Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Người đi gieo hạt hòa bình

Tạp Chí Giáo Dục

Mũ nồi xanh Việt Nam – Người đi gieo hạt hòa bình viết về người lính Việt Nam tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan (do nhà báo Nam Kha chấp bút, qua lời kể của trung úy Nguyễn Sỹ Công), vừa được nhà xuất bản Kim Đồng cho ra mắt. – Người đi gieo hạt hòa bình viết về người lính Việt Nam tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan (do nhà báo Nam Kha chấp bút, qua lời kể của trung úy Nguyễn Sỹ Công), vừa được nhà xuất bản Kim Đồng cho ra mắt.

1. “Máy bay đã hạ cánh. Không giống với những gì tôi hình dung, thành phố không nhộn nhịp xe cộ, không có những tòa nhà cao, không có bãi biển xanh hay cánh rừng bát ngát. Thay vào đó là những ngôi làng với các lều tranh san sát nhau, quây thành từng cụm, xa xa có những đầm lầy rộng lớn, đồng cỏ khô…”. Đó là cảm nhận đầu tiên của trung úy Nguyễn Sỹ Công khi đặt chân đến Nam Sudan, được nhà báo Nam Kha ghi lại trong tập sách.

Qua lời kể của người lính làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan, bức tranh toàn cảnh về đất nước cách Việt Nam hơn 8.500km như được phác họa những gam màu trọn vẹn. Một quốc gia có lịch sử đặc biệt, cho đến giờ vẫn còn diễn ra xung đột. Phiến quân có vũ khí hiện diện khắp nơi, còn người dân thì triền miên sống trong cảnh nghèo khó, thiếu nước sạch; trẻ nhỏ thường xuyên phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng và bệnh tật… Nhưng Nam Sudan cũng là vùng đất của tình yêu thương không biên giới – nơi có Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc, với những người lính mũ nồi xanh từ nhiều quốc gia đã đến, cùng góp phần gìn giữ hòa bình, chữa bệnh cho người dân, trồng cây, dạy trẻ con học chữ…

Bìa sách là hình ảnh trung úy Nguyễn Sỹ Công bên bãi đáp trực thăng, bên trong khu căn cứ quân sự Compound - Nguồn ảnh: Nhà xuất bản Kim Đồng

Bìa sách là hình ảnh trung úy Nguyễn Sỹ Công bên bãi đáp trực thăng, bên trong khu căn cứ quân sự Compound. Nguồn ảnh: Nhà xuất bản Kim Đồng

Trung úy Nguyễn Sỹ Công kể với bạn đọc về nỗi ám ảnh chiến tranh của người dân ở Nam Sudan. Ngôi nhà của họ chỉ được xây tạm bợ bằng cây cỏ, trường học có thể đóng cửa một thời gian dài nếu xảy ra xung đột. Anh cũng chia sẻ những kỷ niệm tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại nói với thế giới về sự thiếu thốn đến đau lòng của trẻ em Nam Sudan: bé gái nhà nghèo không có dép mang, những đứa trẻ lần đầu được chạm tay vào viên nước đá đã nâng niu như ngọc. Chúng cũng chưa từng biết đến món sữa chua dầm trái cây nếu không có thức quà vặt người lính làm cho từ lương khô của quân nhân… Nhưng bọn trẻ vẫn hồn nhiên, vui vẻ và lúc nào cũng dành nhiều tình cảm cho những người lính gìn giữ hòa bình.

Ở Nam Sudan, sự sống và hòa bình đã là điều đẹp đẽ nhất.

Năm 2024 cũng là dấu mốc kỷ niệm 10 năm Việt Nam tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc. Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cử gần 800 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình theo 2 hình thức: cá nhân và đơn vị tại Phái bộ Nam Sudan, cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và trụ sở Liên hiệp quốc.
Trung úy Nguyễn Sỹ Công (quê Nghệ An) lên đường đến Nam Sudan vào tháng 4/2022 vào đúng lúc đại dịch COVID-19 bùng phát ở nơi này.

Tại đây, anh công tác tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4, tại căn cứ quân sự Juba Compound Bentiu. Ngày cuốn sách Mũ nồi xanh Việt Nam – Người đi gieo hạt hòa bình ra mắt, trung úy Nguyễn Sỹ Công chia sẻ tin vui: anh đã nhận được quyết định tiếp tục trở lại công tác tại Nam Sudan trong năm nay. Câu hỏi “Khi nào anh Công quay trở lại thăm tụi em?” của những đứa trẻ ở miền đất ấy dành cho anh ngày trở về, giờ đã có thể đáp lại.

2. Là người chấp bút, nhà báo Nam Kha – hiện công tác tại Báo Tuổi Trẻ – bày tỏ: “Với thế hệ của tôi và các bạn trẻ gen Z sinh ra và lớn lên khi đất nước đã qua rồi những cuộc chiến tranh ác liệt, cuộc sống đang phát triển và đi lên phồn thịnh, một câu hỏi lớn đặt ra: Hòa bình thật sự là gì? Liệu một người có thể hiểu và cảm nhận hết giá trị thiêng liêng cao quý của từ hòa bình khi họ chưa đi qua gian khổ của chiến tranh?”.

Bằng câu hỏi và tấm lòng của thế hệ mình, Nam Kha (cũng là tác giả của nhiều tựa sách dành cho tuổi teen) đã đi tìm câu trả lời. Anh bắt đầu bằng việc kết nối với trung úy Nguyễn Sỹ Công khi tình cờ xem được những đoạn clip chia sẻ về cuộc sống người dân cũng như nghĩa cử cao đẹp của lực lượng gìn giữ hòa bình mà anh Công ghi lại và chia sẻ trên mạng xã hội.

Cùng với nhân vật của mình, tác giả chấp bút đã nhận diện hòa bình ở rất nhiều khái niệm. Trung úy Nguyễn Sỹ Công bày tỏ trong sách: Khi nói đến hòa bình, nhiều bạn hẳn sẽ nghĩ đến điều gì đó rất lớn lao, chỉ những người nắm quyền lực, có vị thế cao nhất mới thực hiện được. Cách nghĩ này không sai nhưng chưa đủ, theo trải nghiệm cá nhân tôi, hòa bình còn bao gồm những điều rất nhỏ trong cuộc sống mà bất kỳ ai cũng có thể tạo nên bằng chính khả năng của mình. Nhà văn Thomas à Kempis từng viết: “Hòa bình thế giới phải phát triển từ hòa bình nội tâm. Hòa bình không chỉ đơn thuần là không có bạo lực. Tôi nghĩ, hòa bình là biểu hiện của lòng trắc ẩn của con người”.

Hòa bình còn là sự thấu hiểu và yêu thương, không phân biệt tầng lớp, màu da; là sự chân thành, sẻ chia, nhân hậu… Và như một gửi gắm của tác giả Nam Kha: “Nếu xem hòa bình là hạt giống thì nó nên được gieo vào lòng trẻ thơ – mảnh đất ấy rất dồi dào tình yêu thương và lòng bao dung”.

Những người lính mũ nồi xanh hiện diện ở Nam Sudan không chỉ để thực hiện nhiệm vụ quốc tế, góp phần gìn giữ hòa bình, giúp đỡ người dân mà còn là những người “gieo hạt hòa bình”, để một thế hệ trẻ thơ của Nam Sudan được lớn lên đủ đầy hơn, có được những ngày tháng bình yên dưới mái trường và đó cũng chính là thế hệ mai này sẽ cùng góp sức vực dậy đất nước, xây dựng Nam Sudan trở thành một quốc gia thịnh vượng.

Theo Lục Diệp/PNO

 

Bình luận (0)