Không chỉ tranh cãi ngoại giao, căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines đã leo thang thành đụng độ, răn đe quân sự.
Tối qua (19.6), tờ Nikkei Asia dẫn lời Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines Romeo Brawner Jr. cáo buộc lực lượng hải cảnh Trung Quốc (CCG) là "cướp biển".
Bùng phát đụng độ
Cụ thể, cáo buộc trên bắt nguồn từ vụ đụng độ xảy ra ở khu vực bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa vào sáng 17.6. Theo Manila, CCG đã ngăn cản việc phía Philippines cử người sử dụng thuyền để tiếp tế cho lực lượng nước này đang đồn trú ở bãi cạn. Trong cuộc họp báo hôm qua, ông Brawner Jr. thông tin lực lượng CCG trang bị giáo và dao đã lên được thuyền của Philippines rồi phá hủy một số thiết bị, đồng thời lấy đi một số thiết bị liên lạc, định vị dẫn đường. Trước khi rời đi, lực lượng CCG còn đâm thủng tàu. Một quân nhân Philippines đã bị mất 1 ngón tay trong vụ đụng độ.
Tàu CCG trong một lần phun vòi rồng ngăn cản tàu tiếp tế của Philippines vào tháng 3 vừa qua
Trong số thiết bị bị lấy đi được cho là có cả điện thoại di động cá nhân của người Philippines. Ông Romeo Brawner Jr. cho rằng đó là hành vi "ăn cướp" và yêu cầu phía Trung Quốc phải trao trả tài sản, đồng thời bồi thường.
Đến tối qua, phía Trung Quốc chưa phản hồi cáo buộc của Philippines. Tuy nhiên, ngày 17.6, AFP dẫn thông tin từ Lực lượng hải cảnh Trung Quốc (CCG) cho hay tàu của CCG và tàu tiếp tế của Philippines vừa va chạm ở khu vực quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.
Trước đó, Bắc Kinh nhiều lần cáo buộc Manila đã có hành vi gây căng thẳng và "xâm phạm chủ quyền" của Trung Quốc trên Biển Đông. CCG đã nhiều lần tiến hành ngăn cản phía Philippines tiếp tế cho lực lượng đồn trú trên một tàu chiến của nước này mắc cạn khu vực bãi cạn trên. Ngày 14.6, CGTN dẫn lời ông Trương Hiểu Cương, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, tuyên bố nước này sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để đối phó "các hành động nguy hiểm và leo thang của Philippines ở Biển Đông".
Nguy cơ xung đột
Trận đụng độ ngày 17.6 xảy ra chỉ 2 ngày sau khi CCG – lực lượng từng có nhiều hành động gây căng thẳng ở khu vực – chính thức được Bắc Kinh trao quyền áp dụng hình phạt giam giữ lên tới 60 ngày không qua xét xử đối với người nước ngoài "vượt biên trái phép" qua vùng biển Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
Quyền hạn mới của CCG gây nhiều lo ngại bởi CCG có thể áp dụng hình phạt trên ở những khu vực trên Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp – vốn đã bị Tòa Trọng tài quốc tế ở The Hague (PCA) ra phán quyết bác bỏ vào năm 2016. Lâu nay, Trung Quốc tự trao quyền thực thi các nhiệm vụ chấp pháp ở những vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền. Vì vậy, việc tăng quyền cho CCG đã bị xem là bước rủi ro mới cho Biển Đông.
Trong khi đó, Manila thể hiện rõ quyết tâm không nhún nhường khi gần đây Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tuyên bố chỉ cần 1 người dân nước này bị thiệt mạng ở Biển Đông do đụng độ thì có thể kích hoạt Hiệp ước Phòng thủ Chung được Philippines ký kết với Mỹ. Thời gian qua, Manila đã có một loạt động thái tăng cường hợp tác quốc phòng với Washington cũng như các đối tác khác trong khu vực. Đặc biệt, mới đây, Mỹ công bố triển khai hệ thống phóng tên lửa tầm trung Typhon ở Philippines.
Ngược lại, thời gian qua, Trung Quốc cũng tăng cường sức ép quân sự lên Philippines. Mới đây nhất, chiều tối 16.6, tờ Hoàn Cầu thời báo đưa tin Bắc kinh đã điều động tàu đổ bộ tấn công loại Type 075 đến khu vực bãi Xu Bi ở Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Trước đó, Trung Quốc thông báo 1 tàu đổ bộ Type 071 của nước này vừa tiến hành tập trận đổ bộ có sự tham gia của tàu đổ bộ đệm khí tại bãi Xu Bi. Không những vậy, ngày 12.6, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin quân đội nước này vừa điều động 3 tàu khu trục loại Type 055 tối tân đến tập trận ở Biển Đông.
Trước những diễn biến liên tục vừa xảy ra, TS Richard Javad Heydarian, chuyên gia người Philippines trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, đã có bài viết mang tựa đề: "Trung Quốc – Philippines tiến thêm một bước tới xung đột vũ trang". Trong thực tế, không chỉ TS Heydarian mà nhiều nhà quan sát khác cũng đang lo ngại mồi lửa ở Biển Đông sẽ bùng nổ thành xung đột nếu căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines không hạ nhiệt.
TT (theo thanhnien)
Bình luận (0)