Dù còn mới lạ song xuất khẩu thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới trở thành tiềm năng giúp doanh nghiệp (DN) tăng doanh thu, mở rộng thị trường. Cộng đồng DN kỳ vọng sẽ trở thành những “cánh chim” đưa tinh hoa hàng Việt cất cánh toàn cầu. Tuy nhiên, để đạt được kỳ vọng đòi hỏi DN phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức, kỹ năng và chất lượng sản phẩm.
Thương mại điện tử xuyên biên giới là cơ hội để các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu
Cơ hội tốt để doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền – Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công thương – cho biết, thời gian qua, các DN Việt Nam đã tự tin vươn ra biển lớn, chinh phục thị trường toàn cầu nhờ TMĐT xuyên biên giới. Tại miền Nam, với lợi thế hạ tầng công nghệ thông tin có tính sẵn sàng cao, nguồn nhân lực TMĐT chất lượng, hạ tầng logistics tương đối phát triển, các DN có thể phát huy đa dạng hóa các mặt hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên thế giới, đặc biệt là sản phẩm gỗ nội thất, thủ công mỹ nghệ, dệt may, đồ gia dụng…
“Thị trường TMĐT toàn cầu được dự báo sẽ có những bước tăng trưởng mạnh mẽ với mức doanh thu dự kiến đạt 7,4 ngàn tỷ USD vào năm 2025. Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cùng với đó là việc triển khai thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang là xu hướng tất yếu giúp cho DN mở rộng thị trường xuất khẩu và tăng trưởng doanh số”, bà Huyền chia sẻ.
Chỉ ra các xu thế nổi bật, ông Trần Xuân Thủy – Giám đốc khu vực miền Nam Amazon Global Selling Việt Nam – đánh giá cao sự chủ động của các DN hiện nay trong việc mở rộng mô hình kinh doanh ra toàn cầu. Số lượng DN tham gia TMĐT xuyên biên giới ngày càng tăng và chất lượng sản phẩm cũng ấn tượng.
“Năm 2023, số lượng DN có doanh số trên 1 triệu USD gấp 10 lần so với 2019. Doanh số này có thể tăng 20-30 lần trong thời gian tới, phản ánh năng lực xuất khẩu ngày càng hiệu quả. Mặt khác, DN đã rất chủ động trong tận dụng nguồn lực và các nhà cung cấp dịch vụ xây dựng hệ sinh thái giúp họ thuận tiện trong kinh doanh xuất khẩu. Những xu thế này cần tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới”, ông Thủy nhấn mạnh.
Nhiều doanh nghiệp không biết xây dựng thương hiệu trên nền tảng trực tuyến
Bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được, ông Thủy cũng chỉ ra những hạn chế, khó khăn đối với DN khi tham gia TMĐT xuyên biên giới; trong đó tập trung vào gia công hàng hóa, tức làm theo đơn đặt hàng mà thiếu đi sự sáng tạo.
Đồng quan điểm, ông Phùng Quốc Mẫn – Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM – chia sẻ, mặc dù doanh số TMĐT nội thất và thủ công mỹ nghệ tăng trưởng vượt bậc nhưng mức độ tham gia xuất khẩu qua TMĐT của DN Việt Nam còn hạn chế và chủ yếu gia công theo đơn hàng và mẫu mã của các nhà phân phối nước ngoài. Mặt khác, đa số các DN có quy mô nhỏ, chưa đủ năng lực xây dựng thương hiệu; sức chống chịu kém trước các biến động của thị trường.
Ngoài ra, DN còn gặp nhiều khó khăn khi tham gia TMĐT xuyên biên giới do thiếu thông tin quy định thị trường sở tại; chưa có kỹ năng kinh doanh trên các sàn TMĐT; thiếu kiến thức về xây dựng chiến lược kinh doanh, thương hiệu và bảo vệ thương hiệu.
Ông Gijae Seong – Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam – cho biết, theo quan sát của Amazon, các DN Việt Nam có 2 nhóm. Nhóm đã thực hiện kinh doanh trực tuyến thì biết các kỹ năng, nắm bắt tốt xu hướng nhưng lại thiếu tầm nhìn, khả năng sáng tạo sản phẩm; nhóm còn lại chưa tham gia kinh doanh trực tuyến tuy có năng lực sản xuất nhưng lại không biết cách xây dựng thương hiệu trên nền tảng trực tuyến, không biết cách tận dụng công cụ giải pháp mà các sàn TMĐT cung cấp. Đây là những thách thức ảnh hưởng đến cơ hội cũng như nâng cao tính cạnh tranh sản phẩm trên thị trường TMĐT…
Quan tâm đào tạo nhân lực
Theo Cục TMĐT và Kinh tế số – Bộ Công thương, TMĐT Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát triển nhanh với tốc độ tăng trưởng trung bình 20% trong 10 năm qua, đưa TMĐT Việt Nam trở thành cấu phần quan trọng của nền kinh tế số. Đáng mừng, DN nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ đã tham gia sân chơi mới này thay vì các DN lớn, trong khi Việt Nam có đến 90% là DN vừa và nhỏ.
Ông Phan Văn Hiệu – Tổng Giám đốc CVI Pharma – nhấn mạnh, đây là thời điểm vàng để các DN tham gia sân chơi TMĐT xuyên biên giới, chinh phục thị trường quốc tế. Sân chơi mở cửa cho các DN, nhất là các DN chưa từng tham gia, DN có nhu cầu thay đổi mô hình kinh doanh, mở rộng thị trường.
Để thành công trên thị trường TMĐT xuyên biên giới, đưa được nhiều sản phẩm trong nước ra quốc tế, ông Hiệu cho rằng DN cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng kiến thức, năng lực kinh doanh, sản phẩm. Quan trọng nữa là tuân thủ pháp luật, xây dựng tư thế tham gia nghiêm túc, chuẩn hóa các vấn đề chứng nhận, thương hiệu để tránh rủi ro; đồng thời xây dựng kế hoạch dài hạn, chuẩn bị đủ nguồn lực để có thể đi đường dài…
Ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT, Cục TMĐT và Kinh tế số – cho rằng, đào tạo nhân lực số trong TMĐT là rất quan trọng. Để thành công trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, người đứng đầu DN phải có kế hoạch bài bản cho nhân viên tham gia các khóa đào tạo. Có như vậy mới thâm nhập thị trường tốt hơn, rộng hơn, sâu hơn. Mặt khác, hiện nay các cơ quan bộ ngành rất quan tâm TMĐT xuyên biên giới, quan tâm đào tạo nhân lực thì các DN có thể tận dụng thời cơ này để có hành trang thâm nhập thị trường bán các sản phẩm Việt ra thế giới.
Theo ông Gijae Seong, DN muốn thành công trên thị trường TMĐT xuyên biên giới cần dựa trên kiềng 3 chân: nâng cao năng lực sản xuất dựa trên lợi thế sản phẩm có nguồn nguyên liệu tự nhiên; nâng cao kỹ năng bán hàng online để có thể vận hành DN trên môi trường số; xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm.
“Cần sử dụng công cụ, nền tảng số để có thể đọc vị thị trường, tức chú ý lắng nghe sự đánh giá, phản hồi để sau đó quay lại sáng tạo sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Qua đó, tăng giá trị sản phẩm trên thị trường quốc tế, tăng tính cạnh tranh”, ông Gijae Seong lưu ý.
Còn theo bà Huyền, để đưa TMĐT xuyên biên giới trở thành những yếu tố thúc đẩy phát triển xã hội và tăng khả năng cạnh tranh quốc tế thì cần sự chung tay phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước, DN, các đơn vị vận hành, sự nỗ lực quyết tâm của cộng đồng DN Việt Nam.
Phú Cát
Bình luận (0)