Việc phân bổ chỗ học các lớp đầu cấp năm học 2024-2025 theo “nơi ở thực tế” đặt ra yêu cầu lớn cho các địa phương ngày càng phải nâng cao chất lượng giáo dục để giữ chân học sinh địa phương mình không chuyển đến địa phương khác học.
Việc tuyển sinh đầu cấp theo nơi ở thực tế đòi hỏi các địa phương phải nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục để giữ chân học sinh trên địa bàn
Chấp nhận học trái tuyến xa để con được học 2 buổi/ngày
Nhà ở quận 12, hàng ngày vợ chồng anh Nguyễn Hồng Tú vẫn thay nhau đưa đón 2 con sang quận Gò Vấp để học. Dù quãng đường khá xa, các con phải dậy sớm nhưng anh Tú vẫn chấp nhận vì… con được học 2 buổi/ngày ở trường, có bán trú, thuận tiện cho ba mẹ đi làm cả ngày.
“Gia đình cả 2 vợ chồng cùng đi làm từ sáng đến tối mới về, mà trường gần nhà ở quận 12 thì lại không học 2 buổi/ngày, bé chỉ học buổi sáng là phải đón về nhà rồi. Như vậy, gia đình không thể đưa đón được, buộc phải đưa 2 con sang Gò Vấp học trái tuyến, chấp nhận đoạn đường khá xa…” – anh Tú chia sẻ.
Tương tự, dù ngụ ở quận 8 nhưng 2 năm nay chị Bình Minh vẫn chấp nhận đi xa để đăng ký cho con học tiểu học ở quận 1 vì trường có nhiều hoạt động đa dạng, cơ sở vật chất khá tốt, con được vui chơi, tham gia nhiều hoạt động rèn luyện kỹ năng, năng khiếu.
“Trước khi đăng ký cho con học ở quận 1 thì gia đình cũng đã tìm hiểu về môi trường giáo dục tại một số trường tiểu học ở quận 1. Gia đình chấp nhận cho con học trái tuyến, dù hơi xa và cũng khó khăn hơn nhưng bù lại con được thụ hưởng môi trường giáo dục tốt nhất…”.
Mong muốn cho con được học ở một môi trường giáo dục tốt về cả cơ sở vật chất, hoạt động giáo dục và công tác giảng dạy là nhu cầu chính đáng của mỗi phụ huynh học sinh. Vì vậy, vào mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp hàng năm, các địa phương, đặc biệt là các quận trung tâm luôn thu hút nhu cầu phụ huynh học sinh các địa phương khác đăng ký tuyển sinh trái tuyến, dẫn đến tình trạng nước chảy chỗ trũng và gây quá tải tại nhiều địa phương.
Năm học 2024-2025, TP.HCM điều chỉnh nguyên tắc tuyển sinh đầu cấp, chỉ áp dụng 1 tiêu chí chính là “nơi ở thực tế”, kết hợp bản đồ GIS để thực hiện phân bổ chỗ học cho học sinh, giúp học sinh được học trường gần nhà. Công tác tuyển sinh được thực hiện hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến, thống nhất trên trang tuyển sinh đầu cấp của thành phố và chung về khung thời gian trong 2 đợt tuyển sinh.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, công tác tuyển sinh như trên giúp lọc được tình trạng hồ sơ ảo của phụ huynh học sinh, học sinh học tập đúng tại địa phương, được học trường gần nhà. Đặc biệt, các điều chỉnh hướng đến việc từng địa phương phải nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục của địa phương mình để thu hút và giữ chân phụ huynh học sinh trên địa bàn ở lại học tập.
“Nâng cao tỷ lệ dạy học 2 buổi/ngày, đa dạng các hoạt động giáo dục, rèn luyện, tạo môi trường giáo dục mà các em đến trường không chỉ học kiến thức mà còn rèn luyện thêm nhiều kỹ năng… là cách để nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục, thu hút phụ huynh học sinh. Khi phụ huynh học sinh không còn phải xin học trái tuyến vì môi trường giáo dục ở đó tốt hơn nữa mà sẵn sàng ở lại với địa phương thì cũng giúp công tác tuyển sinh đầu cấp của từng địa phương bớt áp lực”.
Tuy nhiên, lãnh đạo sở cũng cho rằng, với riêng những trường hợp học sinh buộc phải học trái tuyến vì thuận lợi cho ba mẹ đi làm thì các địa phương lại phải tùy vào điều kiện tiếp nhận thực tế của trường học trên địa bàn để hỗ trợ phụ huynh…
Địa phương phân bổ chỗ học trái tuyến như thế nào?
Năm học 2023-2024, huyện Củ Chi là địa phương có tỷ lệ tuyển sinh các lớp đầu cấp “vượt” xa chỉ tiêu tuyển sinh ở cả 3 cấp học, mầm non, tiểu học và THCS. Trong đó, đạt 121,68% ở bậc mầm non; 119,04% ở bậc tiểu học và 101,25% bậc THCS. Điều này cho thấy, ngoài đảm bảo chỗ học cho học sinh trên địa bàn huyện, huyện còn thu hút một lượng lớn học sinh ở các địa phương khác sang học tập.
Năm học 2024-2025, UBND huyện Củ Chi quy định, chỉ giải quyết đối tượng học sinh ngoài danh sách đối với những trường hợp còn khả năng nhận và đảm bảo số học sinh trong một lớp không vượt điều lệ trường mầm non, tiểu học, THCS.
“Điều kiện ưu tiên chỉ áp dụng trong trường hợp trường học sinh xin học ngoài danh sách theo kế hoạch quy định gần nhà hoặc gần cơ quan của cha mẹ để thuận tiện cho việc đưa đón học sinh nộp hồ sơ ngoài danh sách theo kế hoạch quy định vẫn phải nộp hồ sơ xét tuyển theo danh sách thuộc địa bàn bình thường” – ông Nguyễn Huỳnh Long – Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện thông tin.
Năm học 2023-2024, quận 8 tuyển sinh bậc THCS cũng đạt 113,3%. Năm học 2024-2025, quận 8 phân bổ chỗ học cho học sinh các lớp đầu cấp trong đợt 2 tuyển sinh với các trường hợp sau: Học sinh đang học trên địa bàn quận 8 nhưng không có nơi ở thực tế trên địa bàn quận; Học sinh có nơi ở thực tế tại quận 8 nhưng không học ở quận 8; Trẻ không chấp nhận kết quả phân tuyến ở đợt 1.
Với điểm mới phân bổ chỗ học theo nơi ở hiện tại trong năm học 2024-2025, ông Dương Văn Dân – Trưởng phòng GD-ĐT quận 8 lưu ý phụ huynh phải hết sức cân nhắc việc từ chối không học tập tại trường mà địa phương đã ưu tiên phân bổ cho học sinh trong đợt 1. Nếu chấp nhận tuyển sinh trong đợt 2 thì có thể sẽ có rủi ro mà phụ huynh cần chấp nhận.
“Việc tuyển sinh trong đợt 2, tùy theo từng trường hợp cụ thể, ban chỉ đạo tuyển sinh đầu cấp sẽ giải quyết, để làm sao các em có chỗ học. Thế nhưng với những trường hợp này, phụ huynh phải hợp tác theo sự phân tuyến của phòng giáo dục” – ông Dân lưu ý.
Hoa Đỗ
Bình luận (0)