Theo dự thảo phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh sau năm 2020 của Bộ GD-ĐT, sau năm 2020, Bộ này vẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia theo phương thức trắc nghiệm, làm bài trên giấy.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), trình bày dự kiến phương án thi sau năm 2020 với Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực. Ảnh Quý Hiên
Sáng nay 25.9, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực đã họp để góp ý về phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng sau năm 2020 mà Bộ GD-ĐT đã có dự kiến.
Tại cuộc họp, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), đã nêu phương án tổ chức thi từ năm 2021 trở đi, mà Bộ này dự kiến đề xuất Chính phủ.
Theo đó, từ 2021 trở đi, dự kiến học sinh hoàn thành chương trình lớp 12 nếu đáp ứng các quy định của Bộ GD-ĐT thì được hiệu trưởng trường THPT (hoặc giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên) cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT. Nếu em nào có nhu cầu dự thi để được cấp bằng tốt nghiệp THPT sẽ tham gia kỳ thi THPT quốc gia. Nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12.
Về phương thức, kỳ thi vẫn được tổ chức thi trên giấy như hiện nay. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi. Đối với phương thức tổ chức thi trên máy tính, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm tại các địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng theo quy định của Bộ GD-ĐT, kết quả của đợt thi nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và có thể được các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh (nếu có nhu cầu).
Theo ông Trinh, tính khả thi của hoạt động tổ chức thi trên máy tính đã được nghiên cứu và phát triển qua nhiều thập kỷ trên thế giới với các tổ chức khảo thí độc lập của các nước trên thế giới như ETs, ACT…. Đối với Việt Nam, thành công của mô hình thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và việc triển khai hoạt động đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam là những tiền đề khả thi cho phương thức tổ chức thi trên máy tính.
Về lộ trình triển khai, ông Trinh cho biết sẽ có 2 giai đoạn. Giai đoạn 2021 – 2025 cơ bản giữ ổn định như kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Thực hiện một số điều chỉnh cho phù hợp với thực tế phương thức tổ chức thi và đặc biệt là phương thức tổ chức thi trên máy tính.
Cụ thể, các bài thi bắt buộc toán, ngữ văn, ngoại ngữ được giữ ổn định như năm 2019. Cấu trúc lại các câu hỏi trong các bài thi tổ hợp tự chọn (KHTN và KHXH) theo chuẩn đầu ra của chương trình, chủ yếu là đánh giá kiến thức, kỹ năng và hướng tiếp cận đánh giá năng lực; giảm số lượng câu hỏi trong từng bài thi để trở thành bài thi tổng hợp, đồng thời từng bước hoàn thiện thành bài thi tích hợp phù hợp với lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Mỗi bài thi khi chấm chỉ cho ra 1 đầu điểm duy nhất, không còn 4 đầu điểm như hiện nay.
Việc giảm số câu hỏi trong các bài thi tổ hợp KHTN, KHXH và kết quả chấm thi chỉ đưa về một đầu điểm duy nhất đảm bảo mục đích cơ bản của kỳ thi là xét công nhận tốt nghiệp THPT (4 đầu điểm của bài thi tổ hợp hiện nay gồm: 3 đầu điểm cho 3 môn thi thành phần và 1 đầu điểm của cả bài thi).
Bộ GD-ĐT chỉ đạo chung gồm ban hành quy chế, ra đề thi, thanh kiểm tra, giám sát, chủ trì tổ chức chấm thi bài thi trắc nghiệm.
UBND các địa phương chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi tại địa phương mình (chỉ đạo Sở GDĐT chủ trì, phối hợp với các ban ngành hữu quan thực hiện các khâu in sao đề thi, coi thi, chấm thi bài thi tự luận (nếu có), phúc khảo và xét công nhận tốt nghiệp THPT).
Các cơ sở giáo dục đại học được Bộ điều động tham gia các khâu thanh tra, kiểm tra, giám sát các khâu trong quy trình tổ chức kỳ thi, tổ chức chấm thi và phúc khảo bài thi.
Ở giai đoạn tiếp theo (tức sau năm 2025), tiếp tục ổn định kỳ thi cho các học sinh học chương trình giáo dục phổ thông mới có nhu cầu dự thi để được cấp bằng tốt nghiệp THPT.
Những điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế và đặc biệt là hoàn thiện phương thức thi trên máy tính sẽ được Bộ GD-ĐT công bố trước 1 năm các nội dung cụ thể về phương thức tổ chức, nội dung thi, hình thức thi,… để phụ huynh và học sinh chủ động trong dạy học, ôn tập và chuẩn bị tham gia kỳ thi.
Theo Tuệ Nguyễn – Quý Hiên/TNO
Bình luận (0)