Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đồng hành cùng trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt – góc nhìn từ chuyên gia

Tạp Chí Giáo Dục

Đây là chủ đề buổi tọa đàm do hệ thống Trung tâm ATC (tư vấn giáo dục và trị liệu trẻ em có nhu cầu giáo dục đặc biệt) tổ chức ngày 2/6, nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập trung tâm.

Buổi tọa đàm thu hút nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục, y tế và phát triển cộng đồng tham dự. ThS. Trần Văn Dương (Sáng lập và điều hành hệ thống Trung tâm ATC) nhấn mạnh, trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, hệ thống Trung tâm ATC đã phát huy nguồn lực và cơ sở vật chất với 4 cơ sở. Nâng cao hoạt động đào tạo năng lực về kỹ năng tham vấn, kỹ năng làm việc cho đội ngũ giáo viên, nhân viên. Đặc biệt, đã tiếp nhận và tham vấn trị liệu cho hàng ngàn trẻ em có nhu cầu giáo dục đặc biệt.

ThS. Trần Văn Dương phát biểu tại tọa đàm

Theo ban tổ chức, hiện nay trên thế giới số lượng trẻ em và người lớn mắc chứng tự kỷ tiếp tục gia tăng tại mỗi quốc gia và trong mỗi chủng tộc, dân tộc và xã hội. Tại Việt Nam, hiện nay chưa có thống kê nào cụ thể về trẻ em bệnh tự kỷ, nhưng theo các chuyên gia sức khỏe, số lượng trẻ tự kỷ đang gia tăng qua từng năm. Ngoài ra, còn có nhiều trẻ em bị bệnh tự kỷ mà bản thân gia đình không biết nên còn nhiều trẻ chưa được khám bệnh và điều trị kịp thời. Do vậy, vấn đề trẻ tự kỷ ở nước ta là một vấn đề cần được quan tâm của gia đình và toàn xã hội. Từ thực tế đó, các chuyên gia đã chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và góc nhìn sâu sắc về cách tiếp cận và hỗ trợ trẻ em có nhu cầu đặc biệt, từ các khía cạnh về giáo dục đến y tế và tâm lý. Ngoài ra, các chuyên gia cũng nêu lên thực trạng hiện nay, những hạn chế trong việc khám, điều trị, phát hiện sớm để giúp trẻ hồi phục hòa nhập với cộng đồng. Những mô hình nuôi dạy trẻ tự kỷ hiện nay, những khó khăn về chế độ chính sách dành cho trẻ tự kỷ; tình trạng thiếu trường lớp, giáo viên chuyên biệt về tự kỷ để chăm sóc chữa trị cho trẻ đã làm hạn chế và có nguy cơ trẻ bị khuyết tật suốt đời, sẽ là gánh nặng cho gia đình cũng như xã hội…

Tiết mục văn nghệ do trẻ mắc chứng tự kỷ biểu diễn tại tọa đàm

Theo ThS. Trần Văn Dương, việc đồng hành cùng trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về nhu cầu và khả năng của từng cá nhân. Quan trọng nhất là chúng ta cần tạo ra một môi trường chấp nhận và hỗ trợ, nơi mà mỗi trẻ em đều được đánh giá và khuyến khích phát triển tối đa tiềm năng của mình.

T.Hải

 

Bình luận (0)