Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, Luật Nhà giáo đã được bàn thảo để xây dựng trong hơn 10 năm nay. Chỉ riêng hai năm qua, Bộ GD-ĐT đã tổ chức trên 100 hội nghị, hội thảo, tham vấn hơn 600 ngàn ý kiến góp ý cho dự luật. Thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp của dư luận để hoàn thiện luật trình Quốc hội.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu
Mới đây, Bộ GD-ĐT đã tổ chức tọa đàm với các cơ quan báo chí về dự án Luật Nhà giáo. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho hay, ý kiến của các phóng viên tập trung vào nhiều vấn đề như lương nhà giáo, chứng chỉ hành nghề, quản lý nhà giáo… Thứ trưởng đánh giá cao ý kiến đóng góp của các phóng viên và mong muốn báo chí sẽ tuyên truyền đồng thời tiếp tục có những đóng góp sâu hơn, cụ thể hơn cho dự luật.
Luật Nhà giáo được bàn thảo để xây dựng hơn 10 năm nay
Thứ trưởng khẳng định, Nhà nước rất quan tâm đến giáo dục, trong đó có đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và xác định đây là nhân tố quyết định tới chất lượng giáo dục. Luật Nhà giáo đã được bàn thảo để xây dựng trong hơn 10 năm nay. Riêng hai năm 2022 và 2023, Bộ GD-ĐT đã tổ chức trên 100 hội nghị, hội thảo tham vấn hơn 600 ngàn ý kiến của giáo viên, cán bộ quản lý, chuyên gia, nhà khoa học… để phục vụ phân tích, đánh giá, hoàn thiện các chính sách trong dự thảo Luật Nhà giáo và xây dựng dự thảo trình các cấp có thẩm quyền theo đúng quy trình.
Quá trình xây dựng đã tuân thủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là đánh giá tổng kết các văn bản quy phạm pháp luật để tìm ra những điểm nghẽn trên cơ sở đó đề xuất xây dựng những chính sách mới có khả thi; học tập kinh nghiệm quốc tế để xây dựng phù hợp điều kiện thực tiễn Việt Nam. Đồng thời, đánh giá tác động của các chính sách của luật khi được ban hành cũng như trong quá trình nghiên cứu; làm tốt công tác truyền thông trong xã hội, nhận thức đầy đủ về các chính sách để khi xây dựng và ban hành vừa tạo được sự đồng thuận vừa đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu đề ra.
Theo Thứ trưởng, đến thời điểm này, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất rất cao đối với những nội dung ở dự thảo Luật Nhà giáo. Đầu tiên là thống nhất với sự cần thiết phải ban hành Luật Nhà giáo; bởi chúng ta có quá nhiều văn bản (trên 200 văn bản), cần luật hóa để trở thành 1 bộ luật tác động đến đội ngũ nhà giáo. Thứ hai, thống nhất với quan điểm xây dựng luật; ngoài những nội dung bám sát quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước phù hợp thực tiễn Việt Nam thì có một quan điểm cốt lõi khi xây dựng luật này chính là phát triển đội ngũ nhà giáo. Thứ ba, chú ý đến lực lượng nhà giáo ngoài công lập… Thứ tư, thống nhất với 5 chính sách đã được thiết kế trong dự thảo Luật Nhà giáo gồm: Định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý Nhà nước về nhà giáo.
“Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo lắng nghe ý kiến đóng góp của dư luận để ban soạn thảo thảo luận, nghiên cứu cùng với các chuyên gia, nhà khoa học hoàn thiện luật trình Quốc hội” – Thứ trưởng cho biết.
Thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo
Được biết, dự thảo Luật Nhà giáo vừa được Bộ GD-ĐT công bố để lấy ý kiến rộng rãi dư luận xã hội vào ngày 13-5. Dự luật này điều chỉnh các vấn đề về nhà giáo nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất; tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề. Đồng thời, quy định một số chính sách mới để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo.
Theo Bộ GD-ĐT, Luật Nhà giáo quy định về đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo nhằm chuẩn hóa, nâng cao chất lượng nhà giáo. Điều này giúp nhà giáo phát triển chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tạo điều kiện cho nhà giáo tự do học thuật, phát triển chuyên môn liên tục. Dự thảo luật cũng đề xuất tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, tự chủ phải đảm bảo không ít hơn so với nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục công lập đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Bộ cho rằng, quy định nêu trên cùng với một số chế tài khác nhằm bảo đảm chế độ đãi ngộ công bằng và bảo vệ nhà giáo dù công tác tại các cơ sở giáo dục trong hay ngoài công lập. |
Bên cạnh đó, đảm bảo sự bình đẳng giữa nhà giáo công tác tại cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập. Xây dựng chính sách bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp, an sinh và môi trường làm việc. Chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, sự phát triển của giáo dục, khoa học, công nghệ trên thế giới để thực hiện một trong 3 đột phá chiến lược là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao – những công dân toàn cầu, phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Bộ GD-ĐT xác định việc đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành trong giai đoạn 2021-2025. Theo bộ, đã có nhiều luật về giáo dục được ban hành nhưng một luật dành cho nhà giáo vẫn là mong mỏi, dự định trong hàng chục năm qua. Với lực lượng hàng triệu người, với lao động mang tính đặc thù và giá trị nghề nghiệp được đo đếm bằng chất lượng con người phục vụ cho xây dựng và phát triển đất nước, một dự án luật riêng cho nhà giáo để thể chế với mục tiêu quan trọng nhất giúp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo là điều cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.
Bộ GD-ĐT cũng xác định đây là cơ hội để tiếp tục có cơ sở pháp lý cho việc phát triển đội ngũ nhà giáo nhưng đồng thời cũng là một thách thức đối với ngành. Luật Nhà giáo cần có đủ yếu tố mới, không phải chỉ quản lý nhà giáo mà là phát triển nhà giáo – một trong 3 mục tiêu đột phá chiến lược để phát triển đất nước.
Việt Ngân
Bình luận (0)