Ngoài điểm số, từ tháng 11-2020, việc đánh giá học sinh còn được cụ thể hóa bằng nhận xét, trong đó bao gồm nhận xét cả thái độ, hành vi, phẩm chất và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập nhằm hướng tới sự tiến bộ của người học, khuyến khích người học nhìn ra thế mạnh của bản thân để cố gắng.
Việc đánh giá học sinh bằng nhận xét hướng tới sự tiến bộ của người học. Trong ảnh: Học sinh lớp 1 tại TP.HCM tham gia một hoạt động trải nghiệm trong giờ học
Những điểm mới này được quy định rõ trong Thông tư 26 với học sinh trung học và Thông tư 27 với học sinh tiểu học do Bộ GD-ĐT ban hành.
Lo nhất là “bình mới rượu cũ”
Đề cập đến hình thức đánh giá học sinh bằng nhận xét, PGS.TS Nguyễn Thành Vinh (Học viện Quản lý Giáo dục) nhận định, đây là hình thức đổi mới của Bộ GD-ĐT nhằm “cởi trói” tính rập khuôn, cứng nhắc của đội ngũ giáo viên, đồng bộ với tính mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. “Không phải đến bây giờ việc đánh giá học sinh bằng nhận xét mới được áp dụng bởi trước đó trong các bài kiểm tra giấy hay việc phê học bạ vẫn được giáo viên đưa ra nhận xét. Thế nhưng, việc đánh giá bằng nhận xét trước đây hầu như không được quy định rõ ràng, đặc biệt là việc phê học bạ, dẫn đến việc giáo viên phê theo cảm tính, rất ít giáo viên đánh giá xuyên suốt quá trình học tập của học sinh mà chỉ đánh giá dựa trên điểm số, lời đánh giá thường “sao kê” từ học sinh này sang học sinh khác, không có giá trị khuyến khích, động viên học sinh”, ông Vinh nói.
Bởi vậy, ông Vinh cho rằng dù đổi mới, cởi trói từ phía Bộ GD-ĐT nhưng giáo viên, nhất là người đứng đầu mỗi đơn vị vẫn giữ tư duy, quan điểm và cách làm cũ thì việc đánh giá rất có thể sẽ rơi vào tình trạng “bình mới rượu cũ”. Đây cũng là điều lo nhất khi các thông tư mới bắt đầu được áp dụng từ năm học này nếu giáo viên không nhận thức được rõ vấn đề. “Khi đã không nhận thức được vấn đề thì việc đổi mới phương pháp giảng dạy sẽ rất khó khăn. Nếu như thế thì việc đánh giá giả sử có đổi mới thì cũng chỉ là làm cho có, làm đối phó, không hiệu quả…”, ông Vinh cho biết.
Trong câu chuyện đổi mới hình thức đánh giá học sinh kết hợp với nhận xét, một giáo viên THPT ở Q.Tân Phú (TP.HCM) nhìn nhận việc “đả thông” tư duy của người đứng đầu đơn vị là khâu tiên quyết nhất. “Khi người đứng đầu đơn vị không thông thì việc chỉ đạo “qua loa” dẫn đến giáo viên muốn làm sao thì làm, nhiều giáo viên cố “vẽ” lời nhận xét thật dài để cho đúng quy định. Hoặc thận trọng hơn thì có hiệu trưởng lại có tư tưởng… chờ đến khi chương trình mới thực hiện mới bắt đầu áp dụng để cho đồng bộ hóa với chương trình, dẫn đến việc giáo viên có muốn làm cũng khó”, vị giáo viên này nói.
Cô Đỗ Ngọc Đào (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Huy Ích, Q.Tân Bình, TP.HCM) cho hay, đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét theo Thông tư 27 đang được nhà trường áp dụng cho học sinh lớp 1 trong năm học này kết hợp giữa nhận xét thường xuyên bằng lời nói và bằng chữ viết. “Đánh giá học sinh không phải là tìm kiếm những gì xa xôi mà thực ra chỉ là những điều rất đơn giản gắn với sự tiến bộ của trẻ mỗi ngày trong học tập và ý thức. Tuy nhiên, nếu giáo viên không thật sự sâu sát, không theo dõi học sinh thường xuyên thì việc đánh giá cũng sẽ lại là cũ kỹ như trước đây mà không đồng nhất với chương trình mới”, cô Đào cho biết.
Triển khai linh hoạt theo từng đơn vị
Tại TP.HCM, sau khi Bộ GD-ĐT ban hành các thông tư mới về kiểm tra, đánh giá học sinh trong năm học này, ngành GD-ĐT đã triển khai chương trình tập huấn để làm rõ hơn về những thông tư trên đến đội ngũ giáo viên. Ông Hồ Tấn Minh (Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM) chỉ rõ, cùng với kế hoạch giáo dục của nhà trường, cùng với việc đổi mới phương thức giảng dạy thì việc đổi mới đánh giá học sinh theo quá trình kết hợp giữa đánh giá bằng điểm số và nhận xét theo thông tư mới sẽ là bước chuẩn bị giúp giáo viên, nhà trường đón đầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 một cách chủ động. “Khi đánh giá bằng nhận xét, giáo viên cần bám sát theo mục tiêu mà Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đặt ra. Không đánh giá theo cảm tính mà cần phải đánh giá dựa trên các khung năng lực, phẩm chất mà chương trình mới hướng tới cho học sinh. Ngay cả các câu nhận xét khi đánh giá học sinh, giáo viên cũng cần phải chỉn chu, viết thành những câu hoàn chỉnh chứ không là những câu từ rời rạc. Đặc biệt là khi nhận xét cần dựa trên sự tiến bộ của người học, ngay cả khi đề cập tới những mặt hạn chế của người học cũng cần dựa trên sự tiến bộ”, ông Minh nhấn mạnh.
Ông Minh cũng cho biết, việc đánh giá bằng nhận xét có thể được thực hiện theo từng tháng hoặc thực hiện theo từng học kỳ, không chỉ là giáo viên chủ nhiệm đánh giá học sinh mà giáo viên từng bộ môn cũng có thể triển khai (đối với bậc trung học). Các đánh giá, nhận xét của giáo viên có thể được nhà trường thiết kế linh hoạt theo một biểu mẫu riêng dựa trên chính học bạ rồi kẹp cùng với học bạ.
Tại Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM), việc đánh giá học sinh bằng nhận xét đang được nhà trường triển khai, bắt đầu từ cuối học kỳ I với từng giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn (trừ nhạc, họa, thể dục). Sự kết hợp này, theo cô Nguyễn Đoan Trang (Hiệu trưởng nhà trường), là nhằm đánh giá một cách khách quan, cụ thể nhất sự tiến bộ, năng lực đặc trưng của học sinh trong từng bộ môn mà giáo viên chủ nhiệm không thể bao quát hết. “Cái khó ở đây là với giáo viên bộ môn dạy nhiều lớp thì để đánh giá từng học sinh sẽ không thể làm tuyệt đối, không tránh khỏi hình thức nên có thể các câu nhận xét sẽ chung chung. Thời gian tới nhà trường sẽ thiết kế mẫu đánh giá phù hợp với học bạ để tạo điều kiện cho giáo viên triển khai”, cô Trang cho biết.
Trong khi đó, tại Trường THCS Tôn Thất Tùng (Q.Tân Phú, TP.HCM), hình thức đánh giá học sinh bằng nhận xét lại được giáo viên chủ nhiệm thực hiện theo từng tháng, bắt đầu từ tháng 11-2020. Cụ thể, giáo viên chủ nhiệm sẽ đánh giá, nhận xét tổng hợp học sinh dựa trên những tham khảo từ giáo viên bộ môn. “Để phát huy tốt tính mở của thông tư đánh giá mới, giáo viên chủ nhiệm phải thật sự sâu sát nếu không muốn có cái nhìn mang tính cá nhân”, cô Phạm Thị Thanh (Hiệu trưởng Trường THCS Tôn Thất Tùng) cho biết. Theo cô Thanh, tới đây nhà trường sẽ tổ chức tập huấn để cụ thể hóa hơn nữa hình thức đánh giá này, hướng dẫn rõ ràng giáo viên triển khai trong từng câu chữ. “Mỗi giáo viên bộ môn dạy đến 20 lớp, tương đương với 1.000 học sinh, như vậy, nếu không cẩn thận sẽ rất dễ rơi vào việc đánh giá “đồng phục hóa””, cô Thanh nói.
Bài, ảnh: Đ.Yến
Bình luận (0)