Ngày 12-6, Mỹ thông báo trừng phạt thêm 300 cá nhân, tổ chức ở Nga và nhiều nơi khác với cáo buộc có liên quan đến “nền kinh tế thời chiến" của Moscow.
Đài RT đưa tin các lệnh trừng phạt mới nhắm mục tiêu vào hơn 100 triệu USD thương mại giữa Nga và các đối tác nước ngoài.
Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố các công ty và cá nhân ở Trung Quốc, Kyrgyzstan, Thổ Nhĩ Kỳ cũng nằm trong danh sách trừng phạt. Trong đó, Mỹ nhắm tới các mục tiêu ở Đông và Trung Á, châu Phi, Trung Đông và vùng Caribe.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen khẳng định: "Chúng tôi đang làm gia tăng rủi ro đối với các tổ chức tài chính hỗ trợ nền kinh tế thời chiến của Nga và loại bỏ những con đường trốn tránh trừng phạt, đồng thời làm giảm khả năng của Nga được hưởng lợi từ việc tiếp cận công nghệ, thiết bị, phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin của nước ngoài".
Bà Yellen nêu rõ: "Hành động hôm nay nhắm vào con đường tiếp nhận nguyên liệu và thiết bị quốc tế còn lại của Nga, trong đó có nguồn cung cấp quan trọng từ các nước thứ ba".
Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ đã đưa ra cách lý giải mới về các lệnh hành pháp hiện tại, cấm công dân Mỹ cung cấp cho bất kỳ đối tượng nào ở Nga "dịch vụ thiết kế và tư vấn công nghệ thông tin", cũng như "các dịch vụ hỗ trợ công nghệ thông tin, dịch vụ dựa trên đám mây cho phần mềm quản lý doanh nghiệp và phần mềm thiết kế hoặc sản xuất".
Đáp trả, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Nga sẽ không để yên cho các "hành động hung hăng" của Mỹ.
Ngày 12-6, Mỹ công bố gói trừng phạt mới, nhắm vào một loạt tổ chức và cá nhân Nga. Ảnh: Reuters
Cũng trong ngày 12-6, nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã đồng ý chuyển 50 tỉ USD lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga cho Ukraine vào cuối năm nay.
Theo tờ Le Monde, các nhà lãnh đạo G7 nhắm đến việc nhất trí về một thỏa thuận sử dụng lợi nhuận từ tiền lãi số tài sản trị giá 325 tỉ USD bị phong tỏa của Ngân hàng trung ương Nga để giúp Kiev, bằng cách sử dụng lợi nhuận này làm tài sản thế chấp cho khoản vay lên tới 50 tỉ USD.
Nguồn tin tờ Le Monde cho biết trong trường hợp tài sản của Nga không bị phong tỏa hoặc số tiền thu được từ tài sản của Nga không đủ chi trả cho khoản vay thì cách chia sẻ gánh nặng của khoản vay sẽ được cân nhắc.
Đài RT cũng dẫn thông tin từ Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 12-6 tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) quyết định trích một phần lợi nhuận từ việc phong tỏa tài sản của Nga và cung cấp số tiền này để hỗ trợ Ukraine.
Theo đó, EU thống nhất cung cấp gói cứu trợ mới cho Ukraine bao gồm 2 tỉ USD từ các cơ sở của EU tại Ukraine cùng với 1,6 tỉ USD từ lợi nhuận do việc phong tỏa tài sản của Nga mang lại.
Bà Leyen nói rằng số tiền này sẽ được phân bổ vào cuối tháng 7 trong hội nghị bàn về tái thiết Ukraine ở thủ đô Berlin – Đức.
Theo Huệ Bình/NLĐO
Bình luận (0)