Nhiều nhân chứng cho biết, các tay súng của lực lượng bán quân sự RSF Sudan đã tiến vào làng Wad al-Nour, bang Al-Jazira thuộc miền trung Sudan hôm 5/6.
Họ mô tả cảnh tượng khủng bố và tàn sát khi hơn 40 xe vũ trang xông vào ngôi làng, dùng vũ khí hạng nặng bắn người dân, khiến hàng trăm người thiệt mạng, trong đó có trẻ em và phụ nữ.
Nhân chứng cho biết, giao tranh vẫn đang diễn ra chỉ cách ngôi làng vài kilomet, khiến dân làng vô cùng lo sợ nguy cơ bạo lực sẽ leo thang thêm.
Một nhân chứng kể về nhiệm vụ nghiệt ngã khi phải đếm số người chết và bị thương. “Cho đến nay, chúng tôi đã chôn cất hơn 120 người trong ngôi mộ tập thể ở giữa làng”, ông cho biết.
Đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội hôm 5/6 cho thấy một đám đông lớn ở làng Wad Al-Noura vây quanh hàng chục thi thể phủ vải trắng, chuẩn bị cho việc chôn cất họ.
Một video khác cho thấy lực lượng RSF bắn vũ khí hạng nặng và hạng trung về phía ngôi làng.
Cả quân đội Sudan và RSF đều bị cáo buộc gây ra các vụ thảm sát dân sự từ khi nội chiến nổ ra vào tháng 4/2023.
RSF thừa nhận thực hiện vụ tấn công trong tuyên bố đưa ra ngày 5/6, cho biết đây là cuộc tấn công phủ đầu vào lực lượng vũ trang Sudan (SAF), các trại ở Wad Al-Noura để đáp trả kế hoạch tấn công của quân đội. RSF không thừa nhận thảm sát dân thường.
Tuy nhiên, các nhân chứng nói với CNN rằng không có sự hiện diện quân sự trong làng. Họ cho biết, quân đội Sudan điều hành một căn cứ quân sự cách Wad Al-Noura khoảng 30km về phía tây nam, nơi được cho là nguyên nhân có thể dẫn đến vụ tấn công.
Theo hãng thông tấn nhà nước SUNA, lãnh đạo SAF thề sẽ trả đũa sau khi đến thăm thành phố gần nơi xảy ra vụ tấn công.
Hàng nghìn người đã thiệt mạng từ khi giao tranh nổ ra giữa các lực lượng trung thành với hai tướng đối địch – tư lệnh quân đội Abdel Fattah al-Burhan, lãnh đạo SAF và tướng Mohamed Hamdan Dagalo, người đứng đầu RSF.
Từ khi cuộc xung đột bắt đầu, cả quân đội Sudan và RSF đều bị cáo buộc gây ra các vụ thảm sát dân sự.
Tháng 3 năm nay, các nhân chứng nói với CNN rằng hơn 700 người, trong đó có hàng chục trẻ em, bị RSF ép rời khỏi bang sau khi ra lệnh “nhập ngũ hoặc chết”. RSF bác bỏ cáo buộc này.
Ngày 6/6, một đại diện của Liên Hợp Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ bạo lực được báo cáo, kêu gọi điều tra kỹ lưỡng và trách nhiệm giải trình đối với những người phải chịu trách nhiệm.
Bình luận (0)