Đích đến của mọi cấp học là để có một ngành nghề, một công việc với thu nhập ổn định trong tương lai. Tuy nhiên, hiện nay nhiều học sinh còn suy nghĩ chưa đúng và mặc cảm khi học trường nghề dẫn đến lãng phí thời gian, năng lực của bản thân.
Học sinh băn khoăn làm thế nào để chọn trường phù hợp. Ảnh: N.N
Đó là thông tin được chuyên gia tâm lý Vũ Thiện Toàn đưa ra trong chương trình “Tuyển sinh, hướng nghiệp học sinh sau THCS” năm 2019 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức vừa qua tại Trường THCS Tân Tạo A (Q.Bình Tân). Tham dự chương trình còn có học sinh lớp 9 của Trường THCS Bình Tân và Trường THCS Lê Tấn Bê.
Chia sẻ với đông đảo học sinh, ông Toàn nhìn nhận trước đây rất nhiều học sinh hiểu chưa đúng và đầy đủ, thậm chí là mặc cảm về trường nghề, dẫn đến các em gặp sai lầm khi lựa chọn trường. Nhiều em có sức học trung bình nghĩ rằng phải bằng mọi giá thi đỗ vào các trường công lập, dù may mắn thi đỗ nhưng các em không lường trước được rằng với khối kiến thức rộng lớn có thể khiến các em bị đuối sức, học tập trong trạng thái mệt mỏi, chán nản, không dung nạp được kiến thức, kết quả học tập sút kém. Dù mất rất nhiều thời gian nhưng các em không thể xác định được năng lực và hướng đi nghề nghiệp cho mình. Trong khi đó, nhiều học sinh có lực học tương tự bị rớt lớp 10 công lập lại “chê” trường nghề vì mặc cảm. “Nhiều em nghĩ rằng học trường nghề là cấp học thấp nhất, có thể khiến bạn bè chê cười nên dù không lựa các hướng đi khác, các em cũng không chọn trường nghề, thay vào đó là tham gia vào thị trường lao động khi chưa đủ tuổi, chưa đủ kiến thức hoặc phụ thuộc vào sự chăm sóc của cha mẹ, người thân. Đó là những quan điểm sai lầm. Nguyên nhân là các em chưa hiểu được rằng trường nghề mang lại nhiều lợi ích thiết thực nhất”, ông Toàn chia sẻ.
Theo chuyên gia tâm lý Vũ Thiện Toàn, lộ trình học nghề là học sinh đăng ký vào các trường CĐ, TC hoặc sơ cấp nghề có đào tạo nghề mà mình yêu thích hoặc đăng ký các chương trình 9+ (học sinh có quyền lựa chọn, học nghề ngắn hạn trong thời gian 6 tháng đến 1 năm như chăm sóc sắc đẹp, nấu ăn, làm bánh và các em tham gia thị trường lao động ngay tại các trung tâm dạy nghề); hoặc lựa chọn học từ 9+2 đến 9+5 để theo 8 bậc của khung trình độ quốc gia. Sau 2 năm, học sinh lấy bằng TC, những năm tiếp theo lấy bằng CĐ. Nếu có nhu cầu, các em học tiếp để lấy bằng ĐH. Ông Toàn nhấn mạnh: “Hiện nay nhiều chương trình học nghề tại những trường tiên tiến hiện đại phù hợp với các em trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Học sinh tốt nghiệp THCS chưa đến tuổi lao động, do đó khuyến khích các em nên đi học nghề khi không đủ sức vào trường công lập. Dù đi đường vòng nhưng khi tốt nghiệp, các em có chuyên môn cao, cơ hội việc làm nhiều hơn”.
Đại diện ban tư vấn giải đáp thắc mắc cho học sinh Trường THCS Đông Thạnh Bằng tốt nghiệp GDTX có giống bằng THPT? Trong chương trình “Tuyển sinh, hướng nghiệp học sinh sau THCS” năm 2019 diễn ra tại Trường THCS Đông Thạnh (huyên Hóc Môn) mới đây, em Đàm Minh Tự (lớp 9/1) thay mặt cho hàng trăm học sinh trong trường đặt câu hỏi: “Chúng em nghe nói học tại Trung tâm GDNN-GDTX không gặp nhiều áp lực. Vậy tấm bằng này có khác gì bằng THPT?”. Với câu hỏi này, ông Huỳnh Văn Gìn (đại diện Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hóc Môn) giải đáp: “Mặc dù học tại Trung tâm GDNN-GDTX nhưng các em vẫn được học các môn văn hóa và tham dự kỳ thi THPT quốc gia. Do vậy, hai tấm bằng này có giá trị ngang nhau, có thể dùng để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ mà mình thích”. Ông Gìn thông tin thêm, hiện Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hóc Môn có đào tạo 2 ngành nghề là maketing và quản lý khách sạn. Trong thời gian học các môn văn hóa, học viên có thể học thêm nghề vào sáng thứ 2 và chiều thứ 7 hàng tuần. “Học ở trung tâm, các em có chế độ miễn học phí. Sau khi tốt nghiệp, các em thỏa sức xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ hoặc có thể đi du học tại nước ngoài”, ông Gìn nhấn mạnh. Liên quan đến điểm nghề, em Đỗ Thị Thanh Thảo (lớp 9/17) thắc mắc: “Theo quy định, năm nay chúng em sẽ không được cộng thêm điểm nghề như các anh chị khóa trước. Vậy tại sao trường vẫn bắt chúng em học nghề?”. Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Quốc Cường (Phó ban Đào tạo, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM) khẳng định đây là câu hỏi được rất nhiều học sinh quan tâm. Tuy nhiên, việc cộng điểm nghề hay không không quan trọng, không ảnh hưởng đến điểm chuẩn vì khi xét tuyển vào lớp 10, các trường sẽ lấy từ điểm cao đến điểm thấp và điểm cao hay không do bản thân chúng ta tự quyết định. “Hiện nay, các em làm bất cứ việc gì cũng cần đến kỹ năng, chẳng hạn: nấu ăn, sửa chữa bóng đèn, quạt gió và làm những việc lặt vặt trong nhà… Việc học nghề sẽ giúp các em có kỹ năng sinh tồn trong một thời gian mà người thân, cha mẹ không ở bên cạnh. Nếu không có kỹ năng, các em sẽ không thể đi ra thế giới bên ngoài, không thể tự lập. Đó cũng là lý do tại sao các em buộc phải đi học nghề trong khi không được cộng vào điểm thi”, ông Cường giải đáp. Kiều Khánh |
Tại chương trình, các chuyên gia tư vấn cho biết khi học nghề, với chủ trương khuyến khích từ Chính phủ, học sinh học 2 năm hoặc 3 năm được miễn phí hoàn toàn ở trường công lập, dân lập chỉ đóng 1/2 học phí. Thầy Nguyễn Công Triều (Hiệu trưởng Trường THPT Bình Tân) khuyên: “Để có quyết định đúng, các em cần trao đổi kỹ với cha mẹ để chọn đường đi phù hợp. Ngày nay học sinh học nghề chỉ học 1 đến 2 năm, sau đó đi làm không ràng buộc về Luật Lao động vì không làm việc trong những môi trường nặng nhọc, độc hại. Công việc phù hợp lứa tuổi và sức khỏe. Ngoài ra, có những chương trình học thêm trau dồi chuyên môn. Các em cần lưu ý chọn trường phù hợp với năng lực của bản thân, điều kiện kinh tế gia đình, tránh chọn trường theo bạn bè, đặc biệt không nên chọn trường quá với sức học”.
Nhã Nam
Bình luận (0)