đất dành cho giao thông, giáo dục, y tế, thể thao, cây xanh chưa hợp lý. Công tác quản lý chưa phù hợp, ngay cả quản lý đất Trung ương trên địa bàn TP cũng chưa tốt.
Để quản lý đất đai trên địa bàn được hiệu quả hơn trong thời gian tới, bà Thảo kiến nghị làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch. Trong đó, cần xây dựng tiêu chí, chỉ số đánh giá sử dụng đất; tăng cường quản lý đất theo hướng số hóa; phân cấp phân quyền tốt hơn nữa để nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng đất. Lưu ý dành đất cho giao thông, hạ tầng xã hội, cây xanh. Tập trung xây dựng hạ tầng giao thông gồm các đường Vành đai 2, 3, 4 để tạo sự thông thoáng cho cửa ngõ TP và có ưu tiên triển khai thực hiện mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông)…
Địa phương phải xây dựng bảng giá đất cụ thể
Luật Đất đai năm 2024 đã sửa đổi toàn diện Luật Đất đai năm 2013 nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương về “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – khẳng định, Luật Đất đai năm 2024 là luật của nhân dân với tinh thần nhấn mạnh đến bảo vệ quyền và lợi ích của người sử dụng đất. Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 là phân cấp, phân quyền xuống địa phương, nâng cao mức độ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Luật cũng chú trọng thể chế hóa các nghị quyết của Trung ương, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; mở rộng quyền, đối tượng sử dụng đất. Tuy nhiên, việc thi hành Luật Đất đai năm 2024 không phải là không có thách thức.
“Cơ quan Trung ương ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện và phải bám sát tinh thần của luật; đồng thời, rà soát các nghị định liên quan để thi hành luật. Đối với các cơ quan địa phương cũng phải ban hành văn bản hướng dẫn”, ông Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, quan điểm Luật Đất đai năm 2024 là giao quyền hoàn toàn cho địa phương, do đó không đợi các văn bản hướng dẫn mà ngay từ bây giờ, địa phương phải tổ chức hướng dẫn, chuẩn bị nhân lực, cách thức để triển khai luật; trong đó bao gồm tiến hành xây dựng bảng giá đất cụ thể, cơ sở dữ liệu, quy trình thực hiện, rà soát toàn bộ thủ tục quy trình…
Chỉ ra các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý đất đai cho TP.HCM, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh – Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP – cho rằng, cần tập trung xây dựng hoàn thiện thể chế liên quan đến Luật Đất đai 2024 cũng như tăng cường, khẩn trương triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Bên cạnh đó, khắc phục triệt để tình trạng lãng phí trong sử dụng đất công. Các cơ quan chức năng theo nhiệm vụ được giao phải đảm bảo chất lượng tiến độ và thời gian giải quyết hồ sơ đất đai. Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức thực thi luật. Tăng cường công tác thanh kiểm tra và xử lý vi phạm trong quản lý và sử dụng đất. Đặc biệt, để Luật Đất đai sớm đi vào cuộc sống cần tiếp tục sự đồng hành, chỉ đạo và phối hợp hỗ trợ của các cơ quan Trung ương từ việc hướng dẫn những nội dung liên quan đến xây dựng thể chế tháo gỡ vướng mắc những vụ việc cụ thể trong đầu tư, đầu tư công, thu hồi đất công đang bỏ hoang.
“Từ thực tiễn quản lý và sử dụng đất trong thời gian qua trên địa bàn TP cho thấy việc xây dựng thể chế rất quan trọng; góp phần cho TP trong việc khai thác hiệu quả nguồn đất công hạn hẹp”, bà Hạnh nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng – Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II – nhấn mạnh, các nghị định, thông tư chi tiết hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai 2024 sớm được ban hành sẽ là những cơ sở quan trọng hàng đầu nhằm triển khai các điểm mới trong luật.
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)