Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Lễ trao giải báo chí Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VIII năm 2024

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 245-2024, tại tỉnh Hậu Giang, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh Hậu Giang tổ chức lễ trao giải báo chí Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VIII năm 2024 với sự tài trợ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) Văn phòng Đại diện Agribank khu vực miền Nam.


Ông Đồng Văn Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu chào mừng

Giải báo chí Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được tổ chức thường niên kể từ năm 2016. Đối tượng tham gia là hội viên nhà báo, phóng viên công tác tại Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí khu vực đồng bằng sông Cửu Long và phóng viên thường trú tại các tỉnh, thành phố: Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và Cà Mau có tác phẩm phù hợp với thể lệ giải.


Nhà báo Phan Toàn Thắng – Trưởng ban tổ chức, báo cáo về công tác tổ chức giải

Sau 7 năm tổ chức, giải thưởng đã thu hút được nhiều nhà báo, phóng viên, cộng tác viên tham gia ở nhiều loại hình báo chí khác nhau và giải đang ngày càng được người làm báo và công chúng báo chí quan tâm, ủng hộ. Giải tổ chức nhằm góp phần nâng cao chất lượng và số lượng tác phẩm báo chí tuyên truyền và giới thiệu tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch cũng như phản ánh đời sống của người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long.


Đại diện Hội Tin học TP.Hồ Chí Minh trao tặng Hội Nhà báo tỉnh Hậu Giang bộ máy vi tính và máy in nhằm phục vụ  hoạt động của hội

Năm nay, Ban Tổ chức nhận được 350 tác phẩm dự giải với 4 loại hình báo chí. Hội đồng Sơ khảo chọn được 140 tác phẩm xuất sắc vào vòng chung khảo. Trong 140 tác phẩm xuất sắc, hội đồng chung khảo đã lựa chọn 22 tác phẩm đoạt giải, gồm: 2 giải nhất, 4 giải nhì, 6 giải ba và 10 giải khuyến khích.


Nhà báo Trần Trọng Dũng – Phó Chủ tịch Hội nhà báo VN và nhà báo Phan Toàn Thắng tặng hoa cho Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh, Hội An toàn giao thông Việt Nam 

Về thể loại báo in, báo điện tử có 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 5 giải khuyến khích. Giải nhất thuộc nhóm tác giả Lư Trung Dũng, Đỗ Hoàng Lam – Báo Bạc Liêu, với tác phậm loạt bài 4 kỳ “Nâng tầm” lúa thơm, tôm sạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long; 2 giải nhì thuộc nhóm tác giả: Nguyễn Thị Xuân Tươi, Đặng Thị Tuyết Hiền – Báo Vĩnh Long và tác giả Phan Thị Thu Thủy – Báo Hậu Giang.

Thể loại Phát thanh – Truyền hình có 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 5 giải khuyến khích. Nhóm tác giả Huỳnh Bá Phúc, Phạm Thị Mỹ Hằng – Đài Phát thanh Truyền hình An Giang đạt giải nhất, với tác phẩm: Phim tài liệu: “Xã lũ" vào ruộng đồng"; 2 giải nhì thuộc nhóm tác giả: Trịnh Hồng Nhi, Châu Ngọc Giàu, Danh Phạm Anh Tuấn – Đài Phát thanh Truyền hình Cà Mau và nhóm tác giả Tô Hồng Doãn Đan, Phạm Thành Phong, Lê Nguyễn Trọng Huỳnh, Đỗ Thị Hiền Vương, Nguyễn Văn Hiếu – Đài PT-TH Vĩnh Long.


Ban tổ chức trao giải cho tác giả, nhóm tác giả  đạt giải nhất thể loại truyền hình

Bà Đỗ Thị Thu Hằng – UVBTV, Trưởng Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo giải, cho biết: “Năm nay số lượng tác phẩm tham dự nhiều hơn năm ngoái; chất lượng nội dung được nâng lên rõ rệt với kết cấu logic, hợp lý… tạo hiệu ứng lan tỏa tác động tích cực lên mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội. Điểm mạnh của tác phẩm dự thi nhóm truyền hình là hình ảnh; đa phần cảnh quay tốt, góc quay sáng tạo, cảnh quay có ý nghĩa. Phần lớn kỹ thuật dựng phim trong các tác phẩm được làm tốt, phát huy hiệu quả của hình ảnh và nội dung. Tuy nhiên, có không ít tác phẩm không có "câu chuyện" – yếu tố quan trọng nhất của truyền hình. Ngoài ra, cách viết theo kiểu báo viết, phát thanh cũng chiếm tỷ lệ cao. Cách viết này nghe thì hay nhưng nó làm cho việc dựng hình bị nát, không còn ngôn ngữ hình ảnh. Ngoài ra, cách viết này khiến cho việc nhập đề bị dài dòng, đi ngược với cách làm truyền hình hiện đại. Mặt khác, vì thiếu câu chuyện nên nhịp điệu, tiết tấu của tác phẩm bị dàn đều, thiếu điểm nhấn.


Ban tổ chức trao giải cho tác giả, nhóm tác giả đạt giải nhất thể loại báo in, báo điện tử

Đa phần các tác phẩm của các địa phương về một chủ đề đều làm theo cách rất phổ thông, truyền thống, chưa đi sâu những tư liệu trực tiếp. Thậm chí viết về đề tài nông nghiệp của một đơn vị dự thi, dù xoay quanh nhiều nội dung khác nhau nhưng cách nhập đề cả về viết, hình ảnh, dựng teaser đều giống hệt nhau.

Nhìn chung, qua  các tác phẩm dự giải có thể thấy, báo chí đóng vai trò ngày càng quan trọng trong giải quyết các vấn đề cấp thiết của ĐBSCL, góp phần nâng cao nhận thức, cung cấp thông tin về tình hình môi trường, biến đổi khí hậu, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn và các vấn đề khác, giúp các nhà hoạch định chính sách kiến tạo lộ trình phát triển cho khu vực nói chung và từng địa phương nói riêng”.


Nhà báo Trần Trọng Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo VN phát động giải báo chí ĐBSCL lần thứ IX – năm 2025

Tiếp nối thành công của giải năm nay, Ban Tổ chức (BTC) phát động Giải báo chí ĐBSCL lần thứ IX – năm 2025 với 4 loại hình báo chí (báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình), với hy vọng giải tiếp tục được đội ngũ những người làm báo trong khu vực ĐBSCL tích cực tham gia, nâng tầm giải trở thành một thương hiệu có sức hấp dẫn, uy tín và lan tỏa sâu rộng, tạo sân chơi bổ ích không chỉ cho đội ngũ hội viên, nhà báo khu vực ĐBSCL mà còn cả những người làm báo trong cả nước.

Tại lễ trao giải, nhân Tháng hành động An toàn giao thông, Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo Hậu Giang phối hợp với Hội An toàn giao thông Việt Nam tặng 300 mũ bảo hiểm cho các em học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, ấp Thạnh Phú, xã Hỏa Lựu, TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang vào chiều ngày 23-5-2024. Hưởng ứng Tuần lễ Chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Mekong Delta 2024 do tỉnh Hậu Giang tổ chức (từ ngày 23 đến 24-5-2024). Hội Tin học TP.Hồ Chí Minh trao tặng Hội Nhà báo tỉnh Hậu Giang bộ máy vi tính và máy in nhằm phục vụ cho hoạt động của Hội.

Đan Phượng

Bình luận (0)