Dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 13 với những điều chỉnh về quy định diện tích đất tối thiểu/học sinh và quy mô trường lớp là điều cần thiết, phù hợp.
TP.HCM hiện đang vướng quy định trong Thông tư 13 khi xây dựng mới trường lớp
Điều chỉnh về diện tích đất tối thiểu và quy mô trường
Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 13/2020.
Điểm đáng chú ý nhất trong dự thảo thông tư so với Thông tư 13 trước đó là điều chỉnh về diện tích đất tối thiểu/học sinh và quy mô trường với các bậc học.
Cụ thể, theo dự thảo thông tư, với trường mầm non, tổng diện tích khu đất xây dựng trường (bao gồm các điểm trường) được xác định trên cơ sở số nhóm, lớp, số trẻ em với bình quân tối thiểu 12m2 cho một trẻ em; đối với các đô thị loại III trở lên (theo công nhận loại đô thị của cấp có thẩm quyền) cho phép bình quân tối thiểu 8m2 cho một trẻ em.
Trong Thông tư 13 quy định: Diện tích khu đất xây dựng trường, điểm trường được xác định trên cơ sở số nhóm, lớp, số trẻ em với bình quân tối thiểu 12m2 cho một trẻ em; đối với các đô thị miền núi, khu vực trung tâm các đô thị có quỹ đất hạn chế cho phép bình quân tối thiểu 10m2 cho một trẻ em.
Cũng theo dự thảo thông tư, đối với quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường mầm non, về quy mô, trường mầm non có quy mô tối thiểu 9 nhóm, lớp và tối đa 30 nhóm, lớp. Đối với trường tại các xã thuộc vùng khó khăn và các trường dân lập, tư thục có quy mô tối thiểu 5 nhóm, lớp.
Trong khi đó, Thông tư 13 quy định: Trường mầm non có quy mô tối thiểu 9 nhóm, lớp và tối đa 20 nhóm, lớp. Đối với trường tại các xã thuộc vùng khó khăn có quy mô tối thiểu 5 nhóm, lớp.
Đối với bậc tiểu học, dự thảo thông tư quy định trường tiểu học có quy mô tối thiểu 10 lớp và tối đa 40 lớp. Đối với trường tại các xã thuộc vùng khó khăn có quy mô tối thiểu 5 lớp; Tổng diện tích khu đất xây dựng trường (bao gồm các điểm trường) được xác định trên cơ sở số lớp, số học sinh với bình quân tối thiểu 10m2 cho một học sinh; đối với các đô thị loại III trở lên (theo công nhận loại đô thị của cấp có thẩm quyền) cho phép bình quân tối thiểu 6m2 cho một học sinh.
Thông tư 13 quy định, trường tiểu học có quy mô tối thiểu 10 lớp và tối đa 30 lớp. Đối với trường tại các xã thuộc vùng khó khăn có quy mô tối thiểu 5 lớp. Diện tích khu đất xây dựng trường, điểm trường được xác định trên cơ sở số lớp, số học sinh với bình quân tối thiểu 10m2 cho một học sinh; đối với các đô thị miền núi, khu vực trung tâm các đô thị có quỹ đất hạn chế cho phép bình quân tối thiểu 8m2 cho một học sinh.
Việc điều chỉnh Thông tư 13 là điều cần thiết
Với bậc THCS, dự thảo thông tư sửa đổi diện tích khu đất xây dựng trường, điểm trường được xác định trên cơ sở số lớp, số học sinh với bình quân tối thiểu 10m2 cho một học sinh; đối với các đô thị loại III trở lên cho phép bình quân tối thiểu 6m2 cho một học sinh. Đối với trường có tổ chức nội trú, diện tích khu đất cho các hạng mục công trình phục vụ nội trú bảo đảm 6m2 cho một học sinh nội trú.
Trước đó, Thông tư 13 quy định diện tích khu đất xây dựng trường, điểm trường được xác định trên cơ sở số lớp, số học sinh với bình quân tối thiểu 10m2 cho một học sinh; đối với các đô thị miền núi, khu vực trung tâm các đô thị có quỹ đất hạn chế cho phép bình quân tối thiểu 8m2 cho một học sinh. Đối với trường có tổ chức nội trú, diện tích khu đất cho các hạng mục công trình phục vụ nội trú bảo đảm 6m2 cho một học sinh nội trú.
Với bậc THPT, dự thảo thông tư sửa đổi trường THPT có quy mô tối thiểu 15 lớp và tối đa 50 lớp. So với Thông tư 13 quy định: Trường THPT có quy mô tối thiểu 15 lớp và tối đa 45 lớp.
Ngoài ra, dự thảo thông tư cũng có nhiều điều chỉnh về tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu cho khối phòng học tập, phòng học bộ môn ở các bậc học. Bên cạnh đó, dự thảo thông tư mới cũng sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 13/2020.
Sửa đổi là phù hợp, cần thiết
Tại TP.HCM, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nhận định, định mức diện tích đất bình quân/học sinh theo quy định của Bộ GD-ĐT trong Thông tư 13 khá cao so với đặc thù của TP dẫn đến khả năng đầu tư bị giới hạn và gặp khó khăn: Trong đó, mầm non quy định từ 10-12m2/học sinh; Tiểu học từ 8-10m2/học sinh; THCS từ 8-10m2/học sinh; THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học 10m2/học sinh.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT đánh giá, với định mức khá cao trong điều kiện đặc thù của TP.HCM đã tạo không ít những khó khăn trong công tác xây dựng đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp và tăng số lượng phòng học ở tất cả các cấp học hiện nay trên địa bàn TP, đặc biệt là các khu vực trong nội thành.
Do vậy, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng việc điều chỉnh Thông tư 13 với các quy định về diện tích đất tối thiểu/học sinh và quy mô trường lớp là điều cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và nhu cầu phát triển của GD-ĐT trên địa bàn TP.
Ông Võ Quốc Bảo – Giám đốc Ban 3, Ban Dân dụng cho biết thêm, nhiều dự án xây dựng trường lớp tại TP.HCM đang gặp khó do vướng Thông tư 13 của Bộ GD-ĐT, quy định diện tích đất trên đầu học sinh. Cụ thể, Thông tư 13 quy định diện tích đất trên đầu học sinh trung bình 10m2/học sinh, tương đương với trường 2.000 học sinh thì quỹ đất phải là 2ha. Trong khi đó, trường hiện hữu hiện nay thì rất ít trường đáp ứng được chỉ tiêu này.
“Với khó khăn này, UBND TP đã có văn bản gửi Bộ GD-ĐT, đề xuất chỉ tiêu này chỉ áp dụng với công trình xây dựng mới hoàn toàn, đồng thời với đặc thù TP.HCM thì xem xét giảm mức chỉ tiêu…”.
Đỗ Hoa
Bình luận (0)