Sự kiện giáo dụcTin tức

TP.HCM hoàn tất chấm thi tuyển sinh 10, phổ điểm từng môn thế nào?

Tạp Chí Giáo Dục

Từ chiều 15-6, TP.HCM đã hoàn thành khâu chấm thi tuyển sinh vào lớp 10. Hiện đang tiếp tục các công đoạn ráp phách, đối chiếu kết quả và lên điểm. Dự kiến sáng ngày 20-6, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ công bố điểm thi tuyển sinh vào lớp 10.


TP.HCM đã hoàn thành việc chấm thi tuyển sinh 10

Công tác chấm thi được TP.HCM thực hiện từ ngày 11-6, với hơn 98.000 bài thi cần chấm ở từng môn thi.

Môn toán: Chỉ một vài điểm 10, điểm dưới trung bình khoảng hơn 50%

Ở môn toán, giám khảo cho biết điểm thi có sự phân hóa rõ rệt giữa khu vực ngoại thành và nội thành. Trong đó, khu vực ngoại thành điểm dưới trung bình khoảng gần 60%, tỷ lệ này ở khu vực nội thành dưới 50%. Số điểm 10 năm nay rất ít, chỉ một vài bài.

Một giám khảo cho biết, tổ mình chấm tỷ lệ điểm trên trung bình là 51,4%. Tỷ lệ điểm dưới trung bình là 48,6%. Không có điểm 10 và điểm 0.

Trong khi đó, một giám khảo khác cho biết, trong số hơn 3.000 bài thi đã chấm thì chỉ có 1 bài điểm 9, không có bài nào điểm 0. Số điểm giỏi 8, 9 cũng rất ít. Tỷ lệ điểm dưới trung bình là gần 60%, với mức điểm phổ biến là 4 điểm. Thông thường học sinh làm được bài 1, bài 2, bài 4 và câu a bài 8. Không có bài làm nào điểm 0.

Với hơn 40% học sinh trên trung bình thì mức điểm phổ biến học sinh đạt được từ 5-6,75 điểm. Từ điểm 7 trở lên ít, đặc biệt là 8 điểm thì không nhiều, chỉ có 1 bài đạt điểm 9.

“So với mọi năm thì tỷ lệ dưới trung bình năm nay nhiều hơn, số điểm giỏi ít hơn. Đề năm nay có khó hơn một chút so với mọi năm ở một số bài thi thực tế. Dù vậy, đây đều là các bài toán thực tế không phải là quá xa lạ. Điều này cho thấy, học sinh đã quá quen việc học toán theo dạng đề” – giám khảo này cho biết.

Từ đề thi toán năm nay, các giám khảo cho rằng, học sinh phải thay đổi cách học theo cách tiếp cận đa dạng hơn chứ không phải là học theo kiểu đóng khung ở 1 số dạng đề, chỉ thay đổi thông số. Bởi vì toán thực tế sẽ muôn màu, gắn với thực tế. Quan trọng là học sinh phải đọc hiểu được đề, phải biết phân tích các dữ liệu, sử dụng kiến thức đã học để giải quyết vấn đề.

Đặc biệt, theo các giám khảo, nhiều năm nay, TP.HCM được đánh giá là địa phương tiên phong đi đầu trong đổi mới phương pháp dạy và học cũng như kiểm tra đánh giá. Tuy nhiên, từ đề toán năm nay cho thấy bản thân giáo viên tiếp tục phải thay đổi cách dạy, không đóng khung dạng đề bởi thầy cô dạy gì thì học sinh sẽ học và ôn như vậy. Thay vào đó, phải dạy học sinh hiểu vấn đề, sử dụng kiến thức đã học để xử lý vấn đề thực tế chứ không có đóng khung vào một dạng, một mẫu nào…

Môn ngữ văn: Cao nhất 9,5 điểm; phổ điểm từ 7-7,5

Theo giám khảo, phổ điểm từ 7-7,5 điểm; số bài thi trên 8,5 điểm cao hơn năm trước. Số bài trên 8 khoảng 33%, có bài thi 9,5 điểm; Bài dưới 5 điểm chiếm khoảng 9,3%. Thấp nhất là 1,25 điểm.

Trong đó, phần đọc hiểu (3 điểm), học sinh thường lấy được 2,5 điểm, thấp nhất cũng đạt 1,25 điểm.

Phần nghị luận xã hội (3 điểm), với yêu cầu “biết nghĩ bằng con tim”, học sinh đa phần lại đi vào “thấu hiểu chính mình” thay vì hướng ra bên ngoài nghĩ cho người khác. Tuy nhiên, bài làm vẫn đảm bảo đủ bố cục của một bài văn chứ không phải là đoạn văn. Phổ điểm của câu này ở mức 2-2,25 điểm.

Câu nghị luận văn học (4 điểm), có sự đồng đều giữa đề 1 và đề 2, tỷ lệ học sinh chọn 2 đề này là tương đương nhau chứ không phải như mọi năm là các em thường chọn đề 1. Mặc bằng mức độ yêu cầu của cả 2 đề khá đồng đều. Phổ điểm của cả 2 đề cũng ở mức 2,75.

Học sinh làm bài có bố cục tuy nhiên, nhiều học sinh còn diễn xuôi ở đề 1; chưa thể hiện rõ phân tích thơ ở đề 2.

Giám khảo đánh giá, kỹ năng đọc hiểu của học sinh còn yếu, đặc biệt là không có kỹ năng đọc các văn bản dài. Các dẫn chứng đưa ra trong bài còn khá hời hợt, khiên cưỡng, máy móc, điều này cho thấy học sinh học văn còn chưa chú trọng vào việc hiểu mà còn theo kiểu ghi nhớ, công thức, học vẹt. Các em còn ít đọc, ít quan tâm đến đời sống xung quanh, ít vốn sống. Nhiều em còn viết văn từ những câu văn quá hoa mĩ… Nhiều bài viết có mở bài y chang nhau.

Môn tiếng Anh: Phổ điểm cao hơn năm trước, không có mưa điểm 10

Theo nhiều giám khảo, đề thi tiêng Anh năm nay không đánh đố, vì vậy phổ điểm có phần nhỉnh hơn năm trước, dao động từ 7-8 điểm.

Số bài thi điểm dưới trung bình chỉ chiếm khoảng trên 20%, dao động ở mức 3-4 điểm. Số bài thi điểm 1 rất ít, không có bài điểm 0; Điểm 10 ít hơn với năm trước, song số điểm 8-9 lại cao hơn.

Riêng đối với câu 33, 40, giám khảo cho biết Sở GD-ĐT đã mở rộng nhiều đáp án nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh.

“Mặc dù đề dễ thở song học sinh lại bất cẩn, sai chính tả nhiều do vậy không nhiều học sinh không đạt điểm tuyệt đối” – nhiều giám khảo nhận định.

Yến Hoa

Bình luận (0)