Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn có sự phối hợp của Bộ GD-ĐT trong việc đề xuất Chính phủ cho phép thí điểm thành lập các trường ĐH số như một số mô hình trên thế giới; qua đó, thúc đẩy một cách thực chất giáo dục số, giải quyết được bài toán thiếu nguồn nhân lực hiện nay.
TS. Phan Tâm (Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) phát biểu tại hội thảo
Đây là điều được TS. Phan Tâm (Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) đề xuất tại hội thảo quốc gia “Chuyển đổi số trong giáo dục mở thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập” do hai trường ĐH Mở TP.HCM và ĐH Mở Hà Nội đồng tổ chức.
“Bình dân hóa” việc đưa công nghệ số vào giáo dục
Thứ trưởng cho rằng giải pháp công nghệ là yếu tố giúp định hình trải nghiệm học tập, nâng cao chất lượng giáo dục. Nhưng công nghệ cũng luôn đi đôi với chi phí, nếu chi phí cao quá vô tình tạo ra rào cản cho việc tham gia học tập của đông đảo người dân. Theo Thứ trưởng, việc lựa chọn một giải pháp công nghệ không chỉ đơn thuần vấn đề công nghệ mà còn đúng nghĩa việc lựa chọn mô hình hoạt động hoàn toàn khác so với mô hình hoạt động truyền thống hiện nay. Ngay cả với những cơ sở giáo dục lớn, việc phát triển, lựa chọn những nền tảng công nghệ, giải pháp công nghệ để đưa hoạt động của mình lên môi trường số cũng không phải là thế mạnh.
Để tham gia giải quyết việc này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nghiên cứu và ban hành phiên bản đầu tiên về bản đồ công nghệ số trong giáo dục số. Bản đồ này phục vụ cho các nhà hoạch định chiến lược giáo dục, các nhà quản lý giáo dục, tổ chức giáo dục để có cách nhìn tổng quan hơn về sự phát triển ứng dụng công nghệ số trong hoạt động giáo dục.
“Bộ Thông tin và Truyền thông đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ GD-ĐT trong việc chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số đồng hành cùng hai bộ, cùng các cơ sở giáo dục để thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ số trong giáo dục; đặc biệt là các nền tảng giáo dục số để bình dân hóa việc đưa công nghệ số vào trong giáo dục với mức chi phí phù hợp và phù hợp với khả năng tiếp cận của đa số người dân” – Thứ trưởng cho biết.
Về việc nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục mở được triển khai với ứng dụng công nghệ số, Thứ trưởng cho hay, ngành thông tin và truyền thông sẽ tiếp tục thúc đẩy phổ cập hạ tầng số cũng như kỹ năng số. Đối với hạ tầng số, hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đã được Chính phủ phê duyệt, đã triển khai quy hoạch hạ tầng thông tin truyền thông với quan điểm hạ tầng thông tin truyền thông, hạ tầng số cho chuyển đổi số quốc gia mở ra không gian phát triển mới theo các phương thức mới cho kinh tế xã hội, trong đó có giáo dục đào tạo, các hoạt động học tập suốt đời.
Sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM trong ứng dụng chuyển đổi số học tập
Về đào tạo kỹ năng số, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phối hợp Bộ GD-ĐT và các bộ ngành khác để tham mưu Chính phủ ban hành Đề án 146 về nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia. Đề án xác định phổ cập kỹ năng số là chìa khóa để người dân được tiếp cận kiến thức, kỹ năng số, cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi số; mở ra cơ hội tiếp cận các dịch vụ số một cách bình đẳng, giúp xây dựng một xã hội số toàn diện. “Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp tốt hơn với Bộ GD-ĐT và các bộ ngành khác để thúc đẩy tổ chức thực hiện đầy đủ 5 nhiệm vụ và 3 nhóm giải pháp trực tiếp liên quan đến việc phổ cập kỹ năng số” – ông Tâm nói.
Đề xuất thí điểm thành lập trường ĐH số
Để thúc đẩy phát triển tài nguyên giáo dục mở, theo Thứ trưởng, việc đầu tiên cần làm là số hóa và mở dữ liệu. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ hơn của Bộ GD-ĐT trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách về dữ liệu; đặc biệt lưu ý vấn đề dữ liệu liên quan đến giáo dục. Cụ thể, cần những quy định về hình thức sử dụng dữ liệu, quyền tài sản dữ liệu, chính sách mua bán dữ liệu, trách nhiệm và nghĩa vụ của các đơn vị vận hành những nền tảng giáo dục số…
Đối với việc lựa chọn mô hình chuyển đổi số cho giáo dục, Thứ trưởng nhận định, thực tiễn hiện nay thế giới có nhiều mô hình chuyển đổi số; có thể là chuyển đổi số những trường ĐH truyền thống hoặc xây dựng những trường ĐH số hoàn toàn mới. Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã xây dựng và đề xuất khung kiến trúc công nghệ cho ĐH số, trong đó có các cấu phần cụ thể để các trường ĐH khi đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số có thể tham khảo. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số lớn tham gia phát triển những giải pháp hỗ trợ cho giáo dục trong đó có giáo dục số.
Về ứng dụng công nghệ số để nâng cao, đảm bảo chất lượng sư phạm, Thứ trưởng Phan Tâm nhận định dù bối cảnh nào, dù với công nghệ nào thì chất lượng sư phạm vẫn luôn đóng vai trò quan trọng nhất đối với hoạt động giáo dục. Do vậy, hoạt động đánh giá kiểm thử các nền tảng giáo dục số theo những yêu cầu về chất lượng sư phạm cần được quan tâm hơn nữa. Và hai bộ cần phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý để đánh giá kiểm thử các nền tảng giáo dục số cũng như các phần mềm giáo dục số nhằm đảm bảo mục tiêu sư phạm. Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn được đồng hành cùng Bộ GD-ĐT trong tổ chức đánh giá, công bố xếp hạng các cơ sở giáo dục đào tạo theo các chuẩn mực quốc tế; đặc biệt chú trọng các chuẩn mực về chuyển đổi số trong giáo dục. Điều này cần thiết để tạo ra sự minh bạch với người học, thúc đẩy các cơ sở giáo dục cạnh tranh đẩy mạnh chuyển đổi số và thu hút các nguồn lực xã hội để nâng tầm chất lượng sư phạm. |
“Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn có sự phối hợp của Bộ GD-ĐT trong việc đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm thành lập các trường ĐH số giống như một số mô hình trên thế giới. Qua đó, thúc đẩy một cách thực chất giáo dục số, giải quyết được bài toán thiếu nguồn nhân lực hiện nay” – ông Tâm đề xuất.
Để giáo dục mở, ĐH số thực sự đi vào cuộc sống, Thứ trưởng khẳng định thể chế là quan trọng và thể chế phải đi trước một bước để tạo không gian, nguồn lực cho phát triển. Nếu không có thể chế, chúng ta chỉ dừng lại ở mức độ kêu gọi, khuyến khích; như vậy rất khó để hiện thực hóa việc đổi mới căn bản – toàn diện giáo dục đào tạo.
Việt Ngân
Bình luận (0)