Châu Bùi chia sẻ: "Ai trong chúng ta cũng nên có điểm tựa thật vững chắc. Ngày nhỏ mình có điểm tựa là gia đình, là người bố vô cùng nghiêm khắc với yêu cầu sự tự lập cho 3 con, là người mẹ mang đầy suy tư và sự nhạy cảm. Lớn lên trong hoàn cảnh như vậy khiến 3 chị em mình rất “nam tính” trong công việc giống bố, nhưng đều nhạy cảm và suy nghĩ nhiều giống mẹ.
Những chia sẻ của Châu Bùi được nhiều bạn trẻ đồng cảm. Ảnh: FBNV
Trong tình yêu, bố dạy tuyệt đối không dựa dẫm, thay bằng đó hãy giúp người yêu, giúp chồng mình, nhưng mẹ thì luôn nói, con gái đừng thể hiện mình quá mạnh mẽ, đàn ông sợ!”
Châu Bùi mang những gì bố mẹ đã dạy để bắt đầu hành trình cuộc đời với sự tự tin tuyệt đối. Vậy nhưng cuối cùng, cô cho biết, bản thân vẫn mắc sai lầm, vẫn vấp ngã, tổn thương và lạc lõng, thèm khát sự thấu hiểu từ mọi người xung quanh.
"Rồi mình chợt nhận ra, bố mẹ có cố gắng dạy dỗ đến đâu, cũng không thể giúp mình tránh xa mọi thử thách cuộc đời. Mình bắt đầu hành trình “tự ngã” với phương châm “tự làm tự chịu!".
Có những thời gian, mình sợ về nhà, vì sợ bố mẹ lo, sợ bố mẹ thấy mình khóc… Bố mẹ luôn là lựa chọn cuối cùng để mình nói “con không ổn!”. Nhiều khi cũng sợ nói cho bạn nghe, vì chẳng biết bắt đầu từ đâu, sợ phiền và sợ phải giải thích. Từ đó, mình cũng có xu hướng giấu đi những chuyện buồn. Để rồi nhận ra rằng bất cứ nỗi niềm nào, thương tổn nào bị kìm nén quá lâu, cũng có thể trở thành những căn bệnh tâm lý", Châu viết.
Châu Bùi chiêm nghiệm, những người bạn quanh mình, mỗi người sinh ra trong hoàn cảnh môi trường khác nhau, lại có xu hướng tính cách khác nhau, có cái khổ khác nhau và chẳng ai ít nỗi niềm hơn ai. Lúc đó cô mới biết, thực ra, dù là ai, dù là thế hệ nào, cũng chẳng có ai là "hoàn toàn sướng".
Từ việc nhìn mọi người xung quanh, cô nhận ra vấn đề của mình không phải là tận cùng thế giới. "Mình tin ngoài kia có rất nhiều người vượt qua cái khổ để sống tốt khoẻ, thì mình cũng có thể. Đó là khi mình biết tự “tựa” vào chính mình. Vì mình đã hiểu rằng, bố mẹ, bạn bè hay người yêu cố gắng vì ta đến đâu, thì họ cũng sẽ có sai sót, cũng có lúc không sẵn sàng. Chẳng ai có thể giúp mình mãi, mình phải giúp chính mình, mình phải là người hiểu mình nhất thì người khác mới có cơ hội để hiểu mình hơn", cô viết.
Chia sẻ của cô gái sinh năm 1997 Châu Bùi nhận được hơn 20 nghìn lượt tương tác "thả tim", yêu thích. Ảnh: FBNV
Từ chia sẻ của Châu Bùi, bạn Minh Anh Nguyễn cũng cho rằng, hoàn cảnh được dạy dỗ và trải nghiệm mỗi người đều khác nhau nên phải là "chính mình", tựa vào mình để đối mặt với những thứ riêng ấy.
"Người đời sẽ không vì bạn từng tổn thương hay bạn là nữ mà được đối xử nhẹ nhàng hơn. Nhiều người còn sử dụng vết thương đó như điểm nhược nữa. Người ta làm mình tổn thương nếu mình cho phép họ làm. Trong cuộc đời không cần những mối quan hệ hoàn hảo, chỉ cần nó vừa sức để mình và họ còn có thể bao dung", bạn Ngọc Tất Lê bày tỏ.
Nguyễn Yến Nhi chia sẻ: "Tựa vào chính mình, cực nhưng đáng lắm…"
"Tựa vào chính mình, mình hạnh phúc thì sẽ lan tỏa được hạnh phúc ấy đến với nhiều người một cách tự nhiên nhất", nickname Trít Trít viết.
Với Lê Hải Yến, cô bộc bạch: "Mình bước ra đời với một sự tích cực và tràn đầy sự tự tin, bởi mình nhìn lại cách mẹ dạy mình, cách mẹ tâm sự cùng mình, những lời nói mẹ nói, những hành động bố làm cho mình, mình thấy mình chẳng cần sợ hãi điều gì cả. Nhưng ra ngoài rồi mới thấy…".
"Ai cũng có một cuộc sống để sống, có những trải nghiệm và nỗi niềm khó nói riêng và điều cốt lõi là thứ chúng ta chiến đấu là với chính mình chứ không phải người khác. Nếu không giúp được ai, thì thôi, cũng đừng phán xét, đừng trách móc dù ở vai trò nào.
Hãy quay về chính mình, mình mới là cái mình cần soi chiếu, mình mới là cái mình có thể dựa vào, vì khi khổ không có ai khổ thay mình cả, khi vui cũng không ai vui hộ được. Mình vẫn sẽ chọn tử tế với người khác khi có thể nhưng không vì thế mà ôm hết "rác" vào người để mang bệnh tâm lý như lúc trước. Nếu không cùng tần số, thì dù có là ai, mình cũng chọn tránh xa. Vì ai cũng cần được sống khoẻ mạnh dù là thể chất hay tinh thần. Hãy để chính mình và người khác được "phát triển", bạn Tường Vy Lê bày tỏ.
Dịch vụ “chữa lành” đang nở rộ trong thời gian qua. Tuy nhiên, giữa lúc “vàng thau lẫn lộn”, có những trường hợp “chữa” nhưng không “lành”, thậm chí còn bị trầm trọng thêm vấn đề sức khỏe tinh thần; một số người trẻ rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” khi theo học các lớp đào tạo, khóa học chữa lành đang nở rộ. Theo Tiến sĩ Tâm lý học Giang Thiên Vũ, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, sau đại dịch COVID-19, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ tinh thần ở người trẻ nói riêng, người dân nói chung tăng đột biến. “Cách tốt nhất để tự chữa lành, mỗi bạn trẻ hãy tự trang bị cho bản thân những kỹ năng sống, kỹ năng mềm, và tinh tế hơn là năng lực cảm xúc – xã hội. Đây là những nguồn lực nội tâm quan trọng giúp củng cố khả năng phục hồi và tự thích ứng, đương đầu với các khó khăn trong cuộc sống”, TS Vũ nhấn mạnh. |
Theo Diệu Nhi/TPO
Bình luận (0)