Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hôm 12-6 quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 5,25% – 5,5%, qua đó kéo dài cuộc chiến chống lạm phát.
Con số này đã giảm đáng kể so với mức gần 10% cách đây 2 năm. Dù vậy, CPI đã dao động ở mức 3%-4% trong gần một năm qua.
Do đó, FED cho rằng lạm phát sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian lâu hơn so với dự đoán trước đây, đồng thời điều chỉnh dự báo về số lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, giảm từ 3 còn 1.
Tuyên bố của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), cơ quan ra quyết định của FED, nhấn mạnh hiện chưa có đủ niềm tin rằng lạm phát đang giảm bền vững về mục tiêu 2%. Chủ tịch FED Jerome Powell cũng khẳng định FED cần thấy thêm tiến triển trong cuộc chiến chống lạm phát trước khi hạ lãi suất.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell tại cuộc họp báo ở thủ đô Washington hôm 12-6. Ảnh: Reuters
Trong 7 cuộc họp liên tiếp kéo dài gần một năm, FED đã chọn giữ nguyên lãi suất để ứng phó với lạm phát cao và hiệu suất kinh tế mạnh mẽ. Về lý thuyết, lãi suất cao kéo dài sẽ đè nặng lên hoạt động kinh tế, làm giảm nhu cầu tiêu dùng và hạ giá cả. Tuy nhiên, nỗ lực của FED đã gặp thách thức bởi nền kinh tế vẫn kiên cường và lạm phát cao dai dẳng.
Theo sau quyết định mới nhất của FED, giới phân tích kỳ vọng sẽ có 1-2 đợt cắt giảm lãi suất từ giờ đến cuối năm. Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định với đài ABC News rằng FED thậm chí không tiến hành đợt cắt giảm lãi suất nào.
Cơ quan này đối mặt nguy cơ khiến lạm phát tăng trở lại nếu giảm lãi suất quá nhanh vì khi đó nhu cầu tiêu dùng mạnh hơn cùng với hoạt động kinh tế vững chắc có thể khiến giá tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, giai đoạn kéo dài của lãi suất cao đe dọa gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế và đẩy Mỹ vào suy thoái.
Trái với FED, một số ngân hàng trung ương khác gần đây bắt đầu cắt giảm lãi suất, trong đó có Ngân hàng Trung ương Canada và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB). Theo trang Bloomberg, nếu các ngân hàng này tiếp tục chu kỳ nới lỏng riêng, điều đó có nguy cơ khiến đồng tiền của họ giảm giá, từ đó làm tăng giá nhập khẩu và suy yếu nỗ lực giảm lạm phát.
Mức lãi suất cao trong thời gian dài khiến USD mạnh so với các đồng tiền khác. Lý do là triển vọng lãi suất cao dai dẳng của Mỹ làm cho việc đầu tư vào chứng khoán Mỹ trở nên hấp dẫn hơn, khiến USD tăng giá.
Tuy nhiên, diễn biến này lại là thách thức đối với các nền kinh tế đang phát triển, nhất là những quốc gia có khoản nợ bằng USD vì khi đó việc trả nợ sẽ khó khăn hơn khi đồng nội tệ suy yếu.
Theo Hoàng Phương/NLĐO
Bình luận (0)